Đại Kỷ Nguyên

VIỆT NAM TRONG TÔI: Làng Ông Hảo, nơi lưu giữ hồn Việt với những món đồ trung thu truyền thống

Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Cách Hà Nội hơn 50km, Làng Ông Hảo, thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên còn được biết đến với làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cứ mỗi dịp tết trung thu đến, làng lại tất bật nhộn nhịp với công việc làm trống, mặt nạ,..

Làng Ông Hảo là ngôi làng có nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, nơi đây có những người thợ hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử,… với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ. Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng có từ rất lâu, được xem là nghề truyền đời nên con cháu trong làng vẫn giữ gìn và làm nghề cho đến ngày nay.

Đầu lân, mặt nạ ông địa, trống trung thu là những đồ chơi truyền thống quý giá của tuổi thơ (Ảnh: wikipedia)

Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, nay làng còn phát triển làm các loại đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ,… kiểu dáng gần gũi mang đậm bản sắc dân tộc. Những món đồ chơi này đều được làm thủ công từ những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như: tre, nứa, giấy, bìa cát-tông,…

Tưởng như đã bị lãng quên theo thời gian trước những mặt hàng ngoại nhập như đèn chạy pin nhấp nháy, mặt nạ cao su, súng phun nước, đồ hóa trang… những người làm nghề luôn đau đáu, trăn trở tìm ra hướng đi mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều thông tin cho biết đồ chơi Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe khiến người tiêu dùng hoang mang. Nhu cầu tìm mua các sản phẩm đồ chơi truyền thống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì thế ngày càng tăng cao.

Người tiêu dùng đang dần trở về với những đồ chơi được làm bằng tay tỉ mỉ mà an toàn (Ảnh: 24h)

Để làm ra một chiếc đèn ông sao, các nghệ nhân thôn Hảo phải vất vả trải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng từ việc chọn nứa cho đến việc cắt dán. Họ dùng nan làm đèn ông sao từ loại nứa bánh tẻ được chẻ thành nhiều đoạn và ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt, có thể để vài năm không hỏng, nứa phải có đốt dài mới tạo được độ dẻo để uốn khung đèn. Sau khi ngâm xong, nứa được đem phơi nắng và chẻ thành nan, nan chẻ ra sẽ được phân loại phần làm nan và phần làm cờ…. Cuối cùng là công đoạn ghép và dán giấy màu cho chiếc đèn.

Mặt nạ ông địa, món đồ chơi không thể thiếu của rằm trung thu (Ảnh: 24h)

Những chiếc mặt nạ (ông Địa, Thằng Bờm,…) được làm từ các nguyên liệu như bìa hoặc giấy bồi, khắc họa các nhân vật yêu thích. Những người thợ dựa trên các cốt mặt nạ bằng xi măng, những tấm bìa cát-tông, giấy báo cũ được xé, dán bằng hồ làm từ bột sắn để tạo ra những chiếc mặt nạ.

Những chiếc mặt nạ vui vẻ này đã đem lại tiếng cười sảng khoái cho bao nhiêu thế hệ độ trăng về (Ảnh: 24h)

Các cốt mặt nạ được bồi giấy cho đủ độ cứng, sau đó được đem phơi khô và được tô vẽ màu sắc. Từ những chiếc mặt nạ vô tri, chúng đã được những người thợ nơi đây thổi hồn trở thành những món đồ chơi được con trẻ vô cùng yêu thích.

Và không thể không kể đến những chiếc trống. Để làm được một chiếc trống phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Gỗ đề và da trâu là hai thành phần quan trọng nhất để làm ra một chiếc trống: Gỗ đề phải được tiện còn da trâu cần được lát mỏng phơi khô.

Tiếng trống tùng rinh không thể thiếu của dịp trung thu (Ảnh: 24h)
Gỗ bồ đề là nguyên liệu chủ yếu để làm khuôn trống (Ảnh: 24h)

Đầu tiên là đặt khuôn tròn và vạch tâm cho những khúc gỗ đã được chặt, sau đó dùng dao bỏ những phần thừa đi. Khoanh gỗ được đưa vào tiện là công đoạn khó cần sự tỉ mỉ, tập trung cao để đảm bảo cho lớp gỗ đủ độ dày, bền, chắc. Một khoanh gỗ sau khi tiện xong sẽ có các dạng thân trống khác nhau với nhiều kích cỡ.

Tiện khuôn trống là bước đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nhất trong quá trình làm trống truyền thống (Ảnh: 24h)

Những tang trống cùng kích cỡ sẽ được luồn vào với nhau bằng một sợi dây và được đem đi phơi. Sau khi được phơi, tang trống sẽ được nhuộm đỏ và được phơi tiếp lần nữa.

Bưng trống là bước quyết định độ tròn, vang của tiếng trống (Ảnh: 24h)

Bước tiếp theo là bưng trống, cũng là bước quyết định đến thành phẩm. Bưng da quá căng thì trống kêu không tròn tiếng, còn nếu da quá chùng thì sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Cuối cùng là quai trống nhỏ xinh được gắn gọn lên tang trống. Những miếng gỗ đề và da trâu qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những chiếc trống vừa đẹp lại rất chắc chắn phục vụ cho tết trung thu.

Mỗi chiếc trống, chiếc mặt nạ, đèn ông sao được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người dân nơi đây. Những món đồ chơi dân gian từ làng Hảo mang theo nét đẹp của văn hoá truyền thống, hàng năm vẫn được tỏa đi khắp mọi miền của đất nước.

Làng Hảo, nơi vẫn nâng niu những món quà quý nhất của tuổi thơ dịp trăng thu về (Ảnh: Afamily)

Những món đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ luôn ghi nhớ về cội nguồn, văn hoá truyền thống của cha ông.

Tâm Liên

Exit mobile version