Tình mẹ bao la như biển Thái Bình”. Câu hát hẳn sẽ ngân lên trong lòng bạn khi nhìn thấy hình ảnh của cụ, một người mẹ 92 tuổi vẫn tảo tần hôm sớm, lo cho hai người con không may mắc bệnh tâm thần.
Người Việt truyền thống vốn rất trọng người già. Đến tuổi 80, 90, các cụ được làm lễ thượng thọ, được nhận sự chăm sóc, yêu thương và kính trọng của con cháu. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy. Cụ Dương Thị Mão, hiện trú tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An là một trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Sinh được sáu người con, 2 trai, 4 gái, cuộc sống của cụ Mão ngày trước tưởng chừng như mãn nguyện. Tuy gia đình không khá giả, nhưng hai vợ chồng cụ chăm chỉ làm ăn, cũng đủ nuôi nấng các con nên người. Nhưng cuộc đời có nhiều ngã rẽ bất ngờ.
Con gái thứ của cụ, chị chị Phan Thị Minh (SN 1969) vốn là một đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu. Vậy mà, càng lớn lại càng trở nên ngớ ngẩn, sức khỏe yếu đuối. Nỗi đau của cô chị chưa nguôi, con gái út của bà Mão cũng bắt đầu đổ bệnh. Bà Mão kể, con gái út của bà, chị Phan Thị Lợi (SN 1979) là một cô bé ngoan, hiền, lại học giỏi. Vậy mà, đến tuổi trăng rằm, con gái người ta thành thiếu nữ, con gái cụ lại nhốt mình nơi xó nhà tối tăm. Từ dạo đó, chị Lợi, con út của cụ không nói năng gì nữa. Sinh hoạt cũng không như bình thường, chị chỉ ăn gạo sống để tồn tại.
Sinh con ra, dù con có bị tâm thần thì cũng là con mình, nên cụ Mão và chồng vẫn nhất tâm, chăm chỉ làm lụng lo tiền thuốc men cho hai con gái. Nhưng cái chứng tâm thần một khi đã mắc khó lòng chữa khỏi. Cuộc sống cứ như vậy trôi đi trong cái buồn của những phận người.
6 năm trước, cụ ông cũng bỏ lại cụ mà đi. Ngày trước, cảnh sống cực đến mấy, có hai vợ chồng già, người làm việc này, người đỡ việc kia. Có khó, có mệt vẫn còn có thể nương tựa vào nhau. Nhưng giờ cụ ông mất rồi, mọi gánh nặng cuộc sống đặt cả lên vai cụ Mão. Dáng người nhỏ nhắn, tấm lưng đã còng đi vì thời gian của cụ giờ vẫn nặng gánh hai con.
4 người con khác của cụ, dù có thương mẹ cũng khó lòng giúp đỡ. Hai người xây dựng gia đình và lập nghiệp ở miền trong, cuộc sống mưu sinh cũng vất vả. Hai người con khác đều lập gia đình tại quê nhà, gần mẹ, gần em nhưng cũng chỉ phụ đỡ được cụ phần nào. Bởi ai cũng có cả một gia đình để cáng đáng.
Duy chỉ có anh Văn, một trong hai con trai của cụ là có cơ hội làm ăn bên Lào. Nhưng dù khấm khá hơn các anh chị em khác, nhưng anh cũng không giúp được nhiều cho mẹ. Vợ anh mắc bệnh tim, tiền làm được bao nhiêu cũng gửi vào hiệu thuốc cả.
Chấp nhận và kiên nhẫn làm tròn bổn phẩn của mình là một trong những đức tính đáng trọng nhất của người phụ nữ Việt truyền thống. Dù khổ đến đâu, các bà, các mẹ đều có thể chấp nhận. Nhưng không bao giờ họ nghĩ đến việc bỏ rơi máu mủ của mình. Cụ Mão cũng vậy. Tuy bước chân không còn vững, múc gàu nước từ dưới giếng lên cụ cũng phải dừng một lúc để thở, nhưng chuyện ăn uống, sinh hoạt của hai con gái đều vẫn một tay cụ chăm sóc.
Buồn nhất có lẽ vẫn là những giây phút tĩnh lặng, khi cụ nghĩ về hai con gái bệnh tật của mình. Nỗi lo, một ngày khi cụ không còn có thể gắng gượng tiếp trên cuộc đời, ai sẽ là người chăm cho các chị miếng ăn, ai sẽ là người săn sóc để các chị còn cảm thấy chút hơi ấm của tình thương. Nỗi khổ tâm ấy cứ lớn dần lên theo từng ngày…
Dưới mái nhà ngói đã gắn bó với gia đình bao năm tháng ấy, ba mẹ con cụ Mão cứ vậy mà nương tựa nhau, cùng sống để trả cho hết nợ với cõi này.
Trên con đường nhân sinh ngắn ngủi, ai cũng có cho riêng mình những nỗi khổ để vượt qua, những bài học cần phải học. Nhưng trong hành trình dài thật dài và cũng thật gian truân ấy, Thượng Đế nhân từ đã ban cho mỗi người một món quà quý giá. Đó chính là tình mẹ.
Không có thứ tình cảm chở che, yêu thương vô điều kiện ấy, cuộc sống sẽ rèn nên những tâm hồn kiên cường nhưng khô cứng. Có mẹ, có những yêu thương, an ủi, vỗ về, có đức hy sinh của mẹ, trái tim con người như học được bài học đầu tiên về lòng bao dung, về điều ấm áp mang tên vị tha.
Hy Văn