Đại Kỷ Nguyên

VIỆT NAM TRONG TÔI: Nâng chén trà sen để thưởng hương, thưởng trà, thưởng cả cái thanh tao của cố nhân

Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Hà Nội đang vào cuối mùa sen. Trên những con phố buổi tinh sương, những gánh hàng sen cứ lặng lẽ ở đó, mang cái thanh khiết của mình dành tặng cho những người yêu hoa. Và ở đâu đó trong thành phố nhỏ ấy, một bàn tay xinh đang nhẹ bóc từng cánh sen, để lộ ra phần trà được ủ giữa những đôi cánh mỏng manh, thơm lựng…

Thưởng trà là một thú vui có từ rất lâu đời của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng. Thưởng trà hoa được coi là một trong những nét chấm phá tinh tế trong nghệ thuật thưởng thức này. Người Việt có thể ướp trà với rất nhiều loài hoa. Những loài hoa đượm hương, lành tính như nhài, mộc, hoàng lan, mộc lan đều có thể trở thành nét điểm xuyết duyên dáng cho hương trà. Tuy nhiên, loài hoa được mọi người yêu quý nhất vẫn luôn là hoa sen.

Trà và sen

Sen biểu trưng cho sự thuần tịnh, thanh khiết Á Đông. Hương sen cũng giống như dáng hình bên ngoài của nó: thơm đượm nhưng thanh, mát. Có lẽ ít ai có thể mạnh mẽ mà tuyên bố rằng “tôi không thích mùi sen”. Thứ hương ấy thật lạ, nó có thể khiến lòng người trở lại trong veo.

Hà Nội đang độ cuối sen…(Ảnh: dkn.tv)

Phải chăng vì lẽ này, người Việt xưa dành rất nhiều sự ưu ái cho trà sen. Ông bà xưa cặm cụi lấy những hạt gạo sen trắng muốt trong từng bông hoa, gom cho đủ lượng để ướp một lượt trà. Trà ướp bằng gạo sen ấy còn được gọi là trà sen ướp kỹ, để phân biệt với trà sen ướp xổi. Gọi là “ướp kỹ” là bởi để có được thức trà mang mùi sen dài lâu, người ta sẽ phải ướp trà rồi sấy ít nhất là năm lần. Cẩn thận hơn phải trà trải qua mười mấy lấy ủ – sấy mới giữ được hương bền lâu. Thời gian và sự công phu để làm trà sen ủ kỹ khiến giá trà rất cao. Vì lẽ đó, không phải ai cũng có đủ điều kiện để thưởng vị của thức trà thơm mát ấy quanh năm. 

Phải chăng đó là lý do mà trà sen xổi được người thưởng trà truyền thống dành nhiều phần ưu ái. Không quá kỳ công, loại trà này cho phép người ta được thưởng trọn cái tươi mát của hoa đúng mùa mà không phải chắt chiu quá nhiều. Theo những câu chuyện được kể lại, trong cuộc sống xưa khi những nếp nghĩ thiện lành truyền thống vẫn còn thấm đượm, người Việt có cách ướp trà sen xổi rất tao nhã và nhân văn. 

Ngày xưa…

Khi muốn thưởng trà sen, vào đêm thanh vắng của mùa hè, người xưa thường bơi thuyền ra giữa cánh đồng sen rồi chọn lấy những bông sen hàm tiếu để ướp trà. Sen hàm tiếu là những bông đã nở một lần. Nhưng vào đêm, bông sen ấy lại khép cánh như giữ hương lại cho lần nở sau cuối.

Một nụ sen hàm tiếu (Ảnh: dkn.tv)

Chọn được sen, người xưa sẽ nhẹ tay mà đặt trà vào giữa bông hoa ấy. Rồi nhẹ buộc bông lại bằng một nhánh rơm hay một chiếc lạt mỏng. Mỗi động tác đều nhẹ nhàng để không làm tổn thương hoa. Một chiếc lá sen sẽ được bọc bên ngoài để giúp giữ hương và cũng là để đánh dấu giúp tìm lại hoa. 

Sớm hôm sau, người ướp trà sẽ đi tìm bông sen đêm trước. Mở lá sen, mở lạt rồi nhẹ lấy trà ra mà không quên khép lại những cánh hoa như ban đầu. Người xưa xin hương của sen như thế. Xin được hương đượm vào trà, họ lại trả lại đời sống cho sen, để sen nở lại rồi tàn đi theo cái nhịp trời sinh. Người xưa không chỉ nâng niu hương trà, họ nâng niu cả sự sống của hoa. 

