Đại Kỷ Nguyên

Vùng đất 900 năm không biết đến ung thư, phụ nữ chủ yếu sinh con sau 60 tuổi

Duy trì cuộc sống ở mức tối giản, luôn hòa hợp với thiên nhiên và giữ cho tâm thái an nhiên là bí quyết sống của tộc người Hunza (Pakistan). Tuổi thọ trung bình của cộng đồng này là 120 và họ không bao giờ biết đến ung thư.

Cư dân tại đây đã lấy sự an nhiên làm lẽ sống từ bao lâu nay. Mỗi khi nhắc đến vùng đất này, những cụm từ đầy ngưỡng mộ như: vùng đất bất tử, vùng đất hạnh phúc, thung lũng của những nụ cười… lại hiện lên trong tâm trí chúng ta.

Phụ nữ ở đây trẻ rất lâu và nước da trắng hơn các vùng khác (ảnh: Tinh Hoa).

Bộ tộc Burusho hay còn được gọi là Hunza (lấy tên từ chính nơi họ sống) là một bộ tộc định cư lâu đời và tách biệt với bên ngoài, họ định cư tại một trong những thung lũng xinh đẹp quyến rũ nhất trên thế giới – Hunza. Thung lũng này nằm ở vùng Gilgit-Baltistan, phía bắc Pakistan. Dân cư của bộ tộc này hiện nay có khoảng 30.000 người, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng tất cả những nghề này đều gắn liền với thiên nhiên như trồng trọt, chăn nuôi, hái thuốc… và điều đặc biệt là không có bóng dáng của bất cứ ngành nghề sử dụng công nghệ hiện đại nào.

Người cha 95 tuổi và người con 78 tuổi (ảnh: Naukri Nama).

Nhiều người cho rằng, bộ tộc Hunza là hậu duệ của Alexander Đại Đế bởi theo truyền thuyết được lưu lại, qua nhiều thế hệ, người Burusho luôn tin rằng họ đến từ Baltir – một ngôi làng được lập nên bởi những người lính bị thương trong đội quân của Alexander Đại Đế phải ở lại thung lũng trị thương vì không thể nào theo kịp quân đoàn. Từ đó, những binh lính bị bỏ lại này bắt đầu sinh sống và hình thành nên bộ tộc Burusho với cuộc sống giản đơn, không tiện nghi và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Những đứa trẻ ở đây không hề tiếp xúc với các loại thiết bị hiện đại (ảnh: VnExpress).

Con người nơi đây cảm thấy hạnh phúc khi được sống hòa mình vào thiên nhiên. Mặc dù không có các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho cuộc sống, họ không cho rằng đó là sự thiếu thốn, hơn thế nữa người Burush vui vẻ đón nhận cuộc sống giản đơn của mình, so với vật chất thì sức khỏe và tinh thần mới là những tài sản đáng giá của con người nơi đây.

Sau những giờ làm việc căng thẳng, người dân tụ tập với nhau để ca hát và nhảy múa (ảnh: Thế giới trẻ).

Và cũng chính vì lối sống hiền hòa an nhiên như thế, họ đã làm được nhiều điều đáng khâm phục. Chẳng hạn như suốt 100 năm qua không hề có tội phạm tuổi vị thành niên, và tỷ lệ tội phạm vô cùng thấp, nếu có cũng không phải là một tội ác quá nghiêm trọng. Tại đây, cụm từ “ly hôn” dường như cũng không tồn tại vì họ có xu hướng sống chung thủy trọn đời với người bạn đời. Đáng nói, nếu như tuổi thọ trung bình của người Pakistan là 60-70 tuổi thì người Burusho có tuổi thọ trung bình lên tới 120, và phụ nữ vẫn có thể có con sau tuổi 60, bệnh ung thư cũng là cụm từ xa lạ với cư dân nơi đây trong 900 năm qua.

Chế độ ăn uống hết sức đặc biệt là nét văn hóa truyền thống của cư dân Hunza từ xa xưa (ảnh: VnExpress).

Người Hunza có con phổ biến sau tuổi 60: Điều này có vẻ ngạc nhiên với chúng ta nhưng thực tế lại đúng như vậy, thậm chí có thể dễ dàng thụ thai ngay cả ở độ tuổi từ 60 đến 90. Một lần nữa khoa học phát hiện thấy, chế độ ăn kiêng đặc biệt và hoạt động thể chất đã giúp cho cơ thể của họ trẻ hóa, độ tuổi sinh sản kéo dài hơn so với đại đa số phần còn lại của thế giới.

Mơ được những người phụ nữ phơi khô làm thức uống (ảnh: Tinh Hoa).

Bí quyết khỏe mạnh, hạnh phúc của người Burusho còn ở những sản vật được thiên nhiên ưu ái ban tặng, đã tạo cho họ một nguồn thực phẩm sạch hoàn toàn, như trái cây (đặc biệt là quả mơ ở đây rất nổi tiếng), rau củ, các loại hạt… Trong quả mơ của thung lũng Hunza có chứa lượng lớn Amygdalin, một chất ngăn ngừa ung thư tốt nhất. Người Burusho có thói quen uống nước ép quả mơ khô trong 2 đến 4 tháng. Đây là một truyền thống lâu đời được truyền lại cho tới tận ngày nay. Nguồn nước chính của người Burusho cũng lấy trực tiếp từ các ngọn núi tuyết. Ngoài ra bộ tộc này cũng chọn chế độ ăn thực vật hơn là tiêu thụ các loại thịt động vật.

Thiên nhiên thung lũng Hunzas rất hoang sơ với những rừng mơ quanh chân núi (ảnh: VnExpress)

Với người Burusho, 100 tuổi chưa phải là nhiều, thậm chí họ còn rất khoẻ mạnh và minh mẫn khi về già. Thay vì sống để ăn, họ ăn để sống với 2 bữa/ngày. Bữa sáng phong phú và bữa tối nhẹ nhàng lúc hoàng hôn. Họ chỉ ăn các thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau, ngũ cốc, sữa và phô mai, không sử dụng hoá chất hay chất phụ gia trong chế biến.

Người xưa vẫn luôn cho rằng cơ thể người là bộ máy kỳ diệu bí ẩn, và thực tế có rất nhiều điều khoa học hiện đại vẫn chưa thể lý giải. Khi công nghệ và thiết bị bất lực trước những điều siêu thường, thì lối sống, cách sống của những tộc người như người Burusho lại cho chúng ta một câu trả lời hợp lý. Đó chính là nếu chúng ta có được sự an nhiên, tự tại trong tâm hồn, sống hòa hợp với đất trời, gắn bó cả cuộc đời mình với thiên nhiên rộng lớn, chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa chân chính của cuộc sống và theo lẽ tự nhiên trở nên hạnh phúc.

Anh Lân

Video xem thêm: Tính khí càng ôn hòa thì phúc báo càng dày sâu

Exit mobile version