Đại Kỷ Nguyên

Xót xa cảnh những người phụ nữ còng lưng đẩy ‘siêu xe’ trên phố Hà Nội

Khi phố xá vẫn đang say giấc nồng, chỉ có những bóng đèn điện cao áp chiếu lặng lẽ, vàng vọt trong sương, các cô lao công đã đẩy những xe thô sơ chất đầy rác thải, âm thầm bước đi trong màn đêm từ khi nào. Dù vất vả, khó nhọc, nhưng đó là công việc của họ.

Nhọc nhằn nghề quét rác

Khối lượng rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội mỗi ngày một tăng khiến cho công việc của các cô lao công cũng theo đó mà ngày càng vất vả. Mặc dù một số nơi đã trang bị những chiếc xe gắn máy chở rác cỡ nhỏ có thể len lỏi vào các ngõ ngách nhằm bảo vệ sức khỏe cho công nhân, thế nhưng, đa số các cô đều vẫn sử dụng xe đẩy truyền thống và thường xuyên phải gồng mình vận chuyển lượng rác quá tải so với thiết kế.

Các cô công nhân vệ sinh môi trường thuộc chi nhánh quận Hà Đông đã được trang bị xe chở rác có động cơ.

Có lẽ không một ai muốn chọn cho mình một nghề nghiệp hay công việc quá đỗi gian truân, cực nhọc, nhưng với nhiều người, họ dường như không còn lựa chọn nào khác. Thế rồi, vất vả mãi cũng thành quen, những lúc ngồi nghỉ tay, ngắm những con phố sạch sẽ tinh tươm đang nườm nượp người qua lại mà thấy công việc mình làm thật ý nghĩa.

Nhưng đa số vẫn sử dụng xe đẩy truyền thống và thường xuyên phải gồng mình vận chuyển lượng rác quá tải.

Công việc khó nhọc đã đành, lại thêm nguy hiểm luôn rình rập mỗi giây phút nên các cô cũng áp lực lắm. Ngoài việc cần mẫn với từng nhát chổi, còn phải tai nghe, mắt ngóng để tránh dòng xe cộ đang nườm nượp qua lại trên đường. Mà càng về khuya thì nỗi sợ hãi càng tăng dần.

Những đoàn xe ben, xe container chạy nhanh vượt ẩu, những xe taxi đón trả khách vội vã trên đường, những chiếc xe máy dọc ngang xuôi ngược, những người say xỉn không điều khiển được tay lái và cả những người thích phóng nhanh bạt mạng luôn là những nỗi ám ảnh triền miên của các cô…

Những ước mong nhỏ nhoi

Những ngày lễ như giáng sinh, trung thu, tết cổ truyền… vốn là dịp để mọi người sum vầy bên gia đình hoặc ra phố dạo chơi thì với những người lao công, đó là những ngày vất vả nhất. Những tuyến đường trung tâm như Lê Duẩn, Minh Khai… chẳng khác gì bãi chiến trường. Có những kỳ nghỉ lễ lớn, đám thanh niên đi chơi xuyên đêm, trời lại hay mưa về đêm, giấy vụn bám chặt xuống đường, túi ni lông thì bê bết, không tài nào quét đi hết được.

Những dịp lễ tết là những ngày vất vả nhất

Rồi cả những đêm 30 Tết, trong khi mọi người diện đồ mới, cùng gia đình đi chơi và đón Giao thừa, các cô lao công vẫn phải cặm cụi dọn rác để sớm mai, sang một năm mới, đường phố sẽ sạch sẽ, tươm tất.

Cũng vì đặc thù công việc nên các cô chẳng dám mong được thảnh thơi

Cũng vì đặc thù công việc nên các cô chẳng dám mong được thảnh thơi, chẳng dám mong được sum vầy bên gia đình trong những dịp lễ. Họ chỉ còn biết lấy mong ước một ngày mai người Việt không xả rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng để công việc được nhẹ nhàng hơn.

Rồi cũng mong, giá như mọi người có thể tôn trọng nghề dọn vệ sinh hơn một chút…

Mỗi lúc thấy ai đó bịt mũi che miệng khi đi qua xe rác, tự nhiên có cảm giác nhoi nhói trong lòng. Mùi rác thải nó hôi hám vậy, các cô đâu dám trách ai…

“Dòng đời trôi cứ trôi hối hả

Đôi khi ta chẳng nhận ra ta

Xin gửi lại tình cảm thiết tha

Bài tình ca những người quét rác.”

Thu Sang
Exit mobile version