Sau khi khiến cả thế giới thán phục về tinh thần Nhật Bản trong thảm họa sóng thần năm 2011, chỉ 4 năm sau, nước Nhật lại một lần nữa gây ngạc nhiên khi xuất khẩu lô gạo đầu tiên từ vùng bị nhiễm phóng xạ Fukushima trở lại Singapore – một thị trường nổi tiếng khó tính về an toàn thực phẩm, và sau đó là các nước Maylaysia, Anh Quốc…
Để có được kỳ tích như vậy, các nhà nông chính trực, nhà sản xuất tài ba và những người tiêu dùng thông thái Nhật Bản đã phải dùng cả con tim và trí tuệ của mình, cùng chung tay vực lại danh tiếng cho Ten no Tsubu – dòng gạo truyền thống của Kukushima.
Một lần nữa, tinh thần và đạo đức của người Nhật lại chứng minh cho cả thế giới thấy, khó khăn nào cũng có thể vượt qua nếu bạn biết kiên nhẫn, tận tâm và bỏ qua lợi ích trước mắt của cá nhân để đường đường chính chính đứng lên, và dù con đường đi có hẹp nhưng nó sẽ là đường ngắn nhất nếu bạn biết đi cho chính ngay từ đầu.
Năm 2014, dù lượng gạo sản xuất tại Fukushima đạt chuẩn an toàn thực phẩm và được phép nhập khẩu vào Singapore chỉ có 300kg, nhưng nó đã đáp ứng được những quy định nhập khẩu nghiêm ngặt nhất của quốc gia đi đầu thế giới về an ninh lương thực. 300kg đó có sức nặng lớn hơn nhiều so với con số thể hiện, để đạt được kết quả như vậy, người dân Nhật Bản đã kiên định không chịu thỏa hiệp với những báo cáo yên lòng dân từ phía chính phủ và một số nhà khoa học dễ dãi, từng bước lấy lại uy tín bằng Thiện tâm được nuôi dưỡng từ bao đời.
Người nông dân, người tiêu dùng đều đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân
Từ cuối năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra giới hạn liều bức xạ mới 100 Bq/kg đối với tất cả các sản phẩm gạo được sản xuất tại Fukushima, một mức được cho là rất thấp so với giới hạn 500 Bq/kg của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế.
Họ cho rằng nồng độ phóng xạ như vậy trong các sản vật này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Đáng nói hơn, một vài báo cáo khoa học dễ dãi cũng thỏa hiệp với kết quả đó”, tờ Japanese Times từng viết.
Ông Nobuyoshi Ito, một nông dân trồng lúa tại Lidate đồng thời cũng là kỹ sư nông nghiệp nổi tiếng chia sẻ: “Chúng tôi không ăn loại nông sản này, dù chính quyền cho phép chúng tôi bán cho người khác với giá thấp. Điều này làm mất đi lòng tự hào của một người nông dân trong sản xuất”.
Bài phóng sự “Các nhà khoa học cho rằng thực phẩm ở Fukushima an toàn, nhưng người Nhật lại không ăn?” của hãng tin Zdnet đã phản ánh một thực tế rằng hầu hết những người nông dân tại các nông trại nằm trong khu vực nhiễm xạ, không cho phép gia đình mình sử dụng nguồn thực phẩm do chính họ làm ra. Thậm chí ngay cả người dân tại Tokyo, khu vực cách xa Fukushima gần 300km, vẫn giữ tư tưởng tránh được sản phẩm Fukushima nhiều chừng nào tốt chừng đó, nhà báo Aki Ohmori, chuyên viết về thực phẩm của tờ The Yomiuri Shimbun cho biết.
Trước thực tế đau lòng đó, những người nông dân đã quyết tâm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Ở những khu làng nông nghiệp tại Kawakami, người nông dân thực hiện việc cân đong kĩ lưỡng bằng cân điện tử với độ chính xác cao đến từng gram hóa chất được sử dụng.
Nhiều người làm nông nghiệp tại làng cho biết:
Nông nghiệp trước hết là để mang lại sức khỏe và sự sống cho mọi người, làm nông nghiệp phải bằng trái tim, hãy đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Người nông dân sẽ không bán cho người khác thực phẩm mà chính họ không ăn được.
Tuy nhiên, đó là quan hệ hai chiều, khi người nông dân chấp nhận đầu tư rất nhiều công sức lẫn tiền của và đặt cả danh dự của họ vào nông phẩm do mình làm ra trong bối cảnh vô cùng khổ cực sau thảm họa, thì người mua hàng ở Nhật Bản cũng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm an toàn và đạt chuẩn. Đó cũng là lý do vì sao sản phẩm rau xà lách của làng thần kỳ Kawakami được bán với giá cao gấp 5 lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhưng vẫn được người tiêu dùng ủng hộ.
