Những buổi học có ý nghĩa và đáng nhớ nhất với lớp chúng tôi là những ngày có giờ thầy trả bài kiểm tra môn Văn. Sự hào hứng và những tâm trạng âu lo đều có trong tiết học đáng nhớ ấy. Tuy nhiên, buổi học hôm nay là sự bồi hồi đan xen xúc động, một buổi học về tình cha.
Mỗi khi có tiết trả bài thầy bao giờ cũng cầm lại hai bài đặc biệt đại diện cho lớp, một bài hay nhất và 1 bài dở nhất. Hai bài thầy đều đọc trước lớp, bài hay thì cả lớp vỗ tay, bài dở thì thế nào cả lớp cũng có những trận cười nghiêng ngả, bởi những lời nhận xét để đời của thầy ghi lại trên bài như: “Văn què, cụt, hoặc thiếu sức thuyết phục”.
Đôi khi chủ nhân của những bài văn tệ không chỉ chịu ảnh hưởng bởi những lời nhận xét trong lớp, mà nó lan tỏa ra cả các lớp bên cạnh, cũng bởi vậy nên mỗi lần thầy trả bài đứa nào cũng hồi hộp đợi xem bài của mình có bị giữ lại hay không.
Hôm nay cũng vậy, thầy chuẩn bị trả bài văn mà câu hỏi đề bài là hãy kể ra những kỉ niệm sâu sắc của em? Hôm ra bài thầy chia sẻ thầy cũng tin là mỗi em học sinh của mình sẽ có những kỉ nệm khác nhau, bài vở chắc sẽ không đơn điệu như những bài cũ. Nghe thầy nói vậy cả lớp chúng tôi ồ lên nói: “Thầy ơi chúng em học cùng nhau thì cũng có những kỷ niệm trùng nhau chứ ạ?”
Trên tay thầy hôm nay chỉ cầm lại một bài, điều đó thật khác thường so với tất cả những lần trước, đứa nào cũng cố để nhìn cho bằng được bài văn mà thầy giữ lại, không biết là bài hay hay bài dở. Mặt mũi đứa nào cũng đầy hoài nghi và muốn đoán xem bài đó của ai, cho đến khi bạn Mai Anh là học sinh giỏi Văn nhất của lớp cũng nhận được bài của mình thì sự tò mò đó lại càng trở lên cao trào đỉnh điểm, rồi đến Duy là người hay có bài văn dở cũng nhận được bài của mình trên tay, chỉ ít phút ngắn ngủi nhưng tâm trạng cả lớp cứ lên xuống theo bước đi của bạn phụ trách.
Lạ thật, tất cả các ánh mắt đều tỏ vẻ ngạc nhiên, ôi môn Văn, hôm nay có thể là một ngày tốt lành nhưng ngay ngày mai có thể kết quả sẽ lại chẳng ra gì, lớp mình hôm nay đón nhận một điều mới lạ rồi. Từ ngày học thầy, chưa có mấy lần điểm 7 môn Văn xuất hiện, kể cả Mai Anh cũng cho rằng đó là những điều thật hiếm hoi.
Mọi ánh nhìn theo bạn lớp trưởng cho đến những bài kiểm tra cuối cùng sắp được phát. Lúc đó chỉ còn lại Hưng, người duy nhất còn lại và bạn ấy chính là tác giả của bài văn đang còn lại trên tay thầy. Tránh cái nhìn tò mò của cả lớp, Hưng ngoảnh mặt nhìn ra phía cửa sổ. Không ai nhìn thấy mặt Hưng nhưng có thể hình dung ra bên trong bạn ấy đang xao động, có một cảm giác kỳ lạ ùa vào không khí của lớp học.
Hưng là một học sinh trường huyện mới chuyển về lớp cách đây mấy tháng. Bạn ấy không có gì nổi trội, tất cả những môn học và những gì xung quanh với bạn ấy đều bình thường và nhất là môn văn thì chưa bao giờ có gì đặc biệt cả.
Và hôm nay bài văn của bạn ấy, thầy giáo đã quay về phía lớp cho chúng tôi xem, ồ 8 điểm. Phải, điểm 8 thật sự! Tất cả mọi đôi mắt như mở to hơn, chúng tôi nhìn rõ số 8 đỏ chói trong ô điểm khi thầy đưa tay sửa lại cặp kính trên sống mũi, cử chỉ quen thuộc mỗi khi thầy xúc động.
Giọng thầy trầm trầm:
“Kỷ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má cho em ra phố học để sau này em có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm tiền làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà em có thể đỡ đần được cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết cái gì cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần viết thư về quê hay viết đơn từ là em viết…”
Thầy ngừng đọc, cả lớp lặng im, thầy tiếp tục đọc, hôm nay giọng của thầy ấm áp đến lạ kỳ, chẳng mấy khi lớp chúng tôi có nhiều cảm xúc đến như vậy.
Thầy nói với chúng tôi là thầy sẽ viết lại nguyên văn lá thư của ba bạn Hưng lên bảng cho chúng tôi cùng đọc. Đây đúng là một chuyện trước nay chưa từng có, từng chữ lần lượt hiện ra dưới tay thầy trên nền bảng đen lấp lánh.
“Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo đễ có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cã nhà nhớ con nhìu lấm cố họch nge chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.
Lá thư vỏn vẹn 45 chữ.
Khi thầy quay lại thì Hưng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy khi ấy cũng đỏ hoe.
Cả lớp im lặng phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư tràn ngập sự yêu thương và bao hy vọng gửi gắm của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu cầm bút viết thư cho con.
“Giọt mồ hôi mặn chát thấm trên đôi vai gầy trơ vì cực nhọc, chiếc áo ngả màu rách tơi tả bởi thời gian. Bao năm cha vẫn mặc chiếc áo cũ dáng hình gầy gộc trên chiếc xe cà tàng đón đưa con mỗi chuyến xe lên phố. Có lẽ, con vẫn mãi không hiểu được vì sao mình hạnh phúc đến vậy, con không hiểu được vì sao cha lại vất vả hy sinh cho con nhiều vậy. Chúng con có thật sự xứng đáng với tất cả những yêu thương này không?”
Gia Viên – Hồng Tâm