Trong cuộc sống, có những mảnh đời bất hạnh khổ cực mà không ngôn từ nào có thể kể xiết. Chứng kiến hoàn cảnh của người phụ nữ với cái tên Nguyễn Thị Lực dưới đây, chúng ta sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đang có, và hiểu sâu sắc rằng kiên trì sống hết một kiếp người đôi khi là thử thách vô cùng khó khăn…
“Tuổi thơ dữ dội” và nỗi đau tiếp nối nỗi đau
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lực (79 tuổi, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) lấy nhau từ năm 1959. Gần 50 năm trước, từ Hà Nam hai ông bà đi làm kinh tế mới lên xứ rừng Hạ Hòa này. Hai ông bà sinh được 9 người con, tụi nhỏ lớn nhanh như thổi, trắng trẻo, khỏe mạnh. Cứ tưởng cuộc sống êm trôi, hai vợ chồng chỉ lo làm lụng chăm bầy con, ai ngờ tai họa thay nhau ập xuống. Chín đứa con thì sáu đứa phát bệnh điên, cứ lên 7 lên 10 tuổi là ngờ nghệch rồi mất trí dần. Chúng cứ suốt ngày ăn rồi chờ mẹ tắm rửa, ngồi ở ngạch cửa cười ngu ngơ.
Các con của bà Lực đã qua tuổi ngũ tuần nhưng tư duy chỉ như đứa trẻ
Nhà nghèo, hai ông bà chỉ biết làm mướn làm thuê, chăm mấy khoảnh chè để nuôi tụi nhỏ. Nhưng đến giờ, đứa lớn đã 60 tuổi vẫn ngu ngơ như thế…
Có dùng ngôn từ nào cũng không thể diễn tả hết cái khổ của bà Lực. Không chỉ phải đối diện với hiện tại khắc nghiệt, từ bé bà đã có một tuổi thơ dữ dội. Gia đình bà vốn có 6 anh chị em. Bà là con gái út và là người thiếu thốn tình thương của cha nhiều nhất. Năm mẹ bà mang thai, bố bà vì mải miết đi làm dân công đắp đê mà bị cảm qua đời. Bà Lực sinh ra không được thấy mặt cha.
Một mình mẹ bà khó khăn lắm mới nuôi đủ sáu đứa con. Năm bà lên 7 tuổi, mùa vụ bị hư, lúa không có một hạt. Tất cả mọi người phải đi đào rễ cây để ăn. Suốt ngày đêm, bà theo chân mẹ đi kiếm miếng ăn. Lần đói ấy, bốn anh chị của bà đã không qua khỏi, chỉ còn mỗi bà với một người anh trai sống sót.
Năm lên 18 tuổi, nghe lời mẹ, bà được mai mối với chồng bà bây giờ. Lúc ấy, ông cũng có hoàn cảnh tương tự với bà, mồ côi mẹ từ năm lên 3, phải sống chung với mẹ kế và chịu nhiều cay đắng, tủi nhục. Hai trái tim cùng có chung nỗi đau nên sớm thấu hiểu và yêu thương nhau. Thế nhưng cuộc sống nghèo khó, chuyện miếng cơm manh áo, một lần nữa tiếp tục đẩy họ rơi vào nỗi cay đắng cùng cực.
Biết bao lần chồng đi công tác xa, đi vài tiếng đồng hồ mới về tới nhà nhưng bà cũng chỉ biết đưa cho chồng bát cháo loãng mà an ủi “anh ăn đi cho mát”, chứ không dám khóc rằng vì nhà hết gạo rồi. Nỗi lo sợ mình cùng các con có khả năng chết đói luôn thường trực nhưng bà cứ cắn răng mà chịu đựng một mình, chỉ đến khi không còn gì để bám víu nữa thì bà mới dám thổ lộ với chồng. Ngày ấy, có lần bà phải quỳ xuống chân ông mà khóc rằng không thể vay nổi một bát gạo đâu, nghe thấy thế, ông tức tốc đạp xe từ Hà Nam về Hạ Hòa, Phú Thọ đào 1 cân sắn non mang về cho các con ăn…
Những người con chỉ có lớn mà không có khôn
Rồi người chồng cũng qua đời vì bệnh tim, để lại bà Lực với 6 đứa con điên khùng tóc bạc và mẹ già 80 tuổi bên căn nhà rách nát. Bà buồn khổ, đau đớn đến tận cùng. Đã có lúc, vì cuộc sống rơi vào tận đáy khổ cực, cay đắng, bà Lực thậm chí nghĩ đến phương án xấu nhất, liệu có nên cho các con ăn một bữa no rồi ru chúng ngủ một giấc mãi mãi. Bởi bà cho rằng đó có lẽ là lối thoát duy nhất cho cuộc sống cơ cực hiện tại của họ.
