Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Để phục vụ cho nghiên cứu của mình, nhóm những người trẻ chúng tôi đã thực hiện một chuyến về thăm những làng nghề ở tỉnh Bắc Ninh. Chuyến đi này không chỉ mang đến cho chúng tôi những tư liệu cần thiết cho công việc, mà nó còn dạy cho tôi cách sống và cách làm việc với một trái tim mở rộng. 

Cũng đã lâu nhóm chúng tôi chưa có dịp cùng nhau du ngoạn, đi xa khỏi chốn thành đô đông đúc, vậy nên, ai cũng háo hức, mong chờ chuyến đi này. Không chỉ vì được đi chơi cùng nhau, đây còn là dịp chúng tôi trải nghiệm cảm giác của những người làm nghiên cứu, chứ không chỉ là những du khách bình thường. 

Một trải nghiệm mới mẻ 

Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi đã đọc các tài liệu có thể kiếm được về hai làng nghề. Nhận thấy xã hội có nhiều biến động, những cái cũ cứ mất dần, những cái ngoại lại cứ dần xâm chiếm khiến nhóm trẻ chúng tôi ai cũng xót xa. Dựa trên cái xót xa ấy, chúng tôi liệt kê ra những “giả thiết” của mình như những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Mọi người có cùng chung nhận định các làng nghề đang mất dần chất truyền thống vốn có. Cùng với đó, tư tưởng “thương mại hóa” sẽ ăn sâu vào những người dân nơi đây. 

Ngay trước khi bắt đầu chuyến hành trình, tư tưởng của tôi đã bị đóng kín trong định kiến “sự thương mại hóa của các làng nghề truyền thống” (Ảnh: dkn.tv)

Người dân đầu tiên chúng tôi gặp là tại làng đúc đồng Đại Bái. Anh đã từng là người trăn trở với nghề, mong muốn khôi phục lại những điều thuộc về truyền thống, nhưng rồi phải bỏ cuộc vì không tìm được những người sẵn sàng sẻ chia. Nhiều thành viên trong nhóm trẻ chúng tôi bắt đầu thấy rằng giả thuyết của mình đi đúng hướng.

Nhưng trong lòng tôi, một nỗi buồn sâu lắng cứ dâng lên. Tôi không thích nghề đồng, không thích những thứ kim loại xù xì, sắc lạnh. Nhìn những thứ đồ đồng này, tôi càng đắm chìm trong nỗi buồn ấy. Những món đồ xuất hiện hai bên đường như một điều gì đó quá đỗi xa lạ với một người chỉ yêu thiên nhiên và cây cỏ như tôi. 

Cuộc hành trình dang dở

Tuy nhiên vì làm việc nhóm, tôi cần theo sự phân công công việc của mọi người mà không chia sẻ gì về những cảm xúc đang có trong mình. Chúng tôi đến trước một xưởng chạm đồng nơi có rất nhiều các bạn trẻ làm việc. Đến đây, nhóm chúng tôi chia làm hai hướng: Một nhóm vào thăm xưởng, một nhóm đi tìm nhà đúc đồng khác để xin trò chuyện. Tôi trong nhóm đi tìm thêm những xưởng đồng khác.

Một trong những xưởng hoàn thiện sản phẩm đồng (Ảnh: dkn.tv)

Phải chăng do tâm thái không sẵn sàng, chúng tôi không tìm thêm được xưởng đúc hay chạm đồng nào khác. Trên con đường làng nhỏ nắng chói chang hôm ấy, tôi không cảm nhận được nhiều về cuộc sống của con người nơi đây. Chỉ có những chiếc ống khói bằng gạch cao vút khiến tôi chú ý. Nó trở thành điểm đến của nhóm chúng tôi. Nhưng tới nơi, mọi người mới nhận ra rằng đây là những nhà đúc nhôm, bên trong là những bó nhôm cao ngất, với những chiếc xoong, chậu thành phẩm. 

Chúng tôi lịch sự hỏi thăm xưởng đúc đồng, anh thanh niên trong xưởng khi ấy đang nằm ngủ vẫn dậy và chỉ dẫn cho chúng tôi một cách thoải mái. Trong một giây phút tôi cảm thấy có một điều gì đó ấm áp chiếu vào tâm hồn đang bó cứng trong hai chữ “xưởng đồng” của mình. Hóa ra, người dân ở đây thật dễ gần, họ lắng nghe nhu cầu của chúng tôi và chân thành giúp đỡ. Định kiến về sự “tranh đua” mà tôi có trong đầu như bở vụn ra.

