Chồng đi công tác nên mấy hôm nay tôi phải chở con trai đến trường. Trong lúc loay hoay vì tắc đường, tôi chợt chú ý tới một ông bố đang chở cô con gái trên chiếc xe Lead màu đỏ. Ông bố đi rất từ tốn, nghiêm túc. Cô con gái ngồi thọc tay vào túi áo của bố, dựa đầu vào vai bố. Hai bố con bình tĩnh thong dong giữa con đường nườm nượp xe cộ. Tự nhiên, tôi thấy hình ảnh này sao mà đẹp quá. Giữa cái lạnh se se của một buổi sáng mùa đông, chợt cảm thấy một điều gì đó thật ấm áp và yên bình…
Nếu đi trên các con đường vào giờ cao điểm, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng một người mẹ đang chật vật đèo 1 đến 2 đứa con đi trên đường, với túi tắm, khăn mũ, ba lô lỉnh kỉnh giăng đầy trên chiếc xe máy, đang vất vả len lỏi giữa dòng người chật như nêm. Những người mẹ đó có lẽ vừa lao ra từ cơ quan sau một ngày làm việc hoặc nhàm chán, hoặc căng thẳng, lại phi ngay đến trường đón con cho kịp giờ, rồi có thể trên đường về sẽ tạt nhanh qua chợ, mua gì đó cho bữa tối… Cô ấy phải tính toán từng phút, để mọi việc được hoàn thành trong thời gian ngắn ngủi nhất, bởi chỉ cần chùng chình một chút, mọi thứ rất có thể sẽ đảo lộn.
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những quán bia sau giờ tan tầm chật ních, vang dội những tiếng hô: 1, 2, 3 Dôôô. Cũng vào giờ cao điểm đó, rất nhiều ông bố vẫn còn đang mắc kẹt trong những quán bia. Hoặc bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh các ông bố chở con bằng xe máy, nôn nóng lạng lách trong dòng người, nổi đóa mỗi khi có ai chèn lên trước. Giữa vô vàn những hình ảnh quen thuộc đó, thì hình ảnh ông bố điềm tĩnh đèo con đi giữa dòng người, nếu thật sự để tâm quan sát, bạn sẽ thấy ấm áp và yên bình giống như tôi.
Cùng là một hành động chở con đi học, nhưng chỉ cần thay hình ảnh ông bố bằng hình ảnh một bà mẹ, cảm giác của đứa con và của chúng ta hẳn sẽ rất khác. Khi người mẹ chở con đi học, dù cô ấy có vô cùng bản lĩnh và điềm tĩnh đi chăng nữa, tôi vẫn cứ cảm thấy có một cái gì đó vất vả, chật vật, đáng thương. Đứa con ngồi sau xe của một bà mẹ, chắc chắn khó có thể cảm thấy bình an và vững chãi như khi được bố đèo. Có lẽ không chỉ bởi tấm lưng của bố rộng hơn, bờ vai của bố vững chãi hơn, bàn tay của bố khỏe khoắn hơn, mà còn bởi cô bé biết rằng dù có sóng gió khó khăn thế nào đi chăng nữa, bố của em vẫn sẵn sàng chia sẻ và làm chỗ dựa cho mẹ con em. Tình yêu của người đàn ông với gia đình của mình chính là chỗ dựa vững chắc nhất để tạo nên một vòng tròn bình an cho vợ con của họ.
Mỗi khi đi họp phụ huynh hay tham gia các workshop về nuôi dạy con cái, khi nhìn quanh, tôi thường chỉ thấy các bà mẹ. Mỗi khi chia sẻ về việc nuôi dạy con cái, tôi cũng thường nhận được các phản hồi của các bà mẹ. Khi giới thiệu những cuốn sách hay về gia đình, người hỏi han, tìm đọc cũng thường là các bà mẹ. Trong nhiều gia đình có cả bố lẫn mẹ, nhưng những ông bố gần như vắng bóng trong suốt hành trình lớn lên của đứa trẻ.
Khi những đứa con, đặc biệt là con trai, đến tuổi dậy thì, bắt đầu chống đối người lớn, người mẹ bắt đầu trở nên bất lực, mối xung đột giữa cha mẹ và con cái bùng nổ, thì cũng chính những ông bố ấy, lại đổ hết mọi lỗi lầm nên bà vợ, coi như mình vô can, hoặc sẽ trấn áp đứa con bằng quyền làm bố. Nhưng bởi tài khoản tình cảm mà ông bố này đầu tư cho con không đủ lớn, ông bố không đủ thương yêu và hiểu biết đứa trẻ, đứa trẻ không đủ gắn bó và tin tưởng vào ông bố, cho nên, sự dạy bảo và cả trấn áp của các ông bố, vào thời điểm căng thẳng này trở nên vô hiệu. Tôi chứng kiến rất nhiều gia đình đã xung đột, căng thẳng và thậm chí tan vỡ vào thời kỳ bùng nổ khủng hoảng này.
Trong gia đình, có những việc mà một người mẹ không bao giờ có thể thay thế được, dù cô ấy có đảm đang, tài giỏi và mạnh mẽ đến mấy. Vì thế, sự hiện diện của người đàn ông trong ngôi nhà thực sự rất quan trọng.
Tôi còn nhớ khi con trai còn bé, chồng tôi thường dắt con đi bộ đến trường mầm non gần nhà. Anh giải thích cho con cách đi đường, làm thế nào để đi qua vũng nước, làm thế nào để sang đường, làm thế nào để tránh xe cộ… Thằng bé làm theo răm rắp. Mỗi lần tôi dắt nó đi trên đường, là nó lại kéo tay mẹ, nhắc mẹ phải đi thế này thế này. Sự mạnh mẽ, khôn ngoan, điềm tĩnh để đối phó với hiểm nguy bên ngoài trong những bài học của bố là những điều mà các bà mẹ không bao giờ có thể dạy con được.
Mỗi khi ống nước, đường điện, máy móc trong nhà bị hỏng, chồng tôi loay hoay sửa chữa, con trai đứng bên cạnh, lăng xăng lấy cho bố cái này cái khác. Nó quan sát, bắt chước, rồi dần dần biết cách dùng tuốc-nơ-vít, kìm, búa, biết tháo lắp và sửa chữa những đồ lặt vặt trong nhà. Cũng giống như bố, con trai tôi có một hộp đồ nghề kỹ thuật riêng, bên trong có đủ các dụng cụ, từ máy hàn điện, các loại ốc vít, mạch điện, dây dợ… để có thể tự sửa chữa và chế tạo đồ chơi cho mình. Việc đó là thứ mà tôi hoàn toàn ngu dốt, có học cả đời cũng không bao giờ làm được, huống chi là dạy cho con.
Những đứa con, đặc biệt là con trai, sẽ học hỏi ông bố một cách vô thức, không phải bằng những lời giáo huấn, mà từ những hành động nho nhỏ thường ngày. Tài khoản tình cảm mà ông bố gửi vào trái tim của con chắc chắn sẽ lớn lên, nếu mỗi ngày ông bố dành thời gian của mình đầu tư cho nó, thay vì đầu tư cho các mối quan hệ bạn bè, cho công việc, cho tiền bạc…
Khi đứa trẻ lớn lên, bắt đầu xa cách và chống đối người lớn, thì chính tài khoản tình cảm đó sẽ kéo chúng lại, nếu chẳng may chúng có đứng trên bờ vực hư hỏng và sa ngã. Cách mà ông bố đối xử với vợ con của mình sẽ chính là hình mẫu về một người đàn ông, về một gia đình trong tiềm thức của con cái sau này, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cách lựa chọn người yêu, vợ, chồng, cách tổ chức gia đình của con cái trong tương lai. Những thứ nhỏ bé, tưởng chừng tầm thường mà ông bố làm hôm nay, thực ra sẽ quyết định toàn bộ tương lai của con cái họ, của gia đình họ và cả của số phận họ trong tương lai. Đó chính là một khoản đầu tư, một khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời, hơn cả đất đai và tiền bạc.
Quay trở lại hình ảnh ông bố chở con đi học, không hiểu sao tôi thấy nó chứa đựng một cái gì đó rất đỗi mạnh mẽ, nam tính. Có lẽ là nó gợi nên một cảm giác che chở. Người bố đang che chở cho con bằng sự vững chãi của cơ thể và tinh thần của mình.
Chúng ta thường có cảm giác ngưỡng mộ các anh hùng trong phim, khi anh ta lao vào vòng hiểm nguy, che chở cho một sinh linh yếu đuối nào đó. Vào thời điểm người đàn ông hy sinh bản thân mình để che chở và bảo vệ cho những người yếu đuối hơn mình, ta thường thấy anh ta trở nên hết sức đẹp đẽ, tràn đầy nam tính.
Giao thông Việt Nam cũng hiểm nguy, bất trắc, hỗn loạn, người đi đường vào giờ cao điểm cũng phải tả xung hữu đột có khác nào các anh hùng phải chiến đấu với hiểm nguy trong phim. Có lẽ vì lý do này mà tôi đã cảm thấy vẻ đẹp nam tính và phẩm chất anh hùng của các ông bố trong một hành động rất đời thường, dung dị và dường như chẳng có gì đáng nói đó.
Các ông bố, chỉ cần các anh ngày ngày chở con đến trường, kiên nhẫn và bình tĩnh vượt qua những chông gai đó, là các anh đã rất anh hùng trong mắt chúng tôi rồi.
Nguyễn Ngọc Minh
Ảnh minh hoạ: expat-news.
Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái