Đại Kỷ Nguyên

VIỆT NAM TRONG TÔI: Cafe trứng, thức uống nâng niu một Hà Nội rất xưa…

Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Cafe trứng có chút gì đó hơi giống cafe nâu với sữa đặc nhưng không ngọt đậm như vậy, có chút gì đó hao hao latte hay cappuccino nhưng không nhạt nhẽo mà “sắc sảo” hơn nhiều. Người ta vẫn tìm thấy vị đắng của cafe nhưng trước đó họ còn được lấp đầy bởi vị ngọt ngào, béo ngậy của trứng và sữa…

Tôi không phải một người sành cà phê, cũng không thích uống cà phê cho lắm, nhưng tôi có một cảm tình đặc biệt với cà phê trứng, không phải chỉ vì hương vị đặc biệt của nó mà còn bởi câu chuyện ấm lòng phía sau:

Cà phê trứng được tạo ra bởi cụ Nguyễn Văn Giảng (cụ mất năm 1987). Nghe kể rằng trước đây cụ từng là đầu bếp nổi tiếng trong khách sạn Metropole của Pháp và pha chế cappuccino rất ngon. Thế nhưng thời ấy một ly cappuccino rất đắt đỏ bởi kem và váng sữa đều phải nhập từ nước ngoài, chỉ những vị khách Tây hoặc tầng lớp giàu có, sang trọng mới có đủ điều kiện thưởng thức. Vậy nên, cụ Giảng đã luôn trăn trở làm thế nào để tìm ra ly cà phê ngon lành, bổ dưỡng mà giá cả phải chăng cho người Việt mình, và cụ bắt đầu thử, tìm tòi, pha chế…

Tiệm cà phê của gia đình cụ Giảng năm xưa (Ảnh: cafe Giảng)

Tuy vậy, cà phê trứng – thức uống cầu kì mà tinh tế bậc nhất Hà thành không nổi tiếng ngay từ những ngày đầu mới khai sinh. Thời ấy, người Việt không có thói quen thưởng thức cà phê thịnh hành như bây giờ. Cà phê trứng cũng không được nhiều người biết đến bởi mạng xã hội và truyền thông còn chưa phát triển, không ít lần tiệm cà phê nhỏ của gia đình cụ Giảng gặp chênh vênh. Thế nhưng, trên tất cả, cà phê trứng vẫn tồn tại đến bây giờ, để mỗi khi mệt mỏi với phố thị ồn ào, người ta lại có một nơi để trở về, để tìm lại Hà Nội một thoáng xưa thương. 

Ly cà phê đặc biệt nơi quán nhỏ…

Người ta vẫn thường nói, cà phê đen đá, cà phê sữa nóng có thể uống ở bất cứ đâu, từ quán vỉa hè hay trong nhà hàng sang trọng đều được, nhưng nếu uống cà phê trứng, hãy về ngôi nhà ở 39 Nguyễn Hữu Huân, nơi năm xưa cụ Giảng từng mở tiệm, và bây giờ được nối nghiệp bởi người con trai út Nguyễn Chí Hòa. Còn với riêng tôi, tôi thích tìm đến Đinh – quán cà phê nhỏ trên gác 2 một căn biệt thự Pháp cổ ở phố Đinh Tiên Hoàng của bác Bích – con gái cụ Giảng hơn.

Như một nhân duyên, Đinh đã đủ để tôi tìm thấy Hà Nội một thời xa vắng… (Ảnh: noithatcafe)

Thực ra, tôi chưa từng uống cà phê trứng ở 39 Nguyễn Hữu Huân, cũng cảm thấy không cần phải đến đó thử, bởi như một nhân duyên, Đinh đã đủ để tôi tìm thấy Hà Nội một thời xa vắng, đủ để tôi chạy trốn những bon chen xô bồ nơi thành phố đông đúc, và đủ để tôi tìm thấy chính mình trọn vẹn trong đó…

Đinh trong tôi cũng giống như một “little Hanoi” vậy. Bước qua một cửa hàng bán túi xách rồi đi qua chiếc cầu thang cũ kĩ đã nhuộm màu thời gian, đến quầy bar gọi cho mình một ly cà phê trứng, chọn một chỗ ngồi trên góc ban công nhỏ, nhìn xuống lòng hồ Gươm với dòng người qua lại. Chỉ từng đó thôi cũng đủ để quên hết mọi bực dọc, mệt mỏi, ưu phiền, lo lắng bấy lâu.

