Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Giai Giai còn trẻ và muốn đi nhiều nơi, Giai Giai cũng có những người bạn còn rất trẻ và có chung sở thích với Giai Giai. Vậy nên, cuối tuần vừa rồi Giai Giai và những người bạn quyết định đi thăm làng tranh Đông Hồ.

Theo chân một anh bạn quê xứ quan họ, Giai Giai và những người bạn về thăm làng quê Kinh Bắc, nơi con sông Đuống mềm mại nép mình bên triền đê uốn lượn, những bãi mía tươi tốt đang vào dịp thu mùa, đám cỏ xanh rờn bên mé sông là phần thưởng cho những chú bò nhởn nhơ đến gặm.

Trái với vẻ hoang sơ thanh bình của sông Đuống bên này, bên kia triền đê là những ngôi nhà tầng san sát được lợp mái tôn đỏ rực trên nền trời xanh ngắt cùng những đám mây trắng lấp lửng. Sau một chặng đường không quá xa, Giai Giai và những những người bạn cũng nhìn thấy tấm biển “Làng tranh Đông Hồ” kế bên một ngôi đình cổ kính. Đây mới thực đúng là khung cảnh “làng quê yên ả”.

Đình Đông Hồ – một nét xưa còn vương lại của làng tranh.

Phía trước sân đình là một sân khấu nổi trên hồ được xây bằng xi măng vững chắc với 4 chiếc cột trụ đang phơi mình dưới cái nắng trưa hè, và tất nhiên không có khán giả nào lúc này ngoại trừ hai người phụ nữ đang cầm chiếc nón phe phẩy dưới chân gốc cây trò chuyện.

Thấy hai cô vui vẻ tươi cười, Giai Giai ghé lại thăm chuyện. Thật là người làng quê luôn khiến người ta có cảm giác gần gũi và dễ mến. Hỏi thăm hai cô, Giai Giai mới biết đây đúng là làng tranh Đông Hồ mà trước đây người ta vẫn thường gọi là làng Mái hay làng Độc Tú, nhưng nếu muốn đến xem tranh thì chỉ có lên tham quan cơ sở làm tranh của cụ Chế cách đó một đoạn đường, chứ người bên này giờ không còn làm nữa mà đã chuyển qua làm hàng mã. Cả làng giờ chỉ còn có cụ Chế và cụ Sam là tiếp tục nối nghề tranh Đông Hồ thôi, nhưng cụ Sam cũng mới mất cách đây không lâu.

Bến nước đầu đình, từng là nơi tụ họp sớm hôm của người dân làng Đông Hồ.

Nói về sự thay đổi của làng quê mình, các cô ngậm ngùi. Cách đây khoảng 50 năm về trước, khi họ đều còn là những cô bé theo chân mẹ ra đình học làm tranh. “Ngày đó vui lắm, cả làng kéo nhau ra đình cùng làm tranh”. Chỉ tay về đám đất rậm cỏ bụi, cô kể: “Phía trước ngôi đình đó, trước là cái chợ, người ta đem tranh qua đó bán, nhiều người đến mua lắm”. Thời đó, người người làm tranh, nhà nhà làm tranh, làm bao nhiêu cũng không đủ, khách đến nườm nượp đông vui náo nhiệt.

Ngày các cô còn nhỏ hay được các cụ trong làng kể lại, trước cả thời của các cô nữa, khắp nơi trong làng đầy những sắc màu của giấy dó, không một mảnh đất trống nào lại không được tận dụng làm chỗ phơi giấy: Từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến nóc nhà nóc bếp và người dân làng Hồ vừa làm tranh vừa sống trong không khí lễ hội. 

Sân đình Đông Hồ ngày xưa thấp thoáng màu giấy điệp đặc trưng, giờ cũng được dùng để phơi thóc như bao ngôi làng khác.

Nhưng rồi thế thời loạn lạc, người làng Hồ cũng như bao người làng khác không còn giữ được cái thú chơi tranh như ngày xưa mà còn phải lo cơm ăn áo mặc, nghề tranh cũng dần mất. Chẳng bao lâu sau, bên làng Hồ có người đi học nghề làm hàng mã, người này chỉ người kia, nhà này chỉ nhà kia, làng này truyền làng kia, rồi thấy mặt hàng này được nhiều người mua, nên chẳng biết tự bao giờ “làng tranh Đông Hồ” nay đã trở “làng vàng mã” nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới. Hai cô cũng kể hàng mã làng cô người ta thu hàng của cả làng, đóng lên xe đưa vào tận miền trong, cũng có người vào trong đó dạy nghề nữa. Giờ đây món hàng chủ yếu ở làng tranh Đông Hồ không phải là tranh in gỗ ngày xưa mà là hàng mã với mẫu mã đủ loại, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho khắp cả nước. Cũng nhờ “buôn may bán đắt”, nhà nào cũng năm ba tầng lầu kiên cố, sập gụ tủ chè đầy đủ.

Có một điều làm Giai Giai vẫn nhớ, cô bảo: “Người xưa tuy nghèo nhưng tình người thì nhiều, giờ khấm khá nhưng tình người cũng dần mất. Ai làm biết việc người đó, không còn cái rôm rả gần gũi ngày xưa nữa”. Phải chăng, khi vật chất càng nhiều thì nghĩa tình và sự sẻ chia càng hẹp lại? 

Các cô dặn: “Các cháu muốn đi thăm quan, 10 năm nữa hãy quay trở lại nhé! Lúc đó, chắc đây sẽ đẹp lắm!”. Hai cô ngồi nhìn ra mảnh đất hoang xanh cỏ, lởm chởm đất cát và tưởng tượng về viễn cảnh tương lai khi sắp tới người ta sẽ đầu tư thêm tiền để xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch văn hóa làng tranh. Giai Giai cũng tưởng tượng, không biết cái khung cảnh của trung tâm du lịch văn hóa mọc trước ngôi đình làng cổ kính trên bãi cỏ xanh rờn phía trước để tham quan đẹp hơn hay cái chợ mà người ta bày bán tranh ngày xưa đẹp hơn nhỉ?

Chia tay hai cô, Giai Giai và những người bạn tìm đến địa chỉ khu tham quan làng tranh Đông Hồ của cụ Chế cách đó không xa. Vì Giai Giai và những người bạn đến đúng lúc cụ vẫn đang giờ nghỉ ngơi, nên không có cơ hội được trò chuyện cùng cụ. Vậy là nhóm Giai Giai quyết định tự đi thăm thú xung quanh.

Nghệ nhân khắc gỗ mẫu ngay cả khi trời nóng bức.

Bên trong khu trưng bày tranh và đồ lưu niệm, treo rất nhiều các loại tranh Đông Hồ với mẫu vẽ và kích thước khác nhau. Những bức vẽ tranh Đông Hồ mà trước đây chỉ được nhìn qua sách vở, ti-vi thì nay Giai Giai đã có cơ hội nhìn tận mắt.

Đúng là:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Và để có một bức tranh Đông Hồ xuất sắc như vậy, cần phải trải qua rất nhiều công đoạn làm tranh công phu tỉ mỉ như sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khồ hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp. Khi in tranh cần in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu sẽ in thành 5 lần, mỗi lần in là một lần phơi. Cứ vậy, từng lớp từng lớp, một bức tranh Đông Hồ được hoàn thiện. 

Giấy dó có độ bền dai, không nhòe mực và có thể bảo quản lâu.

Đây là lần đầu tiên Giai Giai được sờ vào giấy điệp, nghe kể chúng được làm từ vỏ của cây dó và quét lên một lớp sơn hồ điệp – sơn được làm từ bột vỏ của con điệp, để tạo nhũ trắng. Các công đoạn làm giấy đều sử dụng các công cụ bằng tre, gỗ và phơi khô bằng ánh sáng tự nhiên. Trông có vẻ như những loại giấy cũ ngày xưa không được ép mịn, nhưng Giai Giai rất ngạc nhiên khi biết rằng loại giấy này có thể có độ bền lên tới hơn 500 năm, không những vậy nó còn có đặc tính bền dai, không bị nhòe hay mối mọt. Thật kỳ diệu!

Màu sắc của tranh Đông Hồ hoàn toàn đều dùng từ tự nhiên như màu trắng từ vỏ điệp ngoài biển, màu đỏ son phải lấy từ sỏi son trên núi, màu đỏ thắm lấy từ thân và rễ cây vang, màu vàng chiết từ hoa hòe, màu xanh lấy từ vỏ lá tràm, màu đen từ tro lá tre… Và khi phối màu tranh người xưa cũng có những ý tứ rất riêng như sử dụng màu nền đỏ cho bức tranh đánh ghen nhằm miêu tả không khí bức bí ngột ngạt khi đó, màu nền vàng dùng miêu tả cho cảnh không khí vui tươi tràn ngập sắc xuân ngày Tết, màu hồng cho hình ảnh làng quê yên bình, thanh thản.

Những bức tranh Đông Hồ với màu sắc tươi sáng.

Nhớ ngày xưa học Mỹ thuật, thầy giảng tranh Đông Hồ là một dòng tranh tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt, bởi đề tài trên tranh thể hiện được những nét nông dã chân thực, sinh động, mộc mạc và giản dị theo các chủ đề chúc tụng, phê phán, ẩn dụ về cuộc sống nơi miền thôn quê của người dân ta thời kỳ trước.

Người xưa thích tranh Đông Hồ không chỉ bởi sự gần gũi, thân quen mà còn bởi tính giáo dục được ẩn dụ qua từng bức vẽ. Ví như cái cách người xưa phê phán tục đa thê qua tờ “Đánh ghen”, nạn quan liêu hối lộ qua bức “Đám cưới chuột”, ước mơ bình dị của người nông quê qua bức “Vinh hoa phú quý” hoặc đạo nghĩa vợ chồng qua bức “Hứng dừa”,… Xưa kia, người ra mẫu sáng tác cho những bản khắc gỗ đều là những nhà Nho, tri thức có hiểu biết, am hiểu lịch sử văn hóa, có tài quan sát, có óc thẩm mỹ,… Vậy nên, nội dung trên các bức tranh dân gian Đông Hồ thường rất phong phú và đa dạng.  

Những bản khắc gỗ mẫu cũng được bày bán làm kỷ niệm.

Vậy chẳng lạ khi người ta bảo tranh Đông Hồ là tranh của thiên nhiên, của Đất, của Trời và là niềm vui của con người. Không chỉ bởi chất liệu làm tranh được làm tự nhiên mà bởi ý nghĩa của mỗi tác phẩm đều thấm đẫm những lời dạy của cổ nhân, những đạo lý làm người trên thuận dưới hòa, kính Trời kính Đất. 

Trong khu tham quan, có một cuốn sổ lưu bút được làm bằng giấy dó, trên đó lưu lại rất nhiều những lời chúc tụng, cảm ơn gửi tới cụ Chế hoặc nỗi lòng cảm thán về nghề làm tranh Đông Hồ. Giai Giai cũng muốn viết, nên đã để lại vài dòng: “Chúng con rất vui vì được đến thăm làng tranh Đông Hồ, cảm ơn cụ vẫn giữ lửa truyền nghề này cho mãi đến những năm về sau”.

Rất nhiều du khách nước ngoài cũng để lại lời cảm ơn.

Giai Giai lại ngẫm về viễn cảnh của 10 năm về sau, liệu Giai Giai và những người bạn có thể được thấy cảnh tượng của 50 năm về trước? Những phiên chợ tranh đông vui náo nhiệt, những chuyến thuyền xuôi ngược cập bến sông Đuống chở người đến mua tranh, những cụ già ngồi uống nước chè đầu làng cùng nhau tâm sự, ông Đồ say sưa viết câu đối đỏ, những em bé theo chân mẹ đi sắm phiên chợ Tết?

Hay 10 năm sau nữa, tranh Đông Hồ đã nằm trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO? 10 năm sau nữa, sẽ có một Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ được xây dựng trước ngôi đình cổ? 10 năm sau nữa, người ta sẽ lại thích mua tranh Đông Hồ treo lên tường nhà để tự nhắc nhở bản thân cần tu dưỡng đạo đức mỗi ngày? Tất cả đều là chuyện của tương lai…

Trái Đất, năm Mậu Tuất, tháng Mậu Ngọ, ngày Ất Mùi.

(Ảnh: dkn.tv)

Giai Giai