Đôi khi, chúng ta cảm thấy cuộc sống thật nhiều bon chen, xô bồ và lòng người cũng thật nhiều tính toán, mưu toan. Thế nhưng, đâu đó quanh ta, vẫn luôn tồn tại những câu chuyện ấm áp tình người làm lay động biết bao trái tim.
Cụ ông bán lạc để… làm từ thiện
Hình ảnh cụ Lưu Bình (87 tuổi) râu tóc bạc phơ trong bộ quần áo pijama, chiếc mũ lưỡi trai ngả màu cháo lòng, bên chiếc xe đạp cà tàng, lụi cụi đi bán từng túi lạc đã quá quen thuộc với người dân phố núi Kon Tum. Mọi người ai nấy đều rất ấn tượng bởi nét phúc hậu, lạc quan, yêu đời trên gương mặt đã in hằn dấu vết thời gian của cụ.
Ở cái tuổi đã xế chiều, hằng ngày phải đạp xe khắp cả thành phố đi bán lạc, chưa bao giờ người ta thấy cụ Bình mệt mỏi hay u sầu. Ngược lại, mỗi khi trò chuyện với cụ, người ta luôn thấy nụ cười sảng khoái, để lộ ra hàm răng chỉ còn lại vài chiếc lủng lẳng, khiến ai cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ.
Cụ kể, mỗi sáng, cụ dậy sớm nấu 10 kg lạc rồi 7h30 bắt đầu đạp xe đi bán. Ban ngày không hết thì chiều tối cụ lại đi tiếp, khi nào bán xong mới nghỉ. Mọi người cứ bảo cụ già rồi sao còn làm việc vất vả làm gì nhưng cụ thì chẳng thấy mệt mỏi chút nào. Kiếm được bao nhiêu tiền cụ lại mua bánh mỳ bỏ vào thùng bánh từ thiện chỗ bệnh viện đa khoa tỉnh cho các bệnh nhân nghèo không có đủ tiền lo bữa ăn. Cứ nghĩ đến niềm vui của những người nghèo đói được nhận bánh của mình, cụ thấy ấm lòng lắm, bao nhiêu chuyện phiền muộn cũng chẳng còn nữa.
Cụ Bình chia sẻ đã làm cái công việc bán lạc luộc này ngót 10 năm nay rồi. Mỗi lần vào bệnh viện bán cụ lại tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của gia đình các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân người đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ cứ luôn cảm thấy canh cánh trong lòng, dù biết bản thân chẳng dư dả gì, nhưng cụ vẫn muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh éo le. Vì vậy, cụ Lưu Bình đã quyết định dành tất cả số tiền lãi hàng ngày có được từ việc bán lạc luộc để mua bánh mì phát miễn phí cho những người bệnh khó khăn.
Không chỉ mua bánh bỏ vào tủ bánh mì trước cổng bệnh viện, mỗi lần đi bán, thấy bánh mì ở các tủ trên các tuyến đường bị “ế”, cụ Bình lại lấy bánh mì dồn lại rồi đạp xe cọc cạch đem đến bệnh viện phát cho mọi người.
Thấy việc cụ Bình làm có ý nghĩa, một số người cũng tình nguyện làm theo. Người thì tài trợ thêm ít tiền, người thì mua bánh mì bỏ luôn vào tủ. Việc làm nhỏ nhưng chất chứa tình yêu thương của cụ Bình đã khiến biết bao người ấm lòng và muốn sống “vì người khác”.
Giữa cuộc sống xô bồ, ngày ngày đầy rẫy những câu chuyện tiền, tình, tù tội, việc làm của cụ Bình đã lan tỏa và vẽ lên những gam màu tươi sáng, làm cho bức tranh cuộc sống càng trở nên đẹp hơn.
Gần chín thập kỷ có mặt trên cõi đời, cụ hằng ngày vẫn duy trì nếp sống giản dị, thanh đạm, và dành một phần tiết kiệm để làm việc thiện. Chẳng biết từ khi nào mọi người đã thân quen với hình ảnh một ông cụ râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào giống như hình ảnh ông Bụt trong những câu chuyện cổ tích đứng phát bánh mì từ thiện. Và câu chuyện về cụ Lưu Bình cũng đã in sâu vào tâm trí những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cũng như những người dân sinh sống ở đất Kon Tum này. Cuộc đời cụ như một lời nhắc nhở rằng hãy sống xứng đáng hơn nữa.
