Quốc Tử Giám Huế là nơi lưu giữ bảng vàng khoa cử, đánh dấu thời kỳ thịnh trị cuối cùng của Nho giáo, công cụ trợ giúp đắc lực cho việc xác lập quyền thống trị của vương triều. Đây không chỉ là một cơ cấu quản lý giáo dục mà còn là học phủ tối cao của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, lấy niên hiệu là Gia Long (1802-1820) kế nghiệp vương triều Nguyễn, Huế một lần nữa được chọn làm kinh đô của Việt Nam. Lúc này, Nho học vẫn được duy trì với vai trò là kim chỉ nam cho giáo dục.
Quốc Tử Giám Thăng Long giữ nguyên vai trò đào tạo nhưng chỉ còn là trường học của 17 trấn Bắc Kỳ. Trường học đã được tổ chức ở kinh đô Huế để thuận tiện cho việc quản lý.
Tháng 8/1803, một trường học mang tính quốc gia được thành lập với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường) tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành Huế chừng 5km về phía tây (nay thuộc địa phận làng An Bình, giáp với làng Long Hồ Hạ, huyện Hương Trà). Đây được xem là vị trí đắc địa, nằm ở phía thượng lưu sông Hương, đón nhận dòng chảy từ thượng nguồn. Tất cả các hướng của Đốc Học Đường cũng như các kiến trúc khác đều nhìn ra sông Hương.
Năm 1808, vua Gia Long cho xây dựng Văn Miếu uy nghi bên cạnh Đốc Học Đường. Văn Miếu hay còn gọi là Văn Thánh, là nơi thờ Khổng Tử, người thầy về văn được người đời tôn là “Vạn thế sư biểu” – người thầy của muôn đời. Năm 1820, trường chính thức đổi tên thành Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám được xem là xương sống của vương triều, nơi duy nhất đào tạo nhân lực cho triều đình.
Dưới thời Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy. Sang thời Minh Mạng, quy mô của trường được phát triển to lớn hơn. Năm 1821, vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài. Đến đầu thời Tự Đức, Quốc Tử Giám đã khá bề thế nhưng trường vẫn tiếp tục được mở rộng. Năm 1848, xây thêm một tòa nhà chín gian, xung quanh có tường gạch bao bọc và hai dãy cư xá, mỗi bên hai gian cho sinh viên. Trường cũng mở thêm hai cửa nhỏ hai bên (bên trái là Kim Thanh, bên phải là Ngọc Chấn) để sinh viên tiện ra vào.
Quốc Tử Giám là trường duy nhất dạy làm quan nên thu hút nhân tài trên khắp cả nước. Những người học ở Quốc Tử Giám gọi là “giám sinh”, bao gồm 4 thành phần: con cháu của các phủ hoàng tộc gọi là “tự thất”, con của các quan văn võ gọi là “ấm sinh”, học sinh được chọn từ các phủ trên cả nước đưa về đào tạo được gọi là “cống sinh” và “cử nhân” đang chờ khoa thi tiến sĩ. Hàng tháng, họ được triều đình cấp học bổng, lương thực, dầu đèn, sách vở phục vụ việc học tập. Trong trường, các giám sinh được học về tứ thư ngũ kinh của Khổng Tử.
Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) khoa thi Hội đầu tiên được tổ chức, những người đỗ Tiến sĩ được khắc bia đặt tại Văn Miếu. Việc được khắc tên trên bia Tiến sĩ là ngưỡng vọng của tất cả giám sinh tại trường.
Trên cổng Văn Miếu có khắc tên “Đại Thành môn” nghĩa là thành tựu lớn với mong muốn những giám sinh sau khi ra làm quan sẽ giúp ích cho đất nước. Từ Đại Thành môn đi vào, hai bên là hai dãy nhà bia với 32 tấm bia khắc tên của 500 vị tiến sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn như Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền,… Để có thể được khắc tên trên bia đã khó nhưng để lưu danh thiên cổ còn khó hơn. Ngày nay, ở Văn Miếu vẫn còn hai nhà bia khắc bài dụ của vua về việc quan lại tham gia bộ máy hành chính. Bên phải có khắc tấm bia của vua Minh Mạng dụ về việc Thái giám không được liệt vào hàng quan lại, bên trái là tấm bia khắc bài dụ của vua Thiệu Trị về việc bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền.
Năm 1904, một trận bão lịch sử đã càn quét kinh thành Huế khiến cho nhiều kiến trúc của Quốc Tử Giám bị hư hỏng nặng. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía đông nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay). Quy mô của trường lúc ấy gồm có: chính giữa là Di Luân Đường, bên trên là Minh Trưng Các, nơi đặt bài vị thờ Khổng Tử và các học trò của ông. Hai bên là hai dãy phòng học, trước mặt là hai dãy cư xá của sinh viên, phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế Tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác của trường. Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế Tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao (Tân Thơ Viện, Di Luân Đường đều có nguồn gốc từ các công trình kiến trúc của Cung Bảo Định).
Ngoài ra, còn có hai tấm bia do vua viết để lại, một là tấm bia với bài thơ “Huỳnh tự thư thanh” do vua Thiệu Trị viết, có nghĩa là tiếng đọc sách ở trường Quốc Tử Giám, một tấm bia với bài văn “Thị học” của vua Tự Đức soạn, viết theo lối biện ngẫu nói về ý nghĩa của việc học, đề cao đạo học.
Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định (Musée Khải Định) nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Từ đó đến tháng 8/1945, thời điểm Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò lịch sử của mình, kiến trúc của trường hầu như không thay đổi. Trường Quốc Tử Giám nay là Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế.
Trải qua gần 150 năm thăng trầm và tồn tại, Văn Miếu – nơi lưu giữ dấu chân của hơn 500 vị Tiến sĩ và Phó bảng của triều Nguyễn vẫn uy nghi, trầm mặc. Dù cho lớp bụi thời gian có phủ mờ đi những trang sử vàng son này thì triết lý về giáo dục và đào tạo nhân tài ở nơi đây vẫn sẽ còn mãi.
Ân Vũ
(Nguồn ảnh: Youtube)
Video xem thêm: Bậc Thánh nhân cầu Tâm chứ không cầu Phật