Đại Kỷ Nguyên

Vì sao một số người bị muỗi đốt nhiều hơn những người khác?

Vì sao một số người lại thường xuyên bị muỗi đốt hơn những người khác? Các nhà khoa học đã chỉ ra một số nguyên nhân cho hiện tượng này. 

1. Hơi thở

Ảnh: Soha.

Muỗi bị thu hút bởi hơi thở của chúng ta – cụ thể là khí CO2 thải ra khỏi cơ thể. Vì vậy nếu bạn vừa tập thể dục, làm việc nặng, đổ nhiều mồ hôi và tăng nhịp thở, bạn có khả năng nằm trong “vùng tấn công” của muỗi. Một số người dù không hoạt động mạnh nhưng vẫn thở hổn hển do hen suyễn, béo phì hoặc mang thai cũng có thể trở thành đối tượng bị muỗi đốt nhiều hơn.  

2. Mồ hôi

Ảnh: Soha.

Muỗi “thích” những người đổ nhiều mồ hôi. Một trong những chất trong mồ hôi có thể thu hút muỗi là axit lactic. Một nghiên cứu trên Chemical Senses chỉ ra rằng người đổ mồ hôi càng nhiều và “nặng mùi” sẽ càng dễ bị muỗi đốt. Như vậy, nếu bạn lâu không tắm, bạn có nguy cơ bị muỗi đốt nhiều hơn bình thường. 

3. Rượu 

Ảnh: Tiền Phong.

Nghiên cứu năm 2002 của Khoa Y, Đại học Y Dược Toyama, Sugitani, Nhật Bản xác nhận hàm lượng ethanol tăng trong mồ hôi và hơi thở của bạn khi uống rượu sẽ thu hút loài muỗi.  

4. Vi khuẩn

Ảnh: Vinmec.

Cơ thể chúng ta là một trường nuôi cấy vi khuẩn – đó là nhân tố để giữ cơ thể cân bằng và khỏe mạnh. Một số loại vi khuẩn có thể đuổi muỗi nhưng ngược lại, cũng có một số vi sinh vật lại thu hút loài côn trùng này.

Một nghiên cứu năm 2011 chỉ ra những người có nhiều vi khuẩn trên bề mặt da hơn bình thường sẽ thu hút loài muỗi hơn. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra muỗi có hứng thú với vi khuẩn Staphylococcus và không thích vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. 

5. Nhóm máu 

Ảnh: bvnghean.

Bài nghiên cứu năm 2003 đăng trên website Bio One Complete kết luận muỗi có khẩu vị về nhóm máu. Theo đó, những người có nhóm máu O và A dễ bị muỗi tấn công nhất. Trong khi đó, nhóm máu B và AB không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể đưa ra bất kỳ giả thuyết nào về sở thích này của muỗi. 

Làm thế nào để đuổi muỗi? 

Không ai muốn bị muỗi đốt, nhất là người lớn trong nhà cần bảo vệ trẻ em khỏi muỗi vì chúng có thể mang đến các loại bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Mời bạn cùng tham khảo một số cách đuổi muỗi hiệu quả.

– Đuổi muỗi bằng chanh và đinh hương:  Cắt đôi trái chanh và cắm các nhánh đinh hương khô (có thể mua ở các tiệm thuốc bắc, thuốc nam) khắp các mặt của quả chanh, sau đó mang chúng đi đặt ở nhiều góc trong nhà.

Ảnh: Khám Phá.

Muỗi vốn rất sợ mùi tinh dầu từ những loại quả họ cam, chanh, quýt. Cách làm này vừa hiệu quả lại không gây độc hại cho gia đình.

– Đuổi muỗi bằng tỏi: Đun sôi nước tỏi và phun dung dịch này lên các góc nhà, hay những chỗ muỗi thường trú ngụ.  

Ảnh: Heydaycacao.

– Đuổi muỗi bằng lá bạc hà: Để những bó bạc hà nhỏ để trên bàn ăn, bệ bếp, cửa sổ và những nơi có muỗi để xua đuổi chúng. Sau 1-2 ngày, bạn hãy thay bằng những bó bạc hà mới. Hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ cần trông một vài cây bạc hà ở quanh nhà để tạo ra “hàng rào” chống muỗi. 

– Đuổi muỗi bằng sả: Sả đập dập, treo lên đuổi muỗi hoặc bạn mua tinh dầu sả về hé mở lọ, vừa thơm nhà, đuổi muỗi, lại lọc sạch không khí. 

Tham khảo: The Hearty Soul

Exit mobile version