Sau khi gặp người khách hàng và con trai của chị, tôi càng tin vào câu tục ngữ của người xưa: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Mấy hôm trước, lãnh đạo công ty có bảo tôi mang một công văn tới cho khách hàng. Tôi hẹn khách hàng ở quán cà phê dưới tầng một nhà cô ấy. Tôi tranh thủ đến sớm trước giờ hẹn, vừa ăn sáng vừa ngồi đợi. Khi đó có một cậu bé vội vàng đẩy cửa bước vào nói muốn mua đồ ăn sáng. Vừa trùng hợp có một đoàn khách du lịch ở khách sạn bên cạnh cũng bước vào mua đồ ăn. Khách đột nhiên đông lên làm nhân viên cửa hàng trở tay không kịp.
Sau khi cậu bé bước vào cửa, thấy khách đông như vậy thì hơi sững sờ đôi chút, sau đó xếp vào cuối hàng bất an nhìn đồng hồ đeo tay. Có lẽ cậu lo lắng vì sợ muộn học.
Cũng vào lúc này, một chiếc máy tính tiền lại bị kẹt giấy không in ra được. Những người khách hàng thấy vậy sốt ruột đã rời đi một nửa, từ hai hàng giờ biến thành một hàng. Để không làm mất thời gian của mọi người nhân viên phục vụ đi tới hỏi từng khách hàng thực đơn họ muốn gọi để bảo nhà bếp chuẩn bị trước. Lúc này cũng không gấp lắm, nhân viên phục vụ đi tới từng khách hàng cúi đầu xin lỗi. Tuy rằng thái độ của cô rất cung kính nhưng cũng bị nhận không ít những lời trách mắng khó nghe.
Có người vừa khó chịu bực dọc, cằn nhằn nói rằng từ nay không bao giờ vào cửa hàng này mua đồ ăn sáng nữa rồi quay gót rời đi. Có người không ngừng giục nhân viên cửa hàng nhanh lên một chút vì mình đang vội… Có người thì khoa trương tới mức yêu cầu nhân viên nhà hàng đuổi đoàn khách du lịch kia đi. Cô bé nhân viên phục vụ bất lực không biết làm sao đành im lặng đứng chịu tội.
Tuy nhiên khi cô nhân viên phục vụ đi tới trước mặt cậu bé kia, và hỏi cậu muốn ăn gì. Dáng vẻ vội vàng gấp gáp ban đầu của cậu biến mất, cậu bé rất trầm tĩnh gọi món mà mình muốn và còn thêm một câu: “Cảm ơn chị nhiều, không cần gấp đâu ạ”.
Vị trí tôi ngồi rất gần với quầy thu ngân nên nghe rõ từng lời cậu bé nói. Đây là câu cảm ơn đầu tiên cô nghe được từ trong dòng người đang xếp hàng đợi. Và đó cũng là người khách đầu tiên cô nhân viên phụ vụ nở nụ cười cảm ơn đáp lại. Khi đó trong lòng tôi chợt nghĩ cậu bé này nhất định không phải sinh ra trong một gia đình tầm thường.
Qủa nhiên không lâu sau đó mẹ cậu bé từ bên ngoài bước vào. Nhìn thấy trong cửa hàng đang có nhiều người xếp hàng đứng đợi, chị không bộc lộ chút vội vàng hay tức giận. Chỉ nhẹ nhàng đến bên con trai và hỏi đầu đuôi câu chuyện. Khi nghe cậu bé kể lại mọi chuyện, người mẹ cho con hay cậu bé bị muộn học rồi. Cậu bé ngại ngùng nói mình đã gọi món rồi nên không còn cách nào khác.
Cậu bé dường như lo sợ mẹ tức giận nên lo lắng nhìn quanh. Nhưng mẹ cậu xoa xoa đầu con trai và nói: “Không sao đâu con, mẹ gửi tin nhắn nói với thầy giáo con một tiếng là được mà. Chúng ta đợi chút nhé. Lần sau mẹ con mình nên đến sớm hơn”.
Cậu bé mỉm cười như vừa chút được gánh nặng. Tiếp sau đó hai mẹ con họ là người duy nhất trong những người đang xếp hàng đợi mỉm cười vui vẻ chuyện trò. Ngoài họ ra tất cả những người khác đều đang cố gắng thương lượng thúc giục nhân viên phục vụ nhanh hơn, mặc dù hành động của họ cũng không có tác dụng gì.
