Chỉ còn hai ngày nữa những cựu học sinh của trường Lương Thế Vinh sẽ nói lời tiễn biệt với vị hiệu trưởng đáng kính – Thầy Văn Như Cương, vị thầy giáo khẳng khái, quyết liệt và một lòng một dạ với việc trồng người. Những hình ảnh giản dị về một người thầy, một người chồng, một người cha mà thầy để lại sẽ còn ở lại rất lâu trong lòng những người yêu thương thầy.
Người thầy tóc bạc tâm huyết, nghiêm khắc và yêu những vần thơ
Thầy Văn Như Cương lúc sinh thời đã từng được nhiều người biết tới với vai trò là hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, một trong những ngôi trường tư thục đầu tiên của Việt Nam. Nhưng ít ai nhắc đến hình ảnh thầy trước khi là hiệu trưởng. Thầy Cương cũng là một giáo viên, một giảng viên đã một thời đứng lớp, truyền lửa yêu toán, yêu nghề giáo cho các học trò. Tuy nhiên, thầy không truyền ngọn lửa ấy bằng toán mà là bằng … những vần thơ.
Có lẽ xuất thân trong một gia đình nhà Nho, nên “ông đồ xứ Nghệ” này tuy ham mê toán học, từng là một sinh viên của trường đại học Bách Khoa, nhưng lại “phải lòng” những vần thơ. Khi làm giảng viên trong trường đại học Sư Phạm Hà Nội, thơ đã giúp thầy để lại ấn tượng khó quên về một người thầy “phong cách” trong lòng các sinh viên của mình:
“Thầy Văn Như Cương đến với chúng tôi, lần đầu tiên, tôi đã nhận ra một phong cách rất lạ. Thầy tâm sự với chúng tôi, truyền lửa cho chúng tôi không bằng các bài giảng toán học, mà bằng thơ. Một bài thơ về tình yêu. Một giọng nói xứ Nghệ rất vang. Những niềm vui trong học tập. Lũ chúng tôi, những người trẻ đón nhận những lời tâm sự ấy, say sưa, nhẹ nhõm mà sâu lắng”. Lời chia sẻ của PGS Chu Cẩm Thơ khi hồi tưởng lại những ngày còn là sinh viên của thầy Cương.
Thầy Cương dùng thơ để xóa đi cái khô khan của toán, của những công thức, thầy muốn dùng những vần thơ để giúp học trò thấy được vẻ đẹp của môn học, từ đó mà tới gần hơn với những điều mình đang học, để rồi biết yêu những điều mình học, vì chỉ có tình yêu mới giúp người ta có thể đi với nhau lâu dài được.
“Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn
Mong rằng toán học bớt khô khan
Em ơi trong toán nhiều công thức
Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn.”
Trước khi thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Cương đã có một thời trở về quê hương cùng đồng nghiệp lập trường đại học đầu tiên ở mảnh đất này. Dù ở đâu, làm trong ngôi trường nào, thầy Cương vẫn đau đáu với cái nghiệp của mình. Trong một lần được trả lời phỏng vấn lúc sinh thời, thầy đã khéo léo tóm gọn những trăn trở và kỳ vọng của mình vào ba chữ Lương Thế Vinh.
Đó không chỉ là tên của một nhà toán học lỗi lạc của nước Việt thế kỉ XV, một vị quan thương dân, luôn nghĩ cho dân mà, ba chữ ấy giống như một sự chơi chữ đầy hóm hỉnh những đầy suy tư của ông đồ xứ Nghệ. Khi tản ba chữ ấy ra, thầy muốn học trò của mình hiểu được những giá trị mà thầy muốn truyền trao: Lương thiện – Thế Lập – Vinh Quang. Thầy muốn nhắn nhủ với học trò của mình, là một học trò, đầu tiên cần phải học làm người lương thiện, rồi sẽ phải học để biết học tập và suy nghĩ độc lập; để khi ra đời có thể lập thân tốt, vững vàng. Trải qua thành công chặng đường ấy, người ta mới có thể đến được hai chữ “Vinh Quang”. Sự học luôn cần có “đức” và “chí” song hành.
Nhưng có lẽ, bên cạnh những ý tưởng lớn về giáo dục, sự nghiêm khắc và nghiêm túc cần thiết trong công việc của một thầy hiệu trưởng, thầy Cương đối với học sinh lại là một người thầy hiền từ, hóm hỉnh và thân thiện.
Những khoảnh khắc như trong bức ảnh trên là điều mà nhiều học sinh Lương Thế Vinh sẽ luôn lưu giữ như một kỉ niệm quý giá. Với thầy Cương, việc hiểu học trò, gần gũi tâm sự với các em sẽ giúp thầy trò gần lại, hiểu nhau hơn. Phải chăng vì thế mà đối với nhiều học sinh Lương Thế Vinh hiện tại, thầy giống như thầy Dumbledore, một vị hiểu trưởng bước ra từ thế giới tưởng tượng, thương học trò và luôn cư xử thật ấm áp.
Sự cương quyết và nghiêm khắc trong việc học kết hợp với sự nhu hòa và gần gũi với học trò trong đời sống được thầy Cương thực nghiệm trong suốt quãng đời dạy học của mình có lẽ sẽ truyền cảm hứng “yêu nghề” và “sáng tạo” cho nhiều thầy cô giáo của hiện tại.
Trọn nghĩa vợ chồng, vẹn tình phụ tử
Bên cạnh hình ảnh của một thầy hiệu trưởng nghiêm khắc nhưng luôn thích chơi đùa cùng học trò, trong cuộc sống riêng, thầy cũng chọn cho mình một cuộc sống giản dị và nhiều yêu thương bên vợ và con cháu.
