Con người đã rất may mắn khi được sống trên một hành tinh xinh đẹp như Trái Đất. Tuy nhiên, chúng ta thường sống và đối xử với Trái Đất của mình bằng sự vô tâm và thờ ơ quá lớn.
Có một vùng đất mới đang hình thành
Ngày nay, ở một nơi rất xa ngoài khơi Thái Bình Dương, có một hòn đảo đặc biệt đang lớn dần lên mỗi ngày. Nhưng nó không phải do núi lửa đại dương phun trào, hay do bàn tay con người tạo dựng. Hòn đảo đó được tựu hình từ một yếu tố tinh thần – “sự vô tư đến vô tâm” của con người. Trên đảo không có đất, không có cát, cỏ cây cũng không thể mọc.
Hòn đảo ấy thực chất là rác thải nhựa và ni-lông khó phân hủy từ khắp nơi trên thế giới theo dòng nước đổ về, tích tụ lại thành một khối đặc cứng trên vùng biển phía bắc Thái Bình Dương này. Các nhà khoa học ước tính, “hòn đảo rác” đã có diện tích gần bằng diện tích nước Pháp (hơn 643.000 km2). Báo Le Figaro Pháp còn dẫn thêm một nghiên cứu, theo đó, mỗi năm diện tích của đảo rác sẽ tăng thêm 80.000 km2.
Cũng theo sự tăng nhanh đáng sợ đó, vật chất trên hòn đảo này đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu loài sinh vật biển mỗi năm. Đau lòng hơn, con số này vẫn đang không ngừng tăng lên. Để nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm của vấn đề, các nhà khoa học đã gọi bãi rác khổng lồ này là “lục địa thứ 7 đang hình thành”.
Tuy nhiên, bất chấp sự chết chóc mà vùng đất mới đang mang đến, con người trong đất liền vẫn chưa ý thức được tính nguy cấp của vấn đề. Người dân vẫn “vô tư” sử dụng túi ni-lông, chai nhựa trong rất nhiều những hoạt động của mình. Về phần mình, các chính phủ kiên quyết giữ vững lập trường “im lặng là vàng” trước sự mở rộng của “lục địa thứ 7”.
Quốc gia rác! – Một chiến dịch sáng tạo chống lại sự thờ ơ của con người
Nhận thức được mối nguy hại to lớn, đặc biệt là thái độ thờ ơ của người dân và các Chính phủ trên thế giới, Công ty truyền thông LADbible (Anh) và tổ chức phi chính phủ Plastic Oceans Foundation (viết tắt: POF của Mỹ) quyết định bắt tay hợp tác để thực hiện một chiến dịch táo bạo: Kiến nghị Liên Hiệp Quốc công nhận khối rác thải nhựa khổng lồ nói trên là thành viên thứ 196 của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Nói cách khác, họ muốn Liên Hợp Quốc công nhận hòn đảo làm từ rác đó là một quốc gia thực thụ.
Đây hoàn toàn không phải là một điều khôi hài vào ngày cá tháng tư. Hai tổ chức kể trên đã chính thức đệ đơn kiến nghị lên Liên Hợp Quốc công nhận khối chất thải nhựa khổng lồ ở Thái Bình Dương là một “quốc gia” vào ngày Đại Dương Thế giới (08 tháng 06 năm 2017) vừa qua.
Đưa ra lý giải cho dự án có một không hai của mình, hai tổ chức chia sẻ: họ đã trăn trở rất lâu để tìm ra một phương cách nhằm thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới. Và chiến dịch vận động lần này là lựa chọn tối ưu. Trên lý thuyết, khi kiến nghị của họ được gửi lên Liên Hợp Quốc, tất cả các thành viên của hội đồng sẽ phải nghiêm túc đọc và bàn thảo câu chuyện của “lục địa thứ 7”.
Tuyệt vời hơn, khi Trash Isles (tên gọi chính thức của quốc đảo Rác) được công nhận, quốc gia từ Rác sẽ nhận được sự bảo hộ của những điều khoản về môi trường của Liên Hợp Quốc:
“Tất cả các thành viên của tổ chức sẽ phải hợp tác cùng nhau trên tinh thần hợp tác toàn cầu để bảo tồn, bảo vệ và phục hồi sức khỏe cũng như tính toàn vẹn của hệ sinh thái của Trái Đất”.
Điều này đồng nghĩa với, khi Trash Isles trở thành một quốc gia, các quốc gia khác sẽ phải chung tay “dọn dẹp” nó. Nói cách khác, khi đó cả thế giới sẽ phải chung tay xóa sổ đất nước “có mùi” này trên bản đồ.
