Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.
Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.
Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.
Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI
***
Có những chuyến đi tưởng chừng như vội vã lại mang đến những trải nghiệm thật tuyệt vời. Đơn giản thôi và chọn cho mình những chuyến đi, đừng để niềm tin hao dần theo những suy nghĩ miên man…
– Mai Phương vừa gọi điện báo có việc gấp, ngày mai không đi được. Tôi nhăn nhó thông báo, ném túi xách lên bàn rồi ngồi phịch xuống ghế.
– Lâm Thanh cũng nói bố mẹ không đồng ý cho đi kìa. Huy Anh thở dài tiếp lời.
Không chịu nổi nữa, tôi bắt đầu cáu lên:
– Đã lên hết kế hoạch rồi mà bây giờ lại kêu không đi được là sao vậy? Mấy người làm gì cũng phải có trách nhiệm chút chứ!
– Vì đi gấp quá chứ sao! Mới bàn bạc ngày hôm qua mà ngày mai đã lên đường rồi, ai mà xoay sở kịp. Tớ cũng chút nữa là không đi được kìa.
Câu nói đó của Huy Anh như đổ thêm dầu vào cái thân thể đang chuẩn bị bốc hỏa của tôi:
– Nhưng 2 ngày nữa Hà My phải đi rồi. Nếu mai không đi thì chẳng còn dịp nào nữa.
– Nếu vậy mọi người không cần đi nữa đâu. Tớ không muốn các cậu cãi nhau vì tớ.
Tôi quay sang, Hà My đang rưng rưng nước mắt. Vỗ nhẹ lên vai cô bạn, tôi vội vàng hạ giọng xuống:
– Hà My đừng buồn, tụi mình vẫn còn 4 người mà. Tớ cũng rất muốn đi chuyến này. Lâu rồi tớ không về quê, rất nhớ cảm giác thanh bình ở vùng nông thôn.
Huy Anh vội vàng chốt lịch, chắc sợ Hà My khóc thật:
– Sáng mai đúng 7 giờ Quang Phong sẽ qua nhà tớ đón cả 3 đứa, mọi người nhớ đúng giờ. Ai đến muộn thì bắt grab đuổi theo chứ chúng tớ không đợi đâu đấy.
Cái tên Huy Anh ấy, bao giờ cũng phải kết thúc hội thoại bằng một câu khó nghe kiểu dọa dẫm thì mới chịu, cứ như thể hắn ta rất sợ làm người tốt vậy.
Chúng tôi chia tay nhau ra về để chuẩn bị cho ngày mai. Chuyến đi Bắc Ninh lần này là món quà đặc biệt dành cho Hà My trước lúc cô ấy trở lại Pháp. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học hết năm nhất đại học lại theo bố mẹ sang Pháp định cư, cô bạn còn chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy cánh đồng lúa. Lần này về Việt Nam, đây chính là mong ước lớn nhất của cô, vậy nên chúng tôi rất muốn giúp bạn hoàn thành tâm nguyện này…
Dù chuyến đi không bị hoãn nhưng trong tâm tôi vẫn thấy rất khó chịu. Đây không phải lần duy nhất Mai Phương bỏ rơi bạn bè vào phút chót như thế. Cô ấy lúc nào cũng kiếm cớ bận chuyện này chuyện nọ, cứ như thể tất cả mọi người đều rảnh rỗi không bằng. Còn cái tên Lâm Thanh, hôm qua còn bàn bạc rôm rả nhất hội, hôm nay đã sợ bố mẹ không dám đi, gần 30 tuổi rồi chứ còn bé bỏng gì đâu, bảo sao đến giờ vẫn chưa có cô nào chịu làm bạn gái hắn.
***
– Đàn bò kìa! Ôi, nhiều bò quá. Mọi người có thấy chú bò con đang bú sữa mẹ không? Dễ thương quá! Dễ thương quá! Hà My reo lên thích thú.
– Cậu thích bò đến vậy cơ à? Huy Anh cười lớn trước biểu cảm quá đỗi hồn nhiên của cô bạn.
– Hồi tiểu học, cô giáo yêu cầu tả về con bò, mà tớ thì chưa thấy nó bao giờ nên đành viết lung tung, kết quả chỉ được 3 điểm. Từ đó về sau tớ luôn có ấn tượng đặc biệt với những chú bò. Mà tớ ít khi được nhìn thấy chúng lắm, ở Paris gần 10 năm rồi, tớ đã bao giờ nhìn thấy cảnh đàn bò nhởn nhơ trên đồng cỏ như này đâu.
Nói rồi cô bạn lại hướng ra ngoài cửa xe, nhìn đàn bò không chớp mắt rồi mỉm cười như đứa trẻ được nhìn thấy siêu nhân ngoài đời thực. Hóa ra cô bạn hiền lành, ít nói và suy nghĩ lúc nào cũng như bà cụ non của tôi lại có niềm hạnh phúc giản đơn đến như vậy.
Có lẽ, tôi may mắn hơn Hà My nhiều vì được sinh ra ở quê. Hồi còn nhỏ, mỗi khi nghỉ hè chúng tôi thường được bố mẹ giao nhiệm vụ đi chăn bò. Nói “chăn” vậy thôi nhưng kỳ thực là thả rông lũ bò, còn mấy đứa trẻ thì rủ nhau đi tắm sông, leo cây, chơi cỏ gà…, đến cuối ngày thì dắt chúng về trả bố mẹ. Những ngày ấy thật hồn nhiên và vui vẻ biết bao!
Nhưng rồi, vào cấp 2, tôi bắt đầu xa nhà lên thị trấn học, rồi sau này lại ra thủ đô học đại học và ở lại thành phố làm việc. Tôi dần xa quê , xa tuổi thơ với những chiều thả diều trên cánh đồng lúa xanh ngát, xa những người bạn thân thưở nhỏ… Hình như đã từ rất lâu rồi tôi không gọi điện cho bố mẹ, không về quê thăm ông bà, chắc cả nhà đều đang rất nhớ tôi…
***
– Dương ơi, đây là cây gì vậy cậu? Hà My kéo tay áo tôi, tò mò hỏi.
– Là cây mạ đó My. Cây này được trồng từ hạt thóc. Sau đó, người nông dân đem ra ngoài cánh đồng để cấy, khi lớn lên nó chính là cây lúa đó cậu.
– Vậy sao họ không đem hạt thóc ra ngoài cánh đồng gieo luôn cho đỡ mất công cậu nhỉ?
– Ờ…. ừm…. Thực ra nhà tớ làm nông nhưng đều do bố mẹ tớ làm cả nên tớ cũng không rõ chuyện này. Cậu hỏi Huy Anh xem.
– Hai cô nương hỏi khó vậy tại hạ trả lời sao nổi. Từ nhỏ đến lớn tôi cũng đâu phải làm gì, thấy ông bà cha mẹ đều làm như vậy cũng chẳng bao giờ thắc mắc cả. Ôi đúng là con gái, trong đầu các bà toàn những câu hỏi kỳ cục thôi!
Thấy tôi lườm nguýt, bĩu môi với Huy Anh, Quang Phong cười xòa:
– Thực ra mình cũng không biết đâu, nhưng mình nghĩ chẳng phải tự nhiên mà người xưa họ làm như vậy. Trước đây khoa học chưa phát triển, ông bà tổ tiên đều dựa vào kinh nghiệm tích lũy để sinh tồn, mọi thói quen lối sống đều phải được thử nghiệm rồi mới chọn ra cái tốt nhất để làm và truyền lại cho con cháu. Từng bông lúa, từng ngôi nhà, đình chùa đều là biết bao trí tuệ, công sức của các cụ, không thì chúng ta cũng đâu có cơ sở để phát triển cuộc sống như bây giờ. Mà nếu không gieo mạ rồi mới cấy lúa thì cũng không có bài “Đi cấy” cho tụi mình hát phải không nào?
Huy Anh gật gù:
– Quang Phong nói chí lý. Ông bà tổ tiên đã dành bao tâm sức tạo ra nhiều giá trị để lưu lại cho đời sau, chúng ta nhất định phải biết quý trọng và gìn giữ. Mọi người thấy không, người xưa tuy không dư dả vật chất nhưng cuộc sống rất hạnh phúc, an vui; bây giờ người ta giàu lên nhưng tình người thì càng ngày càng hiếm.
Tôi nhìn sang đình làng phía xa. Vốn quý cha ông để lại vô cùng phong phú, thế nhưng, xã hội phát triển, người ta ngày một không coi trọng những tinh hoa ấy nữa. Họ bị những văn hóa hiện đại cuốn đi và thờ ơ với những giá trị truyền thống tổ tiên để lại, trong đó có cả tôi. Thế hệ trẻ chúng tôi, ngay cả được sinh ra ở quê cũng chẳng được tiếp xúc nhiều với văn hóa dân gian vì “bố mẹ chỉ cần con học giỏi là được”, khi trưởng thành thì đua nhau lên phố lập nghiệp, và rồi, từ lúc nào chúng tôi đã lãng quên nơi mình sinh ra, lãng quên cội nguồn…
***
– Cô gái bên hồ sen với gương mặt thẫn thờ như bị mất tiền… Có vẻ không hợp lắm nhỉ? Cậu đang có tâm sự gì à?
Tôi quay sang nhìn Quang Phong cười gượng, đúng là không gì có thể qua nổi con mắt tinh tế của cậu bạn nghệ sĩ.
– Ừm… Trước lúc tụi mình đi tớ rất bực mình với Mai Phương và Lâm Thanh, thấy khó chịu với hai người bọn họ lắm. Rồi tớ chợt nhận ra mình rất hay nghĩ không tốt về người khác cậu ạ. Tớ còn nghĩ Huy Anh là người cực kỳ vô tâm và cục mịch, chẳng bao giờ nói được câu nào tử tế với bạn bè, nhưng hồi nãy thấy cậu ấy cõng Hà My bị say nắng, mới biết cậu ấy thật ra rất ân cần và biết quan tâm người khác, còn tớ thì thật xù xì, gai góc.
– Đừng trách móc bản thân như vậy chứ. Hãy hít thở thật sâu và thưởng thức vẻ đẹp của những đóa sen kìa. Chúng mới là thực tại của cậu đó.
Tôi im lặng, chúng tôi bắt đầu im lặng… Nắng trải vàng ươm trên những đóa sen đang rung rinh trong gió, bầu trời in màu xanh thẳm xuống mặt hồ long lanh… không gian bỗng trở nên tĩnh lặng và bình yên khó tả. Tôi chợt thấy lòng mình dịu lại, như có một làn gió mát lành vừa thổi vào đó. Tôi bỗng ao ước mình được như những đóa sen kia, dù trong bùn lầy vẫn tỏa hương khoe sắc…
– Cậu nhìn những đám mây trên bầu trời kìa. Chúng thật đẹp phải không?
Tôi nhìn theo hướng tay cậu bạn chỉ, bỗng những kỷ niệm thời thơ ấu chợt ùa về:
– Hồi bé tớ rất thích nhìn lên bầu trời, ngắm những đám mây và tưởng tượng ra vô cùng nhiều hình ảnh thú vị. Có lúc tớ thấy một đàn ngựa đang gặm cỏ, có lúc thấy những đứa trẻ đang nô đùa, thấy những chú chim đang bay, còn thấy cả lâu đài nữa… Nhưng lớn lên thì tớ không thấy nữa.
– Khi còn bé, trái tim chúng ta rất hồn nhiên và thuần khiết nên ta nhìn mọi thứ đều đẹp vô cùng. Thế nhưng, trong quá trình lớn lên, chúng ta bị hình thành rất nhiều quan niệm, suy nghĩ, mà phần nhiều trong số đó là tiêu cực. Điều đó khiến ta dè chừng hơn với cuộc sống, khiến ta thờ ơ trước những điều tốt đẹp, đôi khi còn khiến ta không biết được đâu mới là vẻ đẹp thực sự nữa.
– Tớ không muốn sống như vậy đâu. Tớ không muốn tâm hồn mình trở nên cằn cỗi, không muốn trái tim trở thành vô cảm. Tớ nên làm gì bây giờ, cậu chỉ cho tớ cách đi Quang Phong!
Quang Phong quay sang nhìn tôi, nhìn hồ sen, rồi nhìn lên những đám mây trắng trên bầu trời xanh thẳm:
– Hải Dương này, hãy để tâm cậu rộng như biển lớn, có thể chứa được trăm sông…
Hải Dương