Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Từ xa xưa, ông cha ta đã truyền rằng “nhà có nóc, làng có cổng”. Cổng làng ra đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của mỗi ngôi làng, bình dị và mộc mạc cùng với cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh cổng làng đã trở thành biểu tượng rất riêng đối với mỗi làng quê Bắc bộ. Trải qua thời gian, cổng làng đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi con người, dù lớn hay nhỏ, dù xây bằng gạch, ghép đá hay bằng tre nứa, cổng làng vẫn giữ vai trò là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng và tạo nên những giá trị truyền thống vô giá trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.

Ảnh: disanlangviet.com

Cổng làng, nơi người già thường kể về quá khứ
Khách vãng lai dừng chân trú nắng chiêm nồng
Nơi lũ trẻ trèo leo và chim về làm tổ
Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông
(Cổng làng – Mạc Trường Thiên)

Cổng làng thường tập trung nhiều ở vùng đồng bằng Bắc bộ, chủ yếu là những vùng trồng lúa và có văn hoá làng xã. Có làng giàu, có làng khoa bảng, có làng nghề… tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng. Một chiếc cổng bằng gỗ cũ kỹ đã tróc sơn hay một chiếc cổng xây bằng gạch phủ bóng rêu phong đã trở thành hình ảnh quen thuộc của làng quê Bắc bộ Việt Nam – một biểu tượng thân thương và đặc trưng của mỗi làng quê truyền thống.

Từ xưa, sau khi làng được lập nên sẽ là sự ra đời của cổng làng, dù không chính thức nhưng đây được xem như một lời tuyên bố về sự hình thành và phát triển của làng. Vị trí dựng lên chiếc cổng cũng được xem như một cột mốc đánh dấu vùng lãnh thổ, không gian địa lý giữa bên trong và bên ngoài làng. Vậy nên, cổng thường nằm ở đầu làng trên trục đường chính, dựa theo phong thuỷ của làng mà xác định. Cổng làng không chỉ cho thấy sự uy nghiêm, bề thế của một ngôi làng, mà ở đó còn có cả những lời nhắn gửi của quê hương về công cha, nghĩa mẹ, đạo làm người.

Phía sau cổng làng là một nếp làng, một nếp sống cộng đồng đã được hình thành từ rất lâu. Trong những ngày lễ hội, cổng làng được treo cờ hoa, người dân trong làng lại cùng nhau rước trống hội về vinh quy bái tổ để nguyện cầu cho một năm mùa màng bội thu. Thuở xa xưa, cổng làng còn là nơi minh chứng cho bao mốc son lịch sử, nơi các sĩ tử dời chân về kinh ứng thi, nơi hò hẹn của bao đôi trai gái và cả những đám trẻ trâu. Và trong số những ngôi làng cổ còn tồn tại đến ngày nay, vẫn còn hai ngôi làng giữ được gần như nguyên vẹn chiếc cổng làng từ khi mới hình thành.

Cổng làng Mông Phụ

Ảnh: loigiaihay.com

Cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông, là một trong những cổng làng còn giữ được nguyên vẹn như ban đầu. Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Các bậc tiền bối xứ Đoài cho biết, Đông Nam là hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc – hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng.

Ảnh: vivuhanoi.com
Ảnh: apttravel.com

Cổng được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng. Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Tường của cổng làng được làm bằng đá ong đào từ lòng đất, cát thì lấy trên gò trong vùng rồi trộn vôi với mật, tạo thành hỗn hợp kết dính để xây cổng. Tường xây đá ong trần chít mạch, không “đao, đấu, diềm, mái”. Hai cánh cổng được làm bằng gỗ lim theo hình “cánh dế” dày chừng bốn năm phân, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép.

