Đại Kỷ Nguyên

Tấm lòng người mẹ nghèo và sự hối hận muộn màng của cậu con trai bỏ rơi mẹ

Vào một buổi chiều hanh khô tháng 11, tôi bắt gặp hình ảnh hai mẹ con người phụ nữ nghèo đói đang nhường nhau nửa chiếc bánh mì. Bất chợt, tôi cảm thấy ran rát và nhận ra những giọt nước mắt mặn đắng đang rơi trên những vết nẻ khô trên mặt tôi. Trong giọt nước mắt mặn đắng ấy, tôi nhớ tới mẹ.

Những ngày ấu thơ ‘dữ dội’

Mẹ tôi làm thợ may ở làng bên trong khi cha tôi là người thành phố. Cha mẹ tôi chia tay nhau khi tôi học lớp 5. Từ một đứa trẻ được yêu thương, nâng niu, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng và bất hạnh. Sau khi gia đình tôi tan vỡ, mẹ và tôi sống ở quê còn cha thì về sống với ông bà nội.

Mẹ gắng sức làm lụng nuôi tôi, cho tôi một cuộc sống đủ đầy để bù đắp những mất mát tinh thần mà tôi phải chịu. Tôi vẫn không hiểu tại sao cha mẹ lại quyết định như vậy, chỉ biết mỗi lần cha về thăm, tôi đều khóc rất nhiều và không muốn cha đi. Mẹ tôi cũng khóc, cha tôi cũng rơi nước mắt, nhưng cả ba người chúng tôi vẫn cách xa như vậy, vẫn không thể đoàn tụ như xưa.

Mẹ gắng sức làm lụng để nuôi tôi, bù đắp cho những tổn thương tôi phải chịu. (Ảnh minh họa: Internet)

Có một lần cô giáo ra đề văn: “Hãy tả bữa cơm gia đình em”. Tôi bắt đầu tìm trong trí nhớ của mình những bữa cơm cách đây nhiều năm, ba luôn lừa hết xương cá cho tôi, còn mẹ thì luôn xới cho tôi bát cơm đầu tiên. Nhưng đó chỉ là kí ức, là quá khứ. Hôm đó tôi đã viết: “Bữa cơm hàng ngày của gia đình em không có cha. Thi thoảng cha mới về thăm em một lần nhưng cũng không ăn cơm cùng mẹ con em”. Hôm đó cô giáo hẹn gặp mẹ tôi, rồi tôi thấy mẹ khóc. Mẹ khóc tới mức đôi mắt sưng húp lại, khóc tới mức mệt rã người và gương mặt mẹ nhợt nhạt, hốc hác.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi đã trôi qua như thế. Có những tiếng cười giòn tan và cả những giọt nước mắt buồn tủi, của mẹ và của tôi. Mẹ tôi ngày càng già hơn, bàn tay mẹ sần sùi, những nốt chai cứ to dần lên, và đôi mắt mẹ ngày càng nhiều những nếp nhăn, những vết chân chim già nua và mệt mỏi.

Những năm tháng đại học

Mặc dù mẹ làm lụng suốt ngày nhưng cuộc sống của chúng tôi vẫn rất khó khăn, chỉ đủ sống qua ngày và dành một chút cho việc học ở trường của tôi. Năm thi đại học, tôi nói với mẹ tôi sẽ không tiếp tục đi học nữa. Tôi muốn đi làm kiếm tiền đỡ đần mẹ. Mẹ tôi bàng hoàng và xót xa khi nghe tôi nói điều ấy. Bà đã thuyết phục tôi bằng mọi cách và khẳng định chắc chắn rằng bà sẽ nuôi được tôi bốn năm đại học phía trước. Năm đó, đúng như mong ước của mẹ, tôi đã đỗ đại học.

Ngày tôi lên thành phố, mẹ gói ghém cho tôi đủ mọi thứ, gạo, nước, rau và cả món muối lạc mà tôi đã ăn mười mấy năm qua. Mẹ đưa cho tôi một bọc tiền để tôi nộp học phí, thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác. Một bọc tiền nhưng trong đó không phải số tiền lớn, mà toàn những đồng tiền lẻ. Mẹ đã tích cóp nhờ việc đi làm may, đan chiếu và thậm chí là công việc bốc vác chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh.

Mẹ sẵn sàng làm mọi việc để kiếm tiền cho tôi ăn học. (Ảnh minh họa: Internet)

Cuộc sống tấp nập và hoa lệ nơi thành phố nhanh chóng hấp dẫn và làm say mê một tâm hồn vốn chỉ biết đến đồng ruộng, rau cỏ như tôi. Những ngày đầu tiên ở đại học với tôi quả là một chuỗi ngày của sự xấu hổ, vì thua kém bạn bè, vì ngoại hình không bắt mắt, vì con nhà nghèo. Nhưng tôi đã nhanh chóng tìm cách thay đổi, và mỗi lần gọi điện về cho mẹ của tôi không còn những câu hỏi thăm sức khỏe như trước đây nữa, tôi gọi điện chỉ để nhắc mẹ gửi tiền cho tôi.

Tôi nói tôi cần tiền để nộp học, cần tiền học thêm ngoại ngữ, tin học và các loại chứng chỉ khác. Những lần như thế, mẹ chỉ nói một từ đơn giản: “Ừ”, và một hai ngày sau, tôi nhận được tiền của mẹ. Tôi dùng tiền đó mua sắm quần áo đẹp, thay điện thoại mới, chăm chút cho bản thân và đi ăn uống, tụ tập cùng bạn bè. Có đôi lúc tôi chậm lại và thắc mắc mẹ đã làm gì ra nhiều tiền như vậy, nhưng guồng quay náo nhiệt nơi đô thị nhanh chóng cuốn tôi đi.

Nhưng có một điều tôi nhận ra, đó là những thay đổi về vật chất đã biến đổi con người và tính cách của tôi. Tôi không còn là cậu bé điềm đạm, bình tĩnh, ăn nói lễ phép như trước đây. Tôi thường gắt gỏng với mẹ, không tôn trọng mẹ và có những lúc tôi đã nói những lời làm tổn thương mẹ sâu sắc.

Tôi dần quên căn nhà nhỏ bé của mình, nơi có mẹ luôn luôn tần tảo chăm lo cho tôi, tâm trí tôi đã lấp đầy hình ảnh những tòa nhà cao tầng và phố xá lung linh tấp nập. Một năm học tôi chỉ về nhà một hai lần, và kì nghỉ hè tôi cũng ở lại. Tôi không muốn chứng kiến cái lam lũ khó nhọc ở một vùng quê nghèo thêm nữa.

Một lần khi tôi vừa tan học và trở về kí túc xá cùng đám bạn thì thấy mẹ đứng ở cổng. Mẹ trong chiếc áo rách vá chằng chịt đang đeo trên người đủ các loại túi, túi gạo, túi thịt, túi rau… Tôi xấu hổ và thầm ước rằng đó không phải gặp mẹ, tôi đã kéo mẹ ra một góc khuất. Sau năm tháng mới gặp mẹ, trong tôi không phải sự nhớ nhung hay sung sướng, hạnh phúc, mà là sự chối bỏ.

Mẹ nhận ra thái độ đó ở tôi, mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Con hãy học tập thật tốt, không phải lo lắng đến vấn đề tiền bạc. Mẹ sẽ cố gắng hết sức để nuôi con”. Câu nói của mẹ khiến tôi trái tim tôi quặn đau, và tôi nhận ra mẹ đã trở thành một người khác, một bà lão già nua chứ không phải một người phụ nữ 35 tuổi. Vào cái lúc mẹ cần một lời động viên của tôi, cần một lời cảm ơn chân thành của tôi nhất, thì tôi lại vô tâm nói với mẹ rằng: “Lần sau mẹ đừng lên đây nữa. Bạn bè con nhìn thấy mẹ như thế này sẽ dè bỉu, chê bai con. Con xấu hổ và mất mặt lắm”. Nói rồi tôi toan quay đi thì mẹ giơ tay tát tôi một cái. Đôi tay mẹ run run, mẹ bật khóc, trong uất hận, trong đau đớn, trong xót xa.

