Trong khi những người khác lo lắng về việc chuẩn bị của hồi môn cho 6 cô con gái mà tất cả họ đều tốt nghiệp từ Đại học Harvard và Ivy League, thì ‘vua tàu biển người Hoa’, ông Triệu Tích Thành lại nói rằng: ‘Gia phong là của hồi môn tốt nhất cho con gái’.

Có người cho rằng sinh con gái là một gánh nặng, còn phải chuẩn bị của hồi môn, chưa kể đến là cho 6 cô con gái, có khi nào chuẩn bị của hồi môn thì sẽ khuynh gia bại sản? Có một gia đình đặc biệt đã làm nên một câu chuyện đáng kinh ngạc cho thế hệ tương lai.

Gia đình ông Triệu Tích Thành

Ông sinh ra ở Thượng Hải, cha ông là hiệu trưởng của một trường tiểu học. Năm 1946, ông trúng tuyển vào khoa Hàng hải của Đại học giao thông quốc gia.

Năm 1949, sau khi tốt nghiệp, ông tới thực tập trên tàu Viễn dương, bởi vì quốc cộng nội chiến, thuyền hàng không thể trở về Thượng Hải, gia đình Triệu Tích Thành đến Đài Loan.

Trong suốt cuộc đời thăng trầm của mình, ông đã viết tự truyện cuộc đời “Vua tàu biển người Hoa”. Ông tay trắng dựng cơ đồ, hai mươi năm sau viết lại lịch sử nước Mỹ. Gia đình ông được gọi là “Đệ nhất gia đình người Hoa trên đất Mỹ” và được hai vị tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi.

Ông có sáu cô con gái và bốn người trong số đó tốt nghiệp Đại học Harvard.

Ông chính là Triệu Tích Thành.

Ở Mỹ, sáu cô con gái của ông được gọi là “Triệu Thị lục kim hoa” (Sáu kim hoa của nhà họ Triệu).

Nếu như nói, chị em nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 là “Tống gia tỷ muội” (Ba chị em nhà họ Tống: Tống Ái Linh, Tống Mỹ Linh, Tống Khánh Linh, chồng họ đều là những nhân vật chính trị nổi bật của Trung Quốc đầu thế kỷ 20), thì “Triệu Thị lục kim hoa” cũng có thể so sánh như vậy.

Đây là gia tộc điển hình có nhiều cô con gái thành công nhất thế kỷ 21 – “Triệu Thị lục kim hoa”.

Trước tiên hãy xem lý lịch sơ lược của các nàng nhé!

Cô con gái lớn Triệu Tiểu Lan: Tốt nghiệp Đại học Harvard, cựu Bộ trưởng bộ Lao động Mỹ, hiện tại là Bộ trưởng bộ Giao thông Mỹ, là “tam triều nguyên lão” Nhà Trắng, nữ Hoa kiều đầu tiên tiến vào Nội các trong lịch sử nước Mỹ.

Con gái thứ hai Triệu Tiểu Cầm: Giám đốc trường William & Mary – trường đại học nghiên cứu công lập ở Williamsburg, Virginia, đây là cơ sở giáo dục đại học lâu đời thứ hai ở Hoa Kỳ, sau Đại học Harvard.

Con gái thứ ba Triệu Tiểu Mỹ: Tốt nghiệp Đại học Harvard, cựu Giám đốc Cục Bảo vệ người tiêu dùng New York.

Con gái thứ tư Triệu Tiểu Phủ: Tốt nghiệp Đại học Colombia, cựu Phó chủ tịch cấp cao của General Electric, hiện tại là luật sư.

Con gái thứ năm Triệu Tiểu Đình: Tốt nghiệp Đại học Harvard, Giáo sư Đại học Colombia.

Con gái út Triệu An Cát: Tốt nghiệp Đại học Harvard, Phó chủ tịch tập đoàn Fumao, người kế nhiệm Triệu Tích Thành.

Sáu cô con gái của Triệu Tích Thành, tất cả đều tỏa sáng, mỗi người một lĩnh vực, không hề thua kém một đấng mày râu nào.

Tổng thống Bush từng nói với vợ ông là Barbara rằng: “Hãy nên học hỏi cách giáo dục con cái gia đình họ Triệu”.  

Triệu Tiểu Lan trong một cuộc phỏng vấn cho biết: “Nếu bạn muốn tôi phát biểu cảm tưởng về thành công của mình, tôi chỉ biết nói rằng bởi vì phía sau tôi luôn có một người đàn ông mạnh mẽ. Ông chính là cha tôi, Triệu Tích Thành”.

Chân dung ông Triệu Tích Thành (ảnh: storm.mg).

Triệu Tích Thành xây dựng gia phong, duy trì gia quy, hết lòng quan tâm giáo dục, dạy bảo hoàn hảo sáu cô con gái ưu tú, và cũng giúp hôn nhân và gia đình của các con gái được hạnh phúc trọn vẹn.

Nề nếp gia đình tốt đẹp chính là tài sản tốt nhất mà cha mẹ dành cho con cái, và cũng là của hồi môn quý báu nhất dành cho con gái.

1. Phu thê tình thâm, yêu thương trọn cả cuộc đời

Vợ chồng yêu thương nhau, chính là dành cho con gái nề nếp gia đình quý giá nhất.

Năm 1946, Triệu Tích Thành 18 tuổi, ông hướng về trời biển bao la, đạt thành tích xuất sắc đậu vào khoa hàng hải đại học Giao thông quốc gia. Bởi vì dung mạo anh tuấn, phong nhã hào hoa, nên Triệu Tích Thành được rất nhiều nữ sinh yêu mến, nhưng ông vẫn chẳng động lòng.

Mùa đông năm 1948, ông gặp một nữ sinh thanh tú đoan trang, nhã nhặn trầm tĩnh, cao nhã thanh khiết… Trong mắt Triệu Tích Thành, tất cả câu từ đều không thể miêu tả dung mạo của nàng. Nàng ấy chính là Chu Mộc Lan. Và họ đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên.

Nhưng vì chiến hỏa phân tranh, thời cuộc thay đổi, Triệu Tích Thành phải lưu lại ở Đài Loan, hai người bị mất liên lạc, đôi tình nhân trời nam đất bắc.

Triệu Tích Thành ở Đài Loan nhờ người hỏi thăm tin tức của Chu Mộc Lan, kiên trì bền bỉ không ngừng. Một năm sau, Triệu Tích Thành phát hiện thấy trên danh sách đạt kỳ thi tốt nghiệp có tên nàng, thì ra nàng cũng đã cùng gia đình sang tới Đài Loan rồi.

Những mong nhớ, tìm kiếm kiên trì của Triệu Tích Thành cuối cùng cũng có kết quả, hai người hội ngộ mừng rỡ hạnh phúc như sống lại lần nữa