Bác bảo vệ 5 năm ròng đi nhặt ve chai mua gạo cho người nghèo
Đến khu phố 8 (phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM), không một ai không biết chú Nguyễn Hoàng Vũ – người đàn ông nổi tiếng với câu chuyện nhặt ve chai, mua gạo cho người nghèo suốt 5 năm ròng. Người ta kể, ngoài nhiệm vụ bảo vệ dân phố, chú Vũ còn là một người bạn thân thiết với những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ ở quanh đây. Sự tận tình, hết lòng vì người khác của chú khiến ai ai cũng vô cùng cảm phục.
Chú Vũ chia sẻ rằng, mỗi ngày đều thức dậy lúc 5 giờ, quét dọn rồi thay quần áo, sau đó vác “đồ nghề” gồm gậy có gắn nam châm và một túi nilong ra bờ sông. Mỗi buổi sáng, chú nhặt ve chai trong 1 giờ đồng hồ rồi trở về với công việc hàng ngày.
Khoảng 3 – 4 tháng, khi gom được một số lượng lớn ve chai, chú mang ra đại lý thu mua và bán được trung bình từ 3.000.000 – 3.500.000 đồng. Không giữ lại cho mình một khoản nào, mỗi năm 3 lần vào các dịp đặc biệt như 30/4, rằm tháng 7 và Tết nguyên đán, số tiền bán ve chai đều được chú Vũ mua gạo rồi gửi tặng cho những người nghèo, người già neo đơn. Cứ như vậy suốt 5 năm liền đều đặn như thế, chú Vũ không chỉ khiến những người nghèo khổ cảm thấy ấm bụng mà còn ấm lòng.
Có trường hợp bà cụ Thành (trên 90 tuổi). Cụ có con cháu nhưng cả nhà đều mắc bệnh gan nên không ai có thể chăm sóc cho cụ được. Biết chuyện, chú Vũ tìm đến thăm, cứ thế, mỗi tháng chú đem đến cho cụ 10 kg gạo và 100.000 đồng trích từ số tiền trợ cấp ít ỏi cho công việc bảo vệ dân phố.
Chú Vũ không giàu, vì vậy, để có điều kiện giúp đỡ bà con, hàng ngày chú đều miệt mài nhặt ve chai, phế liệu, chỉ trừ những ngày đau ốm không thể đi lại được, chú mới chịu ở nhà.
Có nhiều người nói chú là lo chuyện bao đồng, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, chú Vũ chỉ cười xòa, chú chia sẻ đây là mong ước từ hồi nhỏ của mình, còn đủ sức để đi làm từ thiện và giúp đỡ những người nghèo là chú vui lắm rồi, chẳng còn gì mong mỏi hơn.
Chú còn kể, người cha già 88 tuổi của chú ủng hộ lắm, ông cụ còn nói rằng “giúp người là việc tốt, chừng nào vẫn còn làm được thì con cứ làm từ thiện cho những người nghèo khổ”. Chính nhờ sự ủng hộ và tạo điều kiện của gia đình và mọi người xung quanh mà chú Vũ càng có thêm động lực để duy trì hoạt động đầy nhân văn này. Câu chuyện của chú Vũ khiến nhiều người cảm phục và truyền đi thông điệp sống đẹp, sống ý nghĩa trong cộng đồng.
Nếu chỉ nhìn cuộc đời qua lăng kính bi quan, u ám thì tâm hồn bạn mãi mãi đắm chìm trong sự đau khổ và sợ hãi. Ngoài kia còn có biết bao hành động yêu thương tuy nhỏ nhưng cũng ẩn chứa sức mạnh to lớn giúp lan tỏa sự ấm áp và niềm hy vọng tới mọi người. Do đó, hãy tập cách cho đi và trân trọng cuộc sống này. Bởi hạnh phúc sẽ đến khi bạn biết mở rộng trái tim và trao cho nhau những yêu thương chân thành.
Vậy nên, nếu không thể làm được điều gì đó to lớn, hãy bắt đầu làm người tốt từ những việc nhỏ bé, để cho tâm hồn của bạn cũng như khiến người khác cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và có niềm tin hơn vào cuộc sống này.
Linh An
Xem thêm:
- Vòng tuần hoàn của lòng tốt: Trao gửi duyên lành, sống thiện lương, chớ lo Trời cao không ban phúc báo
- ‘Điều tử tế lại sinh ra điều tử tế’, câu chuyện về quán cơm 1000 đồng bắt nguồn từ… một bình xăng
- Doanh nhân xuất sắc nhận giải thưởng từ Quốc vương Thụy Điển: Thành công nhờ thực hành “Chân-Thiện-Nhẫn”