Đại Kỷ Nguyên

Vượt muôn ngàn khó khăn để mang thai, người mẹ Sài Gòn lại từ chối cấp cứu để con được sống

Trong phòng cấp cứu của bệnh viện, không khí trở nên căng thẳng khi huyết áp của người mẹ đạt ngưỡng 250. Các bác sĩ muốn đình thai để cứu mẹ. Nhưng giữa lúc vô cùng đau đớn và hoang mang ấy, người mẹ trẻ kiên quyết nếu không cứu lấy cái thai thì đừng cứu chị. 

Hành trình gian nan để được mang con trong cơ thể

Anh Lương, chị Hương quen và thương nhau từ năm 2009. Đến năm 2015 họ quyết định thành vợ thành chồng để cùng nhau xây dựng tổ ẩm. Hai anh chị đều mong trog nhà sớm có tiếng nói cười của con trẻ. Nhưng cuộc sống nhiều khi không dễ dàng. Anh Lương và chị Hương đều có những vấn đề sức khỏe của riêng mình. Vậy nên, sau nhiều nỗ lực và cố gắng, chị Hương vẫn chưa thể mang thai.

Hai anh chị bắt đầu chuyến hành trình tới những nơi có thể giúp họ có được cơ hội làm cha mẹ. Hai người kiên nhẫn thử nhiều phương thuốc từ tây y đến đông y. Nhưng chuyến “hành trình kiếm con” này không bao giờ là dễ dàng. Có lẽ chỉ có những ai thực sự đã trải qua những tháng ngày mỏi mòn hy vọng, thấp thỏm âu lo như những bậc cha mẹ hiếm muộn ấy mới có thể thấu hiểu. Không chỉ có áp lực đến từ bản thân, từ những trách nhiệm với gia đình, hai người còn đối mặt với rất nhiều lời gièm pha, thiếu cảm thông. Nhưng những điều bất như ý ấy chỉ làm hai anh chị thêm thương nhau, chia sẻ và cùng nhau tiếp tục kiên nhẫn thuốc thang.

Nghe có người mách có thầy, có thuốc ở đâu hay, anh chị đều tìm đến. Có giai đoạn, cứ hai tuần, hai người lại đèo nhau từ Sài Gòn xuống tận Tây Ninh để cắt thuốc. Nhưng 6 tháng ròng rã, đi lại và thuốc men vẫn không cho anh chị thêm một tia hy vọng.

Được bế một sinh linh bé bỏng trong tay như thế này là ước mơ lớn nhất của cặp vợ chồng trẻ. (Ảnh minh họa: Yêu trẻ thơ)

Trước tết 2017, hai người quay lại bệnh viện để kiểm tra. Một tia hy vọng le lói, sức khỏe của anh Lương có biến chuyển, họ đã có cơ hội thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tháng 3 năm 2017, anh Lương, chị Hương vào viện làm thủ tục để sinh con theo cách không truyền thống này.

3 ngày sau, một sự việc ngoài sức tưởng tượng của hai người đã xảy ra. Chị Hương bị đau bụng rồi ngất trong nhà, anh Lương hôm ấy lại đi trực trên đơn vị. Khi tỉnh lại, chị mời bác sĩ đến thăm khám, làm xét nghiệm. Đến ngày hôm sau, khi cầm giấy xét nghiệm trên tay, chị không thể tin vào mắt mình. Dường như vừa có một phép màu xảy ra. Chị mang thai. Hai người đã thử đi thử lại đến 20 lần, rồi mới dám tin điều đó là sự thật. Không biết là thuốc thang đã phát huy tác dụng, hay chính tình thương, sự cảm thông lẫn nhau và sự kiên trì của hai vợ chồng anh chị đã cảm động được Tạo hóa. Để rồi cuối cùng, họ cũng có được cơ hội làm cha mẹ.

Phút nguy nan

Được mang con trong thân thể là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc bấy giờ với chị Hương. Nhưng, khoảng thời gian mang thai cũng là thời điểm mệt mỏi và nguy hiểm nhất với chị. Do cơ địa đặc thù, chị thường xuyên bị xuất huyết màng nuôi. Khi cái thai được 6 tháng, nguy cơ chị phải sinh con sớm rất cao.

Lúc nào người mẹ ấy cũng ở trong tình trạng thấp thỏm, âu lo. Có ai làm mẹ mà không mong giữ con trong mình cho đủ 9 tháng 10 ngày, để con đủ cứng cáp trước khi ra đời. Để giữ sự an toàn cho con, chị Hương xin nghỉ làm, ở nhà tĩnh dưỡng. May mắn là, trong thời kì thai sản nhiều mệt mỏi và nguy hiểm này, anh Lương vẫn luôn ở bên chị và con. Cứ có thời gian rảnh là anh về chăm sóc cho chị.