Với truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời, người dân Đường Lâm đã khắc những câu đối đầy ý nghĩa nơi cổng làng. Tại cổng làng Mông Phụ xứ, ở câu đầu bên tả khắc dòng chữ dịch ra là: “Kỷ Mão mạnh hạ sắc chỉ”, nghĩa là năm Kỷ Mão làng dựng cổng làng. Căn cứ vào nội dung này mà các nhà nghiên cứu đã xác định được niên đại tương đối chính xác của cổng (năm 1553). Câu đầu bên hữu ghi “Thế hữu hưng nghi đại”, với nghĩa là: cần phát huy kế tục những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của làng quê (tinh thần hiếu học, đoàn kết, thượng võ) và cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi. Có thể nói, nội dung lời dặn dò của các bậc tiền nhân ở làng Đường Lâm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trải qua thời gian, làng Mông Phụ vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cây đa, bến nước, sân đình. Bước chân qua cổng làng, chúng ta như lạc vào không gian của làng quê Bắc bộ thuở nào, bởi làng vẫn giữ được những giá trị truyền thống, mang đậm dấu ấn của một nền văn minh lúa nước.

Cổng làng Ước Lễ

Ảnh: nguoithanhoai.vn

Làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) vốn có một cổng trước một cổng sau, cổng chính nằm ở đầu làng xây từ thời Mạc, cổng hình vòm cuốn, mái cong vút. Hai cột bên và trên hai mặt đều đắp nổi chữ hán, thoạt trông cổng như một gác chuông chùa nhưng lại tạo một cảm giác chế ngự của một công trình quân sự.

Ảnh: disanlangviet.com

Cổng làng Ước Lễ có dáng chung là hình thang cao 6m, ngang 12m được xây bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng và làm mái hoàn toàn bằng gạch và bê tông bề thế với ý nghĩa ngăn chặn kẻ thù. Trên mặt trước cổng có đắp nổi 3 chữ “Ước Lễ môn” tức là cổng làng Ước Lễ.

Nếu kiến trúc của cổng thành xưa thường có sông hoặc hào đào bao quanh thì Ước Lễ cũng có lạch nước trước mặt, người ra vào làng sẽ đi qua một cây cầu bắc qua lạch nước này. Ngoài giá trị bảo vệ, lạch nước và chiếc cầu này đóng một vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp nên thơ cho cổng làng Ước Lễ.

Hai bên trụ cổng dưới còn được trang trí hình cá chép như nhắc đến tích cá vượt vũ môn. Hình ảnh cá chép thể hiện trên cổng gần gũi với thực tế, đường nét sinh động, phía trên vòm và mặt cổng được xây một vọng lâu có mái che cong vút. Vọng lâu trước đây chỉ có tác dụng như chòi canh gác những kẻ xấu hay quân địch xâm nhập làng, ngày nay nó chỉ có tác dụng làm đẹp cho cổng làng và trong những ngày hội, làng sẽ treo cờ trên đó.

Ảnh: diadiemphuot.vn

Ở mặt sau cổng có chữ “Thiều cao đại” xuất phát từ tích truyện xa xưa của cha ông truyền lại với mong muốn sau này con cháu trong làng đỗ đạt và làm quan to, cổng làng cao thì xe ngựa mới đi vừa. Chữ khắc ở phía sau để những người dân đi ra khỏi cổng đọc được sẽ tự nhắc nhở mình phải có chí học hành và trở thành những người thành đạt giúp ích cho dân.

Với mỗi chúng ta, ai đã từng sinh ra ở làng đều có một tuổi thơ thật êm đềm, đẹp đẽ, bởi nếu ngôi nhà là nơi trở về sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi thì làng quê lại là sự trở về sau những chuyến đi dài của cuộc đời. Về với làng, nghe tiếng bước chân mình rộn lên nền gạch dẫn vào làng hay chạm tay vào lớp đá ong xù xì nhưng mát rượi của chiếc cổng làng sẽ cảm nhận thấy có điều gì đó vẫn còn tiềm ẩn dưới lớp đá dày trầm mặc.

Huệ Nhi