Bên cạnh việc khiến các nhà lãnh đạo chú ý thực sự đến sự bành trướng của Đảo Rác, các nhà vận động cũng gửi đi những phương án, theo họ, mỗi quốc gia có thể áp dụng và hành động quyết liệt để tạo ra những thay đổi thực sự cho vấn đề môi trường. Các phương án này bao gồm 3 điểm chính: “Phát triển các nguyên liệu sinh học, thiết lập thuế Cac-bon, và cải tiến những luật để cải thiện và tăng cường việc tái chế”.
Những hành động đầu tiên và quyết liệt đối với Quốc gia rác
Công ty truyền thông LADBible và tổ chức phi chính phủ POF thực sự nghiêm túc trong cuộc vận động của họ. Hai tổ chức đã kêu gọi những người quan tâm đến môi trường ủng hộ cho dự án này bằng cách đăng kí trở thành công dân của quốc gia sơ sinh. Việc đăng kí được thực hiện trực tiếp trên trang web Change.org.
Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên khắp thế giới đã ủng hộ dự án. Đáng kể nhất, trong số các công dân danh dự của Trash Isles (tên gọi chính thức của đảo rác) phải kể đến Al Gore, Phó tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, đồng thời là chủ nhân của giải Nobel Hòa Bình 2007 dành cho những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.
Ông đã chính thức trở thành “công dân danh dự” đầu tiên của Quốc đảo này. Trong khi đó, nữ diễn viên 83 tuổi người Anh Judi Dench, người đoạt giải Oscar với vai nữ hoàng Anh Elizabeth I trong bộ phim “Shakespeare đang yêu”, cũng đã đồng ý trở thành “nữ hoàng danh dự” của xứ đảo rác.
Để củng cố thêm sự quyết tâm cho những người tham gia chiến dịch, đồng thời để cụ thể hóa hình ảnh của quốc gia, công ty truyền thông LADbible và tổ chức POF đã nhờ tới sự trợ giúp của nhà thiết kế người Anh Mario Kerkstra để thiết kế những vật phẩm đặc biệt: Quốc kỳ, tiền giấy, hộ chiếu, tem thư.
Những vật phẩm được thiết kế đều mang trong mình rất nhiều những thông điệp sâu sắc về môi trường. Các nhà vận động muốn tận dụng tối đa chiến dịch này để mọi người có được cái nhìn chân thực nhất về những gì rác thải nhựa đã gây ra cho sự sống trên đại dương. Tiêu biểu nhất, cuốn hộ chiếu được làm hoàn toàn bằng những nguyên liệu tái chế.
Hình ảnh đại diện cho đất nước trên quốc kỳ và trên những đồng tiền giấy cũng đều được chọn lọc kĩ càng: Chúng khiến bất cứ ai nhìn vào đồng tiền cũng sẽ giật mình về những đau thương đang diễn ra trên quốc đảo này.
Các nhà vận động của LADbible và POF khẳng định họ nắm rõ cơ sở pháp lý của việc đề xuất xin thành lập quốc gia. Cụ thể, để được công nhận, một quốc gia cần hội tụ đủ 4 yếu tố – Theo điều 1 trong Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ của các quốc gia năm 1933, bao gồm:
- Có đường biên giới riêng
- Có chính phủ
- Có khả năng tương tác với các nước khác
- Có dân số
Các nhà vận động cho biết họ sẽ đi đến cùng chiến dịch của mình, duy trì những nỗ lực quảng bá cho tới khi sự thờ ơ bị đánh gục. Ba yếu tố đầu trong danh sách trên không khó để hiện thực hóa. Còn về yếu tố dân số, những người quan tâm đến vấn đề môi trường trên khắp thế giới đang đứng về phía họ. Gần 200.000 người, từ khắp các quốc gia đã thực hiện đăng kí trở thành công dân của đảo quốc đặc biệt này. Tất cả họ đều mong muốn có thể cùng nhau đánh động tới những công dân của địa cầu về vấn đề nguy cấp đang diễn ra đối với các đại dương, các sinh vật biển nói riêng và đối với sự an nguy của ngôi nhà to lớn, thân thiết nhất của mỗi con người – Trái đất này.
Dự án vận động lần này của LADbible và POF thực sự đáng được ghi nhận về sự sáng tạo, và mức độ tâm huyết. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để thay đổi tất cả những điều này phải chăng chỉ nằm ở các nhà lãnh đạo?
Câu trả lời thực chất nằm chính trong ý thức của mỗi con người. Một khi, mỗi người có thể thực sự để nghĩ cho những sinh mệnh đang chết dần chết mòn ngoài đại dương, nghĩ cho sự sống của Trái Đất rộng lớn này cũng đang bị bào mòn, chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì ngay lúc này để chữa lành nỗi đau đang hiện hữu. Chỉ có sự thay đổi xuất phát từ nội tâm của mỗi con người mới có thể làm nên những thay đổi thực chất và kỳ diệu.
Hy Văn