Cuộc đi thăm vùng quê của đồng ở xứ Kinh Bắc của chúng tôi vẫn tiếp tục với hai cuộc phỏng vấn những người dân ở đây. Một với một bác cao niên trong làng, một với chú trông đình. Dù chúng tôi là những người xa lạ tới hỏi thăm, trò chuyện, những người dân nơi đây chào đón chúng tôi bằng sự cởi mở, cùng những cốc nước mát, đĩa khoai luộc ngọt, thơm và những câu chuyện về cuộc đời, về làng nghề.

Chúng tôi đã được tận mắt nhìn một khâu trong công việc gò đồng (Ảnh: dkn.tv)

Tôi được tham dự trọn vẹn một trong hai cuộc trò chuyện đó. Nhưng điều đáng buồn là “định kiến” về làng đúc đồng khô cứng, về “sự thương mại hóa” của một làng nghề đã khiến tôi chỉ tiếp nhận được những điều mà mình muốn nghe, những điều củng cố các giả thiết được đưa ra từ đầu. 

Thời giờ chúng tôi có ở ngôi làng nhỏ này không nhiều. Khi bước lên xe, để lại sau lưng những đồ dùng bằng đồng sáng loáng, những người dân xa lạ nhưng đón tiếp chúng tôi bằng sự cởi mở, chân tình, tôi bỗng cảm thấy mình đang làm sai một điều gì đó. Nỗi niềm ấy cứ đọng mãi trong tôi trong suốt cả phần sau của cuộc hành trình. Tôi tự hỏi mình, mình có đang thực sự đi tìm hiểu về làng nghề, hay muốn đi tìm câu trả lời mà mình muốn nghe?

Nhiệm vụ bất khả thi

Cho đến khi về tới Hà Nội, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu tư liệu để phục vụ cho công việc trước mắt của mình. Cuộc sống như muốn tôi nhìn lại thật kỹ chuyến hành trình “lần đầu tiên” này. Trong lòng tôi đầy suy tư, trăn trở: Tôi sẽ viết gì đây? Tôi đã nghe, đã thấy nhưng trong trái tim tôi tất cả giống như những mảnh rời rạc, khó có cơ hội được ghép thành. Nhưng nhóm chúng tôi có một nguyên tắc: việc đã được giao thì luôn phải hoàn thành. 

Trong lòng tôi khi ấy như có một cơn dông lớn ùa về, bầu trời tâm hồn u ám màu mây xám. Tôi nhớ đến điều mà Thầy của chúng tôi luôn dạy, hướng vào bên trong mình, đi sâu vào cơn giông bão của lòng mình ấy, chỉ có như vậy tôi mới có thể tìm thấy sự chỉ dẫn mình cần. Và cái cần tìm chính là tìm ra điều đã khiến tôi ngồi trước những mảnh ghép rời rạc, mơ hồ này. 

Tôi như được trở về ngôi làng hơn 1000 năm tuổi ấy trong đoạn ghi âm dài nửa giờ đồng hồ (Ảnh: dkn.tv)

Tôi cắm tai nghe, để mình trở lại với làng đúc đồng đã có 1.000 năm tuổi thêm một lần nữa, qua file âm thanh mà chúng tôi ghi được. Đây là băng ghi âm cuộc đối thoại với bác cao niên mà tôi không được nghe trọn vẹn. Ở đó, tôi bắt gặp rất nhiều những chi tiết quý báu, giúp tôi có thể chắp ghép những mảng kí ức về chuyến đi, về làng nghề cổ truyền mà chúng tôi đã cùng nhau khám phá. 