Sang đến tháng thứ 7 của thai kỳ, vào một buổi sáng, chị Hương có triệu chứng của sản giật, lại kèm tai biến. Chị ói mửa liên tục, tay chân bắt đầu co giật. Anh Lương hôm ấy vắng nhà, chỉ còn em gái chị đang say ngủ. Dùng hết những hơi sức còn lại, chị khuya tay làm vỡ cốc, tạo tiếng động để gọi em.

Khi được đưa vào viện, các bác sĩ chỉ định phải đình thai để cứu mẹ. Đau đớn, sợ hãi là thế, nhưng chị vẫn nghe rõ từng lời của bác sĩ. Chị Hương cố gắng giãy giụa để thể hiện sự phản đối của mình. Chị xin bác sĩ hãy cứu con. Trước sự kiên quyết của người mẹ, các bác sĩ muốn liên lạc ngay với chồng chị, nhưng chị Hương không khoan nhượng. Chị chỉ đồng ý đưa số của chồng chừng nào bác sĩ đồng ý cứu con.

Chị Hương kiên quyết xin bác sĩ cứu lấy con mình. (Ảnh minh họa: avenoel)

Cuối cùng, bác sĩ quyết định sẽ mổ bắt con. Do sinh non, bé chỉ nặng hơm 900 gram và phải nằm trong lồng ấp. 10 tiếng sau khi được nhìn con, nước mắt chị không ngừng rơi, vì thương cho con nhỏ bé. Dù yếu ớt hơn rất nhiều so với những đứa trẻ đủ tháng, đủ ngày, nhưng việc hai mẹ con sống an toàn đã là một điều “kỳ diệu”.

Hạnh phúc mỉm cười

Ngay sau lần phẫu thuật bắt con không lâu, chị Hương lại trải qua ca phẫu thuật thứ hai đầy đau đớn. Vì không thể dùng thuốc mê, hay thuốc tê, nên lần ấy, phải có hai y tá đứng bên, dùng hết sức để giữ yên thân thể chị. Đau đớn cơ thể chưa qua, thì đau đớn tinh thần lại tới. Chứng trầm cảm sau sinh lại khiến người mẹ trẻ rơi nước mắt. Chị chia sẻ với báo Vn express, cảm giác khi nhìn thấy con bé nhỏ, chân tay thì khẳng khiu, có lúc còn tím tái, máy móc xung quanh người mà chị “đau đến muốn chết đi luôn”.

Trên thế giới này không có tạo vật nào giống như người mẹ, có thể quên cái đau, cái khổ của bản thân để chăm sóc cho con, cho sinh mệnh mà họ đã giúp mang tới với cuộc đời. Tình thương của chị và của anh Lương chồng chị đã giúp bé con của hai người vượt qua được cửa tử. Sau hai tháng trong lồng ấp, hai mẹ con được về nhà, em bé khi ấy mới có 1,5 kg.

Em bé lớn lên qua mỗi từng ngày và là niềm hy vọng của bố mẹ. (Ảnh dẫn qua: tapchihaingoai)

Bông hoa hạnh phúc đang bắt đầu nở trong cuộc sống của ông bố và bà mẹ trẻ. Họ cùng nhau chăm sóc cho con. Ngoài giờ làm việc, anh Lương đều ở bên vợ con, làm nơi nương tựa cho hai người thân yêu. Anh chăm sóc chị, động viên chị ăn uống, bồng con, chăm con đỡ vợ.

Anh Lương đã dành rất nhiều thời gian dể chăm sóc cho hai mẹ con. (Ảnh dẫn qua: tapchihaingoai)

Nhờ tấm lòng và sự chu đáo của cha và mẹ, bé con giờ đã được 6 tháng, nặng 6 kg. Tuy con bé nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng với chị đó đã là niềm hạnh phúc và may mắn lớn nhất rồi.

Bế sinh linh bé nhỏ trong tay, chị Hương muốn gửi lời động viên đến những người cùng cảnh ngộ. Hơn ai hết, chị hiểu những mong mỏi của các bậc cha mẹ hiếm con.

“Con cái là cái lộc trời ban”, lời dặn này không nằm ngoài nguyên tắc “Mọi sự đều đã có an bài” mà ông bà ta xưa vẫn luôn tin tưởng. Nhưng sự an bài ấy liệu có là bất biến, không thể chuyển rời? Ông bà ta xưa cũng lại có câu rằng “ở hiền, ắt sẽ gặp lành”. Ở hiền ở đây liệu có phải là chỉ cách ăn ở sao cho đúng với đạo nghĩa, cũng chính là sống mà thuận theo những nguyên tắc của Đất Trời. Cách sống ấy sẽ đưa đến những điều kỳ diệu. Giống như cách mà cặp vợ chồng trẻ này đã sống và đã nhận được món quà vô giá của mình.

Ly Ly 

Exit mobile version