Mẹ tôi đã ra về, không nói thêm một lời nào cũng không ngoảnh lại nhìn tôi.

Hai tiếng “Mẹ ơi!”

Giận mẹ, tôi bỏ học, rời kí túc xá ra ngoài kiếm việc làm và cắt đứt mọi liên lạc với mẹ. Tôi muốn kiếm tiền để không phải dựa dẫm vào đồng tiền của mẹ nữa. Nhưng mọi thứ không dễ dàng như tôi vẫn nghĩ, đồng tiền làm ra phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và biết bao cay đắng, tủi nhục. Tôi xin làm phục vụ tại một nhà hàng, và mỗi ngày khi hết khách, tôi phải rửa vô vàn bát đĩa. Mỗi lần về tới phòng trọ, thân thể tôi rã rời, đôi bàn tay nhợt nhạt và xù xì vì ngâm trong nước và xà phòng quá lâu.

Một hôm, trên đường đi làm, tôi gặp một thằng bé gầy gò, chân không đang lang thang trong công viên. Nó đi quanh quanh hàng bánh mì, nó rất muốn ăn nhưng có lẽ không có tiền. Tôi dùng những đồng tiền lương cuối cùng của mình mua cho nó một ổ bánh mì kẹp thịt. Nó sung sướng nhảy lên, rối rít cảm ơn tôi và nhanh chóng ăn hết nửa chiếc. Thấy nó gói nửa chiếc còn lại vào túi, tôi thắc mắc: “Sao em không ăn hết đi?”. “Em để dành cho mẹ”, nó thành thật trả lời. Nói rồi nó dẫn tôi tới chỗ mẹ nó. Đó là một phụ nữ bệnh tật, đang nằm trên một mảnh ni-lông trong một góc công viên. Nó đưa phần bánh mì cho mẹ và hạnh phúc nói: “Mẹ ơi, bánh mì này thơm ngon lắm, mẹ ăn đi cho đỡ đói”. Hai mẹ con đẩy qua đẩy lại. Nó muốn mẹ ăn, còn mẹ lại nhường nó.

Ngày mai con sẽ về với mẹ, mẹ nhé! (Ảnh minh họa: Internet)

Nước mắt tôi trào ra khi chứng kiến khung cảnh ấy, vì xúc động, vì thương và vì tôi nhớ tới mẹ của mình. Gia đình tôi cũng vô cùng khó khăn, để tôi được no đủ, có thể đã có biết bao lần mẹ nhịn đói và làm việc quần quật. Những ngày tháng bươn chải nơi xã hội đã giúp tôi nhận ra giá trị của đồng tiền chân chính. Giá trị đó không chỉ nằm trên những con số, mà còn ở sự vất vả, ở công sức bỏ ra để kiếm được nó. Và tôi hiểu rằng đồng tiền của mẹ có giá trị to lớn đến nhường nào.

Tôi lấy hết can đảm gọi điện cho mẹ. Ở đầu dây bên kia, mẹ nhấc máy ngay sau tiếng chuông đầu tiên. Giọng mẹ vừa vui mừng vừa hoảng hốt: “Con à, con đang ở đâu? Mẹ tìm con biết bao ngày qua”.

Tôi bật khóc: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con đã sai rồi, con không những không báo hiếu gì cho mẹ mà còn khiến mẹ đau lòng. Con đã không coi trọng những điều tốt đẹp mẹ dành cho con và phản bội sự hi sinh trời biển của mẹ. Ngày mai con về với mẹ, mẹ nhé!”

Nói rồi, trước mắt tôi hiện ra hình ảnh một người phụ nữ nông thôn đang ngồi đan chiếu dưới gốc dừa trong một chiều hè chói chang và rực rỡ, dáng vẻ tần tảo và tận tụy của bà nhuộm cả không gian…

Lý Minh

Xem thêm:

 

Exit mobile version