Rất kín tiếng về chuyện gia đình của mình, chỉ tới khi thầy mất, câu chuyện tình yêu 56 năm của thầy mới được kể. Và khi nghe xong câu chuyện thương nhau, cùng nhau xây gia đình, chăm sự nghiệp của thầy cô, có lẽ ai cũng sẽ ngậm ngùi, thầm ước. Ước rằng ngày nay, những người trẻ cũng có thể yêu thương, tôn trọng và sống bền lâu với nhau tới thế.
“Anh và em, ta yêu nhau mà chẳng được sống gần nhau
Giữa hai chúng mình hố bom dày chi chít
Trên con đường ta đi, cây trồng những năm xưa nay đều chết hết
Những nhịp cầu đau như những vết thương sâu.”
Sau nửa thế kỉ là chồng vợ, sau những chia cách của đạn bom, khi được ở bên nhau, thầy vẫn luôn nắm tay cô trong những đám đông, thú nhận tình yêu một cách thẳng thắn và còn có thể sửa tà áo cho cô trước khi cả hai cùng đến trường. Tình yêu “thời ông bà anh” của cô thầy chỉ giản dị như thế, như những vần thơ thầy đã viết tặng cô.
Trên cương vị là một người cha, thầy cũng dùng phương châm cương quyết mà gần gũi để dạy dỗ chính các con mình. “Phải lao động”, “không dựa dẫm vào chức vị của cha” là cách mà thầy đã dạy dỗ ba cô gái của mình trở thành ba người phụ nữ ngoan hiền và cũng là ba người thầy mẫu mực. Nhưng để hiểu được tấm lòng thầy với các con, không gì bằng việc đọc những dòng thơ mà con gái thầy, cô giáo Văn Thùy Dương viết trong những ngày thầy nằm viện.
“Con lại trở về với ký ức của con,
Con đường con đi chưa lúc nào vắng Bố.
Những đêm về, học thêm trong ngõ nhỏ,
Chiếc ba bét ta vẫn nổ giòn đưa Bố đến đón con.
Những sáng hè trời còn mọng đầy sương…
Bố dậy đưa con đi tới trường từ khi tờ mờ sáng…
Con gật gà sau đêm thức khuya làm bài trên lớp,
Làm Bố lạng tay, chiếc xe nhỏ chao nghiêng!
Sinh nhật con, 18 tuổi, thần tiên!
Bố chở con đi mua con búp bê bé tý
Đường Hàng Bài, phố dài, xa đến thế!
Tay ôm quà, tay ôm Bố, mỏi ghê!
Cuốn phim đầu đời con xem rạp… Thích mê!
Cũng là Bố đưa con đi …khi con tròn 16 tuổi.
Con đã khóc vì tình yêu của người cha trong bộ phim thời ấy…
Bộ phim”Thày lang”! Con nhớ lắm Bố à!
Con chưa bao giờ nghĩ rằng Bố sẽ đi xa…
Chưa bao giờ con nghĩ Bố sẽ thôi đồng hành cùng con trong chặng đường sắp tới.
Chưa bao giờ con nghĩ, trong ngày vui của con … Bố không đứng đợi
Để nắm tay con, đưa con tới yên bình.
Hãy khoẻ mau để cho mỗi bình minh,
Bố lại cầm kéo cắt bông hoa hồng đã úa,
Nghe con chim gù gù ngoài khung cửa,
Ngắm bọn trẻ con nhảy nhót nô đùa.
Hãy khoẻ lại mau, để bố lại làm thơ,
Tặng mẹ con khi ngày 8 tháng 3 sắp tới
Bố khoẻ lại đi! Chờ Kiều Anh sinh cháu nội
Cho con và Bố sẽ đỡ tay, đón cháu đầu tiên…
Con chỉ mong mỗi ngày một bình yên
Sẽ đến bên giường và đậu lên đôi má Bố!”
Thầy đã truyền không chỉ tình yêu nghề mà cả tình yêu thơ cho con gái.
Nhưng rồi, điều gì đến cũng sẽ phải đến, thầy Cương đã hoàn thành con đường nhân sinh của mình trọn vẹn trong tình thương, sự chăm sóc của vợ, của con, trong sự sum vầy với những đứa cháu và đứa chắt còn đỏ hỏn. Trên mạng xã hội những ngày qua, còn có thêm rất nhiều những hình ảnh về những ngày cuối cùng của thầy trong vòng tay của gia đình. Nhìn cảnh con gái chăm cha, bà chăm ông và những đứa chắt quấn quýt trong vòng tay cụ, tất cả những người yêu mến thầy Cương đều cảm thấy có thể mỉm cười.
Không chỉ có gia đình, những học trò nhỏ của thầy cũng đã dành rất nhiều những tình cảm trong sáng của mình, để động viên và đồng hành cùng thầy trong những giờ phút cuối cùng. Những con hạc đã được gấp, những bài ca đã được hát lên để gửi đến thầy như một lời động viên, như một nguồn sức mạnh tinh thần.
Thầy Cương đã nhận được tất cả những tình cảm ấy trước khi ra đi. Những yêu thương này giống như một lời tri ân của những cô cậu học trò nhỏ gửi đến người thầy tóc bạc hiền hậu và đáng kính của mình, những yêu thương khiến thầy có thể mỉm cười thanh thản, để nói lời tạm biệt với cuộc đời.
Hy Văn