Bởi họ biết họ không chỉ đang mua sản phẩm mà là đang ủng hộ cho cái đúng, cái Thiện, cũng là đang đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân.
Sức mạnh kết nối tập thể
Không quay lưng với những điều tồi tệ đang xảy ra với người nông dân thị trấn Fukushima, các chuyên gia nghiên cứu cũng như các tổ chức xã hội cũng cùng chung tay góp sức.
Mùa xuân năm 2014, đại học Kinki đã triển khai dự án trồng hoa bằng đất sợi vải polyester để cải tạo và xử lý sinh học đất nhiễm xạ. Người dân được thử nghiệm phương pháp trồng cây mới, với hơn 2.000 cây hoa hồng môn được trồng trong nhà kính dài khoảng 30m tại khu vực nhiễm phóng xạ nặng, cách nhà máy điện Fukushima số 1 chỉ khoảng 50km về phía Tây Bắc.
Những bông hoa này sẽ được sử dụng tại sự kiện Thế vận hội Tokyo 2020, như lời nhắc nhở rằng những bông hoa đó đã mọc lên từ sự đau thương, khó khăn, nhưng cũng đầy bất khuất kiên cường của người dân Nhật Bản.
Một mạng lưới bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chức năng, nhà sản xuất nông nghiệp cố gắng thay đổi hình ảnh lương thực nhiễm phóng xạ của Fukushima bằng mô hình quán cà phê và siêu thị nhỏ Orgando ở khu vực cạnh Tokyo, quận Shimokitazawa.
Sau 3 năm hoạt động, Orgando trở thành nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo mùa của Fukushima cho người dân Tokyo, nổi tiếng với 3 mặt hàng: đào, táo và gạo. Orgando đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành mối liên kết giữa các nhà sản xuất địa phương và người tiêu dùng thành thị, xua tan tư tưởng tất cả các sản phẩm khu vực nhiễm xạ đều nguy hiểm, như cà rốt và dâu tây không chứa nồng độ cesium nguy hiểm.
Trái cây và rau quả được bán tại cửa hàng được dán nhãn rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc và mức độ các đồng vị cesium. Các loại hải sản, đặc biệt bạch tuộc tại Fukushima được kiểm tra cẩn thận, khoai tây, đào, nước ép táo và rượu sake hảo hạng junmai được làm từ gạo hữu cơ địa phương cũng không ngoại lệ. Họ chọn cách minh bạch nhất để lấy lại niềm tin và sự an tâm từ người tiêu dùng, đó chính là chiến lược quảng cáo truyền thống nhất nhưng cũng hiệu quả nhất từ xưa tới nay.
Kết nối con người bằng sự trung thực, chân thành và tâm nguyện giúp vùng đất đau thương vượt qua khó khăn được xem là điều tiên quyết để đưa các sản phẩm lương thực thực phẩm của Fukushima đến với người tiêu dùng một lần nữa, từ đó tạo động lực, niềm say mê nông nghiệp cho giới trẻ thành thị.
Có thể thấy được tinh thần của người Nhật thể hiện rõ nhất khi họ phải đối diện với khó khăn, và điều đáng nói là họ coi khó khăn của người khác cũng là khó khăn của mình. Người dân Fukushima chỉ cần rời bỏ nơi nguy hiểm nhất rên Trái Đất vào thời điểm đó để tìm kiếm một cuộc sống mới, nhưng họ đã không làm vậy. Họ đặt cược toàn bộ mạng sống của mình, quyết giữ danh dự và phẩm giá của một con người để đứng dậy một lần nữa theo cách chính nhất có thể. Người tiêu dùng Nhật Bản cũng có thể lựa chọn thực phẩm từ những nơi khác an toàn và rẻ hơn để dùng, nhưng họ cũng không làm vậy. Họ chọn cách chia sẻ bớt gánh nặng với những người đang gặp khó khăn ở Fukushima. Và cả xã hội nhân từ, luôn nghĩ tới người khác và lợi ích chung của tập thể thì sẽ có sức mạnh ghê gớm, họ đã chứng minh được điều đó và khiến cả thế giới phải nể phục.
Thu Hiền (TH)
Xem thêm:
- Nhân tố quan trọng nhất khiến Nhật Bản trở thành cường quốc thế giới
- Vì sao đường phố Nhật Bản không có thùng rác mà vẫn vô cùng sạch sẽ?
- Con người cao ở “nhẫn”, quý ở “thiện” và hơn nhau ở “ngộ”!