Ngày nay…

Nhưng ngày nay, dù có lòng đến mấy, người thưởng trà hiện đại cũng khó lòng giữ được cách xin hương lịch thiệp của người xưa. Tuy vậy, người ta vẫn có thể tìm ra cách để bày tỏ tấm lòng với sen. Bông Sen trà cũng ra đời từ mong muốn giữ cho trọn tấm lòng yêu hoa. 

Không thể bơi thuyền ra đầm, người thưởng trà yêu truyền thống sẽ dậy từ sớm tinh sương. Họ lên đầm sen Quảng Bá để lấy sen. Những người bán sen giờ cũng nhanh nắm được thị hiếu nên chuẩn bị cả sen ướp trà, bên cạnh những bó sen dùng để cắm chơi. Những bông sen mập tròn ấy sẽ trở thành bông “sen trà” qua bàn tay cẩn trọng của người yêu trà, thương hoa. 

Nhẹ mở từng cánh sen (Ảnh: dkn.tv)
Cánh sen mỏng nhưng dẻo dai, đầy sức sống (Ảnh: dkn.tv)

Người làm sen trà sẽ nhẹ mở từng cánh sen nhẹ nhàng sao cho các mép cánh hoa không bị quăn, bông hoa vì thế sẽ không phải chịu nhiều đau đớn. Khi mở đến lớp cảnh mỏng nhỏ xíu bên trong là ta đã gặp được “không gian giữ hương”, nơi những nhánh trà sẽ nằm yên và thâu vào mình mùi hương mỏng manh, thắm đượm. Không gian giữ hương ấy là khoảng giữa các cánh sen con và nhụy hoa.

“Không gian giữ hương”, nơi những nhánh trà sẽ được quyện trong hương sen (Ảnh: dkn.tv)

Người ướp trà sẽ lấp đầy khoảng không e ấp đó bằng trà.

Trà Thái Nguyên cánh mỏng là một lựa chọn ưa thích của nhiều người khi ướp sen xổi (Ảnh: dkn.tv)
Đặt trà vào sen (Ảnh: dkn.tv)
Tạo một bông sen trà cần sự nâng niu (Ảnh: dkn.tv)

Cuối cùng những cánh hoa lại được khép lại theo cách mà nó được mở ra. Bông sen trở về nguyên trạng ban đầu.

Khép cánh sen lại thật nhẹ nhàng (Ảnh: dkn.tv)

Nhưng bông sen ấy giờ đã thành một bông “sen trà”.

Gói sen vào trong lá (Ảnh: dkn.tv)
Buộc nhẹ bằng lạt (Ảnh: dkn.tv)

Người ướp sen sẽ cắm sen trà vào bình nước như cắm sen chơi. Rồi để những bông sen ấy qua đêm. Để rồi, sớm tinh sương hôm sau mang bông sen ra hiên nhà, pha một ấm trà để thưởng trọn vẹn mùi sen. 

Cắm lại vào bình sen (Ảnh: dkn.tv)

Công đoạn lấy trà ra khỏi sen cũng giống hệt với lúc đưa trà vào, để bông hoa lại được trở về làm một bông sen vẹn nguyên. Bông sen trà sẽ tiếp tục được lưu giữ trong bình, như những bông sen khác. Để nó tiếp tục có cơ hội được tỏa hương, được làm đẹp cho cuộc đời cho đến khi những cánh sen cuối cùng đáp xuống.

Để giữ được hương sen trong trà sen xổi, người pha trà sẽ không bao giờ dùng nước vừa sôi, mà đặt vào nước một chút kiên nhẫn. Như thế mới có thể giúp giữ hương cho trà. 

Thưởng trà sen buổi tinh sương, hương sen sẽ đưa bạn về miền thơm ngát (Ảnh: dkn.tv)

Nhẹ rót một tách trà sen. Thưởng trước hết cái thanh nhẹ của hương hoa, rồi nhấp lấy ngụm trà nóng hổi. Hương sen từ lá trà tan vào trong nước, cái tâm của người thưởng trà cũng theo ánh nhìn, tan vào bông sen trà nghiêng nghiêng theo vạt nắng đầu tiên của ngày. 

Người xưa nâng hương, nâng hoa, nâng cả đóa sen… (Ảnh: dkn.tv)

Người xưa nâng hương, nâng hoa, nâng niu sự sống cho sen…

Người nay nâng hương, nâng hoa, nâng niu tấm lòng người xưa…

Bài viết được lấy cảm hứng từ Workshop Sen Trà, Tân House

Ekip Đồng Tâm

Exit mobile version