Đối mặt với căn bệnh giòn xương từ khi mới biết bò, được dự đoán là sẽ không thể sống, cậu bé Ấn Độ Moin Juneneidi đã khiến rất nhiều người phải thốt lên đầy khâm phục khi đeo đuổi ước mơ tưởng chừng như không thể…
Moin Juneneidi không phải là một câu bé bình thường như những đứa trẻ khác. Vào một ngày, mẹ của Moin bỗng nhiên nghe thấy một tiếng rạn nứt lớn trong khi con trai cô đang bò, nhưng cậu bé không hề bị ngã hay vấp phải vật thể nào. Khi đưa cậu đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ thông báo rằng cậu bé đã bị gãy xương. Đó là vết gãy đầu tiên, nhưng nó mới chỉ là khởi đầu. Sau đó, Moin được chẩn đoán là mắc chứng “Xương thủy tinh” khi mới được 9 tháng tuổi.
Những biến đổi trong vật chất di truyền của Moin khiến cho xương của cậu bé không được hình thành đầy đủ, đồng thời mất đi khả năng chịu lực đặc trưng. Moin vì thế sẽ thường xuyên bị gãy xương, một chấn động nhỏ cũng đủ khiến cậu bé gặp nguy hiểm. Chân tay cậu bé bị biến dạng nghiêm trọng.
Bố mẹ của Moin đã rất sốc. Họ biết rằng tương lai của cậu rất mờ mịt. Thâm chí, trong những lần thăm khám đầu tiên, các bác sĩ còn chẩn đoán rằng Moin không thể sống lâu được. Thế nhưng, bố mẹ cậu vẫn sẵng sàng chi trả một khoản tiền lớn để đưa cậu đi khám, chữa bênh ở nhiều nơi trong suốt 9 năm. Họ chỉ dừng lại khi kinh tế đã cạn kiệt và biết chắc rằng không ai có thể trị dứt căn bệnh của Moin.
Về phần Moin, trải qua thời thơ ấu trong vất vả và đau đớn với cả trăm vết xương gãy, tới tuổi đi học, cậu bé thiếu may mắn tiếp tục phải đối mặt với một bài toán khó giải khác. Không một trường học nào chịu nhận em, mặc cho cha mẹ cậu bé có năn nỉ như thế nào đi nữa. Mẹ Moin vì thế trở thành cô giáo của em, để em có được cơ hội trải nghiệm cuộc sống như bè bạn cùng trang lứa.
Điều gì đã làm Moin khác biệt so với những cậu bé khác? Cơ thể khiếm khuyết hay một sức mạnh tiềm ẩn
Ngay từ khi còn bé, Moin đã khiến cha mẹ ngạc nhiên vì tinh thần hiếu học và ý chí của mình. Tay Moin rất yếu, cậu không thể cầm được bút chì để viết chữ. Nhưng không vì thế mà Moin tỏ ra chán nản, cậu vẫn kiễn nhẫn học cùng mẹ để có thể biết đọc.
Nhưng điều làm người khác ấn tượng nhất ở Moin, chính là việc cậu bé trở thành một vận động viên bơi lội.
Tất cả bắt đầu từ khi Moin và bố mẹ tình cờ gặp huấn luyện viên môn bơi Umesh Kalghati. Trong cuộc gặp gỡ, huấn luyện viên Umesh đã ngay lập tức nhận ra tiềm năng bơi lội của cậu bé khuyết tật. Anh đã không ngần ngại ngỏ ý muốn được giúp cậu bé trở thành một vận động viên thực thụ.
Ngỡ ngàng và hoài nghi trước sự nhiệt tình của thầy giáo Umesh, bố mẹ Moin miễn cưỡng đồng ý. Bản thân thầy Umesh cũng cảm nhận được sự khó khăn khi đảm nhận công việc huấn luyện cho Moin, nhưng anh vẫn làm, vì một lý do rất cảm động:
“Tôi cảm thấy huấn luyện cho Moin là cả một thách thức, nhưng tôi vẫn muốn thực hiện nó. Tôi muốn giúp cậu bé tìm thấy một hy vọng và mục tiêu cho cuộc sống của mình”.
Đáp lại tấm lòng và niềm tin của thầy Umesh cùng bố mẹ, Moin đã khiến cho mọi người đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Mặc dù đôi chân dã teo lại và quặp vào nhau, tay rất yếu, nhưng Moin có thể nổi trên mặt nước. Cậu nhanh chóng học được kĩ thuật bơi chỉ trong vòng vài tháng. Không dừng lại ở đó, 9 tháng sau bài học đầu tiên, cậu đã tham gia cuộc thi bơi lội đầu tiên và giành… Huy chương vàng.
Moin có thể bơi liên tục trong 1 giờ đồng hồ, bằng cách dùng tay khoát nước để đưa cơ thể về phía trước. Không những vậy, với sự nỗ lực và tập luyện chăm chỉ, cậu bé đã gặt hái được số huy chương khiến bất kỳ ai cũng phải ngả mũ khâm phục: Hai huy chương vàng Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật lần thứ 10 được tổ chức tại Kolkata năm 2009, huy chương vàng Cuộc thi đấu quốc gia ở Bellary vào năm 2010, 1 huy chương bạc và 10 huy chương vàng tại Giải quán quân bơi lội quốc gia, được tổ chức ở nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ.
Ngắm nhìn chuỗi thành tích mà Moin đạt được cùng hình ảnh mẹ nâng niu thân thể của cậu vì căn bệnh xương thủy tinh, chúng ta mới hiểu hết được đam mê và sự kiên trì của Moin.
Cậu bé vẫn cười đầy cương nghị dù mang một thân thể khiếm khuyết. Nụ cười ấy khiến người khác hiểu rằng: Bên trong thân hình của một đứa trẻ bất hạnh, Moin mang tâm hồn của một thanh niên 18 tuổi hoàn toàn lành lặn, có ước mơ, có mục tiêu và quan trọng hơn hết thảy, đó là một tâm hồn không bao giờ chịu khuất phục và từ bỏ.
Câu chuyện của cậu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên khắp thế giới. Từ một cậu bé với bộ xương có thể gãy nát bất cứ lúc nào, tứ chi biến dạng, cậu vẫn có thể trở thành vận động viên bơi lội, đáng kinh ngac hơn là trở thành Nhà vô địch.
Những gì Moin làm được không chỉ cho mọi người thấy cậu là người có nghị lực vô cùng lớn, mà chàng trai 18 tuổi đã khiến những người lành lặn khác nhận ra một điều: Chìa khóa thành công của mỗi người không nằm ở những vật chất, điều kiện mà họ có, mà nằm ở sức mạnh tinh thần của mỗi người. Nó có tên gọi là Ý chí – là điều bạn nhủ thầm với bản thân mỗi ngày “Mình làm được!” theo cách chân thành và tin tưởng nhất.
Theo ntd.tv
Phương Lâm biên dịch
Xem thêm: