Đại Kỷ Nguyên

Viết cho người trẻ: Hãy chăm chút cho “phần chìm của tảng băng”, bởi đó mới là hành trang vào đời

Khi bạn bè ngồi nói chuyện với nhau, chúng ta nên nói chuyện về những gì? Những cuộc nói chuyện thường được cho là những chất keo kết dính để tạo nên mối quan hệ mới hoặc làm thân thiết hơn những mối quan hệ cũ. Nhưng liệu những người trẻ chúng ta đã giao tiếp đúng cách?

Sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng, bạn muốn gặp gỡ những người bạn thân cận nhất, thoải mái nhất để có thể giải khuây, nhưng lại kết thúc bằng những cuộc trò chuyện không đâu vào đâu với chủ đề như bề nổi của một tảng băng.

Dường như, số đông con người lười đặt câu hỏi, lười quan tâm đến mọi thứ xảy ra ở phía dưới tảng băng, những thứ sâu thẳm nhất nhưng lại là nền tảng để tạo nên những núi băng cao phía trên mặt nước biển. Họ sống, suy nghĩ, quan tâm và tiêu hoá những chuỗi thông tin đại trà, theo trend (trào lưu, xu hướng) và dễ nuốt. Nhưng họ cũng đâu biết rằng chuỗi thông tin đó chỉ như một cơn hứng thú nhất thời được dùng trong giao tiếp. Sau buổi gặp mặt vô ích đó sẽ không ai có được lợi ích gì.

Mặt khác, nếu chúng ta cùng chung một tần số, hoặc ít nhất là hạ cái tôi xuống một chút để nắm bắt tần số của nhau, thì những chuyện chúng ta chia sẻ không chỉ dừng ở mức độ bề nổi. Từ đó ta có thể trao cho nhau những lời khuyên, những lý tưởng, quan niệm sống, nhận thức sống, ý thức tồn tại… những thứ được cho là “hành trang” dành cho tâm hồn trước thử thách chông gai nhất.

Ảnh minh họa: Phimmoi.

Thử hỏi bản thân xem, những lúc bạn đang chìm đắm trong nỗi thất vọng về chính mình, về điều kiện sống của gia đình hay xã hội, điều bạn cần là một sự an ủi và động viên về tinh thần hay bạn chọn một câu chuyện hài phiến diện, một bi kịch đầy rẫy trên truyền thông để giải khuây?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà con người có thể kết nối với nhau ở trên tất cả các hình thức nhờ vào sự phát triển vượt bậc của Internet. Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà những công việc lao động chân tay sẽ dành cho máy móc, con người sẽ phải học cách quản lý, kết nối chúng để đảm bảo không việc gì vượt qua khỏi tầm kiểm soát. Nhưng thử hỏi, ở trong thời đại này, mấy ai có thể tự đi sâu vào tìm hiểu, tự kết nối với bản thân, tự đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng:

Mình thực sự muốn làm gì?
Mình hiểu gì về tình yêu?
Mình nghĩ gì về sự có mặt của mình trong cuộc sống?
Chúng ta sẽ đi về đâu sau khi chết?
Nếu sự sống là một vòng luẩn quẩn của cơm áo gạo tiền, thì sau khi chết đi, tất cả liệu có vô nghĩa?

Không phải ai cũng có thể cả gan đặt ra những câu hỏi như thế cho bản thân, kết nối với nó để có thể thông hiểu và tìm ra hướng giải quyết để mưu cầu hạnh phúc, bình an đích thực. Vậy hy vọng nào cho con người khi sắp tới, có hàng tá những cỗ máy đã được lập trình và trông đợi chúng ta có thể kết nối và hỗ trợ chúng, khi mà chúng ta vẫn còn chưa biết cách vận hành cuộc sống nội tâm của chính mình?

Đây là thời đại mà con người dễ kết nối với cộng đồng, nhưng lại dễ mắc các bệnh về tâm thần, trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Có điều gì đó vô cùng mâu thuẫn phải không? Bởi vì sự tiến bộ của con người không nằm ở vật chất, hình thức bên ngoài, mà ở lòng trắc ẩn, tình yêu thương, sự tha thứ, sự nhạy cảm với sự vật xung quanh, sự nhạy cảm về nghệ thuật, sự cởi mở trong tư tưởng, niềm tôn trọng sự khác biệt, sự am hiểu về tâm linh, sự am hiểu về bản thân, sự am hiểu về tâm lý con người, và cuối cùng là sự phát triển về trí tuệ… Tất cả đều tập trung vào phần bên trong hơn hình thức bên ngoài, tảng băng dưới mặt nước ngày một dày hơn thì khả năng cao quả núi tuyết kia mới có thể đồ sộ và vững chãi được.

Cristian

Bài đã được ĐKN biên tập. Có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Sinh viên thời công nghệ, các bạn lựa chọn tương lai như thế nào?

Exit mobile version