Suy nghĩ xót xa ấy, chắc chắn đã đủ nói lên nỗi khổ đau mà gia đình bà đang phải trải qua…
Hơn 60 năm nuôi con – bao đêm không ngủ được vì những tiếng hú hét
6 người con của bà Lực, họ đều không thể nói được, nếu có đói hay khó chịu trong người thì chỉ biết quấy khóc như những đứa trẻ dù hầu hết đã qua ngũ tuần. Họ không thể tự làm bất cứ một công việc gì, kể cả mặc quần áo hay tắm gội, vệ sinh cá nhân. Sở thích của mỗi người cũng khác khác nhau: có người hay đi lang thang, người lại ngủ li bì, tè dầm, ăn vụng thậm chí đập phá đồ đạc, nghịch bẩn, không phân biệt được đâu là đất đá, đâu là đồ chơi…
Vất vả nhất cho bà là những cô con gái đến ngày “đèn đỏ”, việc chăm sóc vô cùng cực khổ. Đã vậy, nhiều lần tắm cho các con, bà Lực cũng mệt đến bở hơi tai vì phải vật lộn với chúng. Có lần, những người con còn xô ngã bà vì cảm thấy khó chịu.
Con trai út là đứa làm bà khổ tâm nhất vì anh luôn tè dầm, cởi bỏ quần áo chạy lung tung khắp nhà rồi hét lên. Có hôm trời lạnh anh cũng hành động một cách vô thức như thế, bà Lực lại phải vơ vội bộ quần áo khô, đuổi theo mặc cho anh. Hai mẹ con rượt đuổi nhau đến nhà hàng xóm cũng biết, bất quá, bà đành phải cột con vào một góc nhà…
Trước khi mất, chồng bà dặn rằng hãy để những người con bị bệnh uống thuốc ngủ rồi đi theo ông. Vậy mà trải qua bao lần khó khăn đến điên dại, bà Lực vẫn không thể làm theo lời dặn ấy.
Nỗi đau đã vơi bớt, tình người được sẻ chia
Sau khi câu chuyện về mẹ con bà Lực được đăng tải trên các mặt báo, các nhà hảo tâm đã gửi tặng gia đình nhiều món quà vật chất và tinh thần. Nhiều người từ Hà Nội, Hải Dương, Huế, Cần Thơ… cũng đến thăm và chia sẻ khó khăn với bà. Có người lặn lội từ tận miền Nam ra thăm, ôm bà khóc rưng rức. Bà cảm động lắm, không cầm nổi nước mắt, không ngờ lại có nhiều người thương mình đến vậy.
Giờ đây ngôi nhà nhỏ đã có nhiều điều thay đổi: những người con đã có bộ quần áo mới, bữa ăn cũng đã có thêm thịt chứ không phải chỉ toàn mỳ gói và rau dại giống như trước nữa. Bà Lực vui lắm, không phải chỉ vì nhẹ gánh lo sinh kế, bà vui vì cái buồn, cái khổ đời bà được bao người chia sẻ. Bà sẽ không phải tìm cái kết nghiệt ngã cho bầy con như đã từng nhiều lần nghĩ đến. Khi nhận những món quà ý nghĩa đó, bà Lực phải thốt lên rằng: “Mẹ con tôi đã được cứu sống rồi”. Thế nhưng, bầy con điên dại tóc bạc của bà vẫn ngu ngơ không biết gì, chỉ vỗ tay và ú ớ những điều vô nghĩa…
Cái khổ mà bà Lực phải chịu là cái khổ mà hiếm ai trải qua trong cuộc đời, và tấm lòng bao la bà dành cho 6 người con điên khùng cũng là tấm lòng hiếm người mẹ nào sánh được. Từ bé đến lúc mái đầu đã bạc, bà Lực trải qua không ít những khó khăn và biến cố, nhưng bà chưa một ngày buông xuôi, bỏ mặc những đứa con. Tình mẫu tử không cho phép bà bỏ mặc chúng, sự thiện lương và phẩm chất đáng quý trong bà không để bà đầu hàng trước cái nghèo, cái khổ mà làm điều ác. Cuối cùng, sự hy sinh, đức hạnh và nghị lực của bà đã cảm động Trời xanh, để Thượng Đế mang những tấm lòng hảo tâm đến cho bà…
Đúng như những gì người xưa đã nói: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (tạm dịch: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, Bóng liễu hoa tươi một thôn làng). Khi đi đến tận cùng của nỗi đau, tưởng như không còn lối thoát, chỉ cần bản thân tự nhủ hãy cố gắng, cố gắng thêm một chút, thì phép màu sẽ xuất hiện, sẽ thấy “trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng”.
Và nếu không có khổ đau, làm sao con người biết trân quý hạnh phúc, dù là đơn sơ và bình dị nhất?
Linh An (TH)
Xem thêm:
- 6 năm theo đuổi bóng hồng bất hạnh, chàng trai chấp nhận ở rể chăm sóc mẹ vợ bệnh tật và 3 cháu tật nguyền
- Vì sao cổ nhân rất coi trọng thuật nhìn người? Câu chuyện của Tào Tháo và Lý Bạch sẽ lý giải cho bạn
- Đẩy lùi bệnh ung thư nhờ tập Pháp Luân Công, báo cáo tại hội nghị về ung thư ở Mỹ khẳng định