Đến lúc đặt dấu chấm hết cho đoạn ghi lại cuộc trò chuyện, nước mắt tôi bắt đầu rơi. Tôi nhận ra rằng, cơn giông bão trong lòng mình ấy, nó đến bởi tôi đã đi đến một vùng đất mới với đôi mắt đã cũ của mình. Tôi đã để những giả thuyết nhận định của mình trở thành điều mình quan sát. Những giả thuyết được đưa ra trong các nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu nhân văn luôn mang tính chất dẫn dắt, tránh lạc đường, để nghiên cứu được sâu sắc, không lan man. Vậy là tôi đã biến những giả thiết ấy thành cánh cửa đóng kín trái tim và cả tâm hồn mình. 

Đi để hiểu đời sống, đi để học mở lòng

Trong lúc lắng lại để hiểu lòng mình, rất nhiều hình ảnh về chuyến tham quan làng đồng trở lại trong tôi. Đó là câu hỏi ngây thơ nhưng chân thật của bạn đồng hành :”Ôi từ một tấm đồng, em không hiểu làm thế nào để gò được chiếc bát tròn trĩnh thế này?”. Hay lời nhắc nhở của một người bạn khác: “Chúng ta hãy cứ hỏi những điều chúng ta chưa biết, đừng suy nghĩ quá nhiều”. 

“Em không thể tưởng tượng được tại sao người ta có thể gò ra chiếc bát đẹp thế này từ một tấm đồng?” (Ảnh: dkn.tv)

Những ký ức này khiến tôi nhớ lại bài học xã hội học mà mình được học ở nước Pháp xa xôi. Trong môn học ấy, có một bài học về “trở thành người quan sát dưới tư cách người tham gia”. Theo đó, những nhà nghiên cứu này sẽ sống hòa mình vào những cộng đồng mình nghiên cứu, cùng chia sẻ với họ tất cả những điều kiện chung của cuộc sống. Để từ đó có thể thật sự hiểu được đời sống của những con người, những cộng đồng này mà không bị những thiên kiến làm ảnh hưởng. 

Ký ức này khiến tôi cảm thấy những chuyến đi chính là một lớp học lớn của mỗi người. Trong lớp học ấy, người ta sẽ học được cách bỏ đi những cái biết của mình, để thực sự quan sát, thực sự lắng nghe. Nếu đã làm được như thế, tôi đã sớm nhận ra những điều thật đẹp, những nét truyền thống còn lưu nơi làng đồng ấy. 

Rất nhiều nam nữ thanh niên trong làng đang tham gia hoàn thiện sản phẩm đồng (Ảnh: dkn.tv)

Tôi sẽ thấy rằng, đằng sau những sản phẩm kim khí ấy là bàn tay, là đôi mắt, là tâm huyết của những con người. Tôi đã nhìn thấy những cô gái, chàng trai còn rất trẻ đang dành cả mùa hè của họ để chạm bạc, đồng lên những bức tượng đồng. Để rồi hiểu rằng, trong ngôi làng ấy, người ta vẫn đang cố sức giữ gìn những gì thuộc về truyền thống.

Nếu không mang những thiên kiến theo mình, tôi sẽ sớm nhận ra rằng, mỗi chuyến đi đến một vùng đất nào đó, mỗi cuộc trò chuyện với những cư dân ở đó không đơn thuần là chuyến đi, cũng không đơn thuần là một cuộc phỏng vấn. Ngược lại, đó là một cơ hội vô cùng quý giá để chúng ta cảm nhận nhịp thở của một vùng đất, linh hồn, văn hóa của vùng đất ấy. Để rồi nhận ra rằng, mỗi vùng đất với những dân cư ở đó là một sinh mệnh với đời sống thực sự, sinh mệnh ấy biến chuyển không ngừng. 

Đây là bầu trời Kinh Bắc hôm ấy. Tôi tin rằng hình trái tim tạo bởi các đám mây mà tôi đã nhìn thấy này chính là thông điệp của cuộc sống: “Hãy mở rộng tấm lòng và trái tim con” (Ảnh: dkn.tv)

Để thực sự thấu hiểu, cảm nhận được cái nhịp sống đang biến đổi theo từng ngày, chúng ta chỉ có một cách đó là lắng lòng để tìm hiểu tất cả bằng đôi tai, đôi mắt và bằng trọn vẹn tâm hồn.  Và chúng ta chỉ có thể tìm được sự lắng lòng ấy khi trong tâm không còn những tiếng nói của quan niệm, của sự yêu ghét và những tham vọng của riêng mình. 

Hải Lam