Đinh dù bé nhưng đủ để dung chứa tất cả… (Ảnh: vivuhanoi)

Không gian ở Đinh bé xíu và có phần tối tăm, lại chẳng mấy khi tĩnh lặng bởi tiếng nhạc, tiếng nói chuyện xì xào của những người bàn bên không quen biết, nhiều khi Đinh còn nồng nặc mùi thuốc lá khó ngửi của một gã có lẽ đang thất tình… Tôi đã từng nhiều lần tự hỏi, vì điều gì mà nơi này lại đặc biệt với mình đến vậy? Câu trả lời có lẽ vì Đinh dù bé nhưng đủ để dung chứa tất cả: đủ sôi nổi để tám chuyện với lũ bạn ồn ào, đủ riêng tư để thủ thỉ tâm sự với người thương và cũng đủ tĩnh lặng để đắm trong thế giới nội tâm của chính mình mà suy nghĩ, hoài niệm…

Với tôi, mời ai đó đến Đinh thưởng thức cà phê trứng cũng giống như câu nói “Tôi rất yêu quý bạn” vậy. Có lần, tôi dẫn một người bạn ở xa đến Đinh rồi thao thao bất tuyệt về ký ức thời “vụng dại” của mình nơi quán nhỏ, có khi lại kéo đứa bạn thân đến đây và bắt nó ngồi nghe than vãn về những chuyện không đầu chẳng cuối… Cũng có khi là tìm đến quán một mình, để im lặng và tĩnh lặng. Mỗi lúc một tâm trạng, một niềm riêng nhưng khi nào tôi cũng tìm thấy điều mình cần trong cái thế giới tưởng chừng như chật chội ấy. 

Ngày trở lại một chiều mưa…

Lâu lắm tôi không có dịp ngồi ở Đinh, phần vì công việc bề bộn, phần vì đã qua rồi cái thời nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng khi xưa. Một chiều mưa bất chợt, tôi ghé lại Đinh cùng người “đã từng đặc biệt”, hi vọng tìm lại được một chút ký ức xưa… 

Trước kia, chúng tôi luôn gửi xe ở L’Espace rồi cùng nhau đi bộ đến Đinh, vừa để ngắm hồ Gươm, vừa cảm nhận sự trong lành, dịu mát mà Hà Nội giờ hiếm nơi nào có được. Nhưng lần này thì khác, cả hai đứa đã chẳng còn đủ kiên nhẫn và mộng mơ để cùng nhau tản bộ dưới cơn mưa ngày cuối hạ nên quyết định đi thẳng xe máy đến số 13 Đinh Tiên Hoàng.

Chẳng biết vì thời gian quá dài không đến đây hay vì phóng xe quá nhanh để chạy mưa mà chúng tôi phải đi mất 2 vòng hồ mới tìm được, nhưng tôi biết rõ một điều: muốn đến Đinh thì không thể vội. Bởi lẽ, chính Đinh gần 30 năm qua vẫn vậy, người ta luôn tìm về đây để “sống chậm hơn, suy nghĩ nhiều hơn”, chứ không chỉ đơn thuần là uống một ly cà phê rồi về.

Đinh gần 30 năm qua vẫn vậy, người ta luôn tìm về đây để “sống chậm hơn, suy nghĩ nhiều hơn”. (Ảnh: Phiêu Linh)

Vừa bước vào tiệm cà phê, lòng tôi chợt thắt lại: Đinh bây giờ “rộng” quá. Người ta đã nới thêm một gian để không gian thoáng hơn, kê thêm mấy chiếc bàn để khách ngồi thoải mái hơn, nhưng tôi thì không thoải mái chút nào, cảm giác như ai đó vừa cướp đi bầu trời ký ức quen thuộc của mình vậy. Đinh quá khác và xa lạ, cũng giống như người đi bên cạnh tôi lúc này vậy!

Gạt vội giọt nước mắt đang chực lăn trên má, tôi gọi nhanh hai ly cà phê trứng rồi kiếm một góc ngồi im lặng. Người bạn đi cùng tôi cũng im lặng. Chúng tôi cứ thế im lặng như vậy suốt hai giờ đồng hồ rồi ra về. Cơn mưa dường như cũng theo những suy nghĩ nặng trĩu trong lòng người mà càng lúc càng nặng hạt.

Tôi vẫn sẽ luôn nhớ về nơi ấy bằng tất cả sự thương mến và nâng niu… (Ảnh: vivuhanoi)

Chúng tôi buộc phải dừng chân lại ở một quán nhỏ bên đường vì trời mưa quá to, và cũng bởi không ai có thể giữ im lặng lâu hơn được nữa. Mọi nút thắt trong lòng bấy lâu được giải khai khi hai người bắt đầu nói ra, và Đinh cafe trong tôi lại trở về nguyên vẹn như đã từng. Tôi chợt hiểu rằng, mọi thứ trên đời đều sẽ thay đổi, nhưng dù thế nào đó chỉ là bề mặt, còn những điều trong sâu thẳm tâm hồn thì vẫn luôn nguyên vẹn, chỉ cần chúng ta còn giữ được cho mình trái tim rộng lượng và tấm lòng cởi mở.

Đinh rộng hơn để đón được nhiều khách hơn, để nhiều người có cơ hội được thưởng thức ly cà phê ngọt ngào và hoài niệm về Hà Nội. Bạn ấy và tôi cũng cần trưởng thành hơn để bước đi chắc chắn trên con đường chông gai phía trước và không làm tổn thương những người chúng tôi sẽ quen sau này. Dù chẳng còn là gì của nhau nhưng chúng tôi vẫn dành cho đối phương sự trân trọng và lời cảm ơn, cũng như dù Đinh có thay đổi thế nào chăng nữa, tôi vẫn sẽ luôn nhớ về nơi ấy bằng tất cả sự thương mến và nâng niu…

Hải Dương

Video xem thêm: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

Exit mobile version