Đại Kỷ Nguyên

Làng thêu Đông Cứu – Nét thêu tài hoa trong trang phục cung đình xưa

Làng thêu Đông Cứu, vốn nổi tiếng về thêu trang phục cho vua chúa triều đình thời phong kiến. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu vẫn lưu giữ nghề thêu truyền thống của cha ông.

Nằm bên phía hữu ngạn con sông Nhuệ, làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội mang vẻ thanh bình và êm đềm như bao làng quê ven đô khác. Thế nhưng, nơi đây còn lưu giữ nghề thêu truyền thống với các sản phẩm đặc trưng riêng có cho đến ngày nay.

Tương truyền, ông tổ nghề thêu Đông Cứu là Tiến sĩ Lê Công Hành (1606 – 1661). Ông học được nghề thêu khi đi sứ phương Bắc và đem về dạy cho người dân quê mình là làng Quất Động.

Xưa kia, Đông Cứu là một làng thuộc ngũ xã. Những làng này đều có nghề thêu truyền thống, cùng được ông tổ truyền lại nghề thêu nhưng mỗi làng trong ngũ xã lại lĩnh hội một kiểu kỹ thuật riêng để tạo ra các sản phẩm khác nhau. Trong đó, làng Đông Cứu được truyền lại kỹ thuật để thêu những sản phẩm lễ phục cho cung đình xưa.

Căn cứ theo sắc phong của làng, Đông Cứu là làng nghề thêu có từ cách đây hơn 300 năm, thời vua Lê Cảnh Hưng (1746). Nghề thêu ở làng Đông Cứu có nguồn gốc từ nghề bắt nét kim tuyến, thợ thêu ở đây từng được vua Nguyễn mời vào cung đình Huế lập thành một đội chuyên thêu các trang phục hoàng cung. Trải qua qua nhiều đời vua, Đông Cứu là làng thêu duy nhất đất Kinh Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mão cho quan lại quý tộc trong triều.

Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng có ngôn ngữ riêng và thêu cũng vậy. Tuy công cụ thêu khá đơn giản như: kim thêu, khung thêu các cỡ (kiểu tròn và kiểu chữ nhật), kéo, thước, bút lông, phấn mỡ, chỉ thêu các màu và vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa). Nhưng vì sản phẩm làm ra để phục vụ chốn triều đình nên kỹ thuật thêu Đông Cứu rất đặc trưng khác với cách thêu của những nơi khác.

Trong kĩ thuật thêu, phối màu được xem là khâu quan trọng tạo nên bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề người thợ. Để có một sản phẩm thêu đẹp, bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, đường thêu mềm mại, thanh thoát.

Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống, đòi hỏi phải là nghệ nhân thêu có thâm niên mới thực hiện được. Ngoài những lối thêu khó, chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe. Long bào của vua, bắt buộc phải chọn chỉ se hai chiều, trong khi áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng.

Khi thêu, người thợ phải làm sao bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét càng khó. Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định. Với áo dành cho vua, tất cả các mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài… với độ chuẩn xác cao.

Trung bình, một sản phẩm thêu phải mất ít nhất 2 tháng với khoảng 10 người thêu mới có thể hoàn thành. Để có được một sản phẩm thêu hoàn chỉnh không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa mà còn cần sự kiên trì, nhẫn nại của những nghệ nhân làm nghề. Điều đáng trân quý mà nghệ nhân thêu thể hiện qua từng đường kim mũi chỉ chính là tình yêu nghề, trân trọng từng sản phẩm mình làm ra.

Không giống như nhiều làng nghề đang dần bị mai một, bằng tâm huyết và niềm đam mê với nghề những người thợ cầm kim tại Đông Cứu vẫn ngày ngày gìn giữ, phát triển và truyền dạy lại cho các thế hệ nối tiếp để nghề thêu truyền thống không bị quên lãng giữa dòng chảy cuộc sống đương đại.

Tâm Liên tổng hợp

(Nguồn ảnh: Youtube)

Video xem thêm: “Đi đến tận cùng dân tộc, ta sẽ gặp được nhân loại!”

Exit mobile version