Mãi sau này tôi mới biết người mẹ đó chính là vị khách hàng mà tôi cần gặp. Chị là vị khách hàng tốt bụng nổi tiếng của công ty tôi. Từ trước tới nay chưa bao giờ chị làm khó chúng tôi. Những yêu cầu vô lý của các đồng nghiệp khác, chị đều tìm cách ngăn chặn. Nếu không vì trường hợp gấp bất đắc dĩ, chị tuyệt đối không ép tới mức chúng tôi phải tăng ca để hoàn thành công việc.
Sau khi công việc hoàn thành, chị cũng nhanh chóng mang tiền tới trả cho chúng tôi. Các đồng nghiệp khác thường ca thán, khách hàng chưa bao giờ thử tự nghĩ xem người khác làm việc cho mình đã phải bỏ ra mất bao công sức tâm huyết, đôi khi làm việc cho họ xong rồi họ cũng cứ lẩn tránh không muốn thanh toán. Có khách hàng mang tiền tận nơi đặt vào tay chúng ta như chị ấy quả thật có đốt đuốc cũng không tìm ra trong thời buổi này.
Nghe đồng nghiệp công ty chia sẻ, vị khách hàng này làm trong ngành dầu khí đã rất nhiều năm. Từ khi còn trẻ đã phải bôn ba ngược xuôi không ít nơi và cũng chịu không ít gian nan khổ cực. Chị thường ở dàn khoan tới cả nửa năm, sau khi về nước thì lại bận rộn việc kinh doanh dầu khí. Sau khi gặp người khách hàng và con trai của chị, tôi càng tin vào câu tục ngữ của người xưa “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Nhìn con biết bố mẹ
Chỉ những người hiểu được khó khăn gian nan vất vả, mới có thể biết làm thế nào giúp con thực sự hiểu và tôn trọng công sức lao động của người khác. Chỉ những người từng trải nghiệm nhiều cay đắng ngọt bùi, từng thất bại mới có thể dạy con khi gặp chuyện rắc rối không nên hấp tấp vội vàng hay lo sợ. Chỉ những người từng gặp phải sự thay đổi biến hóa khôn lường trong đường đời, mới có thể giúp con hiểu một cách rõ ràng đừng nên oán giận cuộc sống, mà nên tự mình cố gắng thay đổi nó.
Các nhà tâm lý học thường nói tới hiện tượng phản ứng giữa con người với con người. Nói một cách đơn giản đó chính là con người thường có xu hướng thông qua sự nhìn nhận đánh giá một sự việc đã xảy ra của người khác làm tấm gương phản chiếu nhận thức của chính mình. Thông qua những phản ứng đối với sự việc nào đó của người khác, chúng ta sẽ có thể đánh giá nhìn nhận sự việc đó là “đúng” hay “sai”. Sau đó qua sự đánh giá nhìn nhận này đúc kết ra hành động thích hợp cho bản thân.
Do vậy có thể nói cha mẹ chính là đôi mắt của con cái. Tầm nhìn nhận đánh giá sự việc của cha mẹ cũng là tầm cao trong nhìn nhận sự việc của con trẻ. Mặc dù có rất nhiều người sẽ nói, sau khi trưởng thành chúng ta đều dựa vào sự tự nỗ lực của bản thân để thay đổi cuộc sống. Trên thực tế chính những kiến thức những kinh nghiệm sống đó sẽ ảnh hưởng tới con cái và tự chúng có sự ứng phó thích hợp trong cuộc sống sau này.
Cách nhìn của cha mẹ phản ánh rõ trên con cái
Đây là câu nói thường được bạn tôi, vốn là giáo viên mầm non nói với mọi người. Trong một lớp có mười mấy đứa trẻ, tính cách mỗi đứa một vẻ hoàn toàn khác nhau. Có những bé khi có đồ ăn ngon ngay lập tức muốn chia sẻ cho người khác, lại có những bé chỉ rớt một cái kẹo cũng kêu gào đòi cho bằng được. Nhìn vẻ bề ngoài không thực sự cảm thấy gia đình nào thiếu thốn tiền bạc. Nhưng có những người thực sự mang đến cho người khác một cảm giác như thiếu thốn đồ ăn cái mặc, cái gì cũng muốn bỏ vào túi riêng của mình.
Khi mới vào nghề không lâu, cô bạn tôi chia sẻ rằng ban đầu rất muốn giáo dục các con phát triển khỏe mạnh đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Mặc dù rất có tâm huyết nhiệt tình bồi dưỡng chăm sóc cho thế hệ sau, tuy nhiên sau đó tự phát hiện ra gặp vô vàn khó khăn trở ngại. Nguyên nhân là bởi dù cho câu chuyện bạn kể cho con có sinh động có cuốn hút tới cỡ nào, dù bạn có cố gắng đào tạo thế nào, khi trở về môi trường giáo dục của gia đình, nhìn cách đối nhân xử thế của cha mẹ với mọi người, dù ít dù nhiều một đứa trẻ thông minh nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đôi khi những điều các cô cố gắng dạy các con bỗng trở thành công cốc.
Có người nói tôi chỉ là một người bình thường, không quyền không thế, chỉ có thể vất vả kiếm tiền nuôi gia đình, không có điều kiện mở rộng tầm nhìn của mình, vậy sẽ phải giáo dục con cái ra sao? Những lời này quả thật rất chính xác, nhận thức sống và cách nhìn nhận một vấn đề của mỗi người không phải dùng tiền có thể đổi lấy được. Bởi đó chính là những bài học bạn trải nghiệm trong cuộc sống, qua đó để đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân.
Tôi từng gặp một đôi vợ chồng nọ, họ chỉ là những người nông dân cả đời nghèo khổ vất vả. Hai vợ chồng họ chỉ biết ở nông thôn, cả đời dành dụm tiền bạc cho con gái học hành. Chỉ cần con muốn học gì, họ sẽ cố gắng tìm cách kiếm thêm để có tiền cho con đóng học phí. Tuy nhiên những người bạn xung quanh của cô lại khác, họ luôn coi cô là viên minh châu, luôn động viên khuyên cô là con gái cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn con trai.
Họ động viên cô ở lại Hà Nội, dành nhiều thời gian ra ngoài để trải nghiệm, đừng nên quá thường xuyên về nhà. Sau đó khi đến tuổi kết hôn lập gia đình trong khi bạn bè và người thân luôn khuyên cô nên tìm người có hộ khẩu Hà Nội, có điều kiện kinh tế thì cha mẹ cô có suy nghĩ trái ngược hoàn toàn. Họ khuyên cô hôn nhân là việc hệ trọng cả đời, không nên vì tiền mà dễ dàng gả cho người ta, càng không nên vì chuyện cố gắng ở lại thành phố mà mất đi bản ngã vốn có của bản thân. Sau đó cô gái nghe lời cha mẹ và có một cuộc sống hạnh phúc.
Tôi rất cảm phục hai vợ chồng người nông dân đó, mặc dù không được học hành nhưng có thể sống rất đúng mực, kiên trì theo suy nghĩ chính kiến của bản thân, giữ được đúng nguyên tắc sống của bản thân giống như câu tục ngữ của người Việt: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Những chính kiến đó của họ đã phản ánh hết sức rõ ràng qua con gái của họ.
Tôi chứng kiến có những bậc cha mẹ mở miệng ra là tiền, đối với họ tiền có giá trị vô song và có thể thao túng tất cả. Chính cách suy nghĩ này của họ đã làm hỏng con cái, cũng làm con cái trở nên thực dụng, suốt ngày chỉ biết đến tiền mà không biết giá trị của lao động. Họ càng không thể giúp con cái hiểu rằng, giá trị thực sự của bản thân không thể dựa vào người khác, không thể dựa vào người khác để thay đổi vận mệnh của bản thân mình.
Trong xã hội này có lẽ chưa hẳn tất cả bậc cha mẹ đều hy vọng con mình nổi danh thành tài, nhưng nhất định mọi người nên hy vọng con mình cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác.
Điều thật sự có thể làm một đứa trẻ có thể phát huy được hết tài năng của mình chính là khí chất độc lập bản thân vốn có của đứa trẻ. Khí chất đó là sự thừa hưởng từ trong trải nghiệm đã qua của cha mẹ.
Theo secretchina.com
Kiên Định biên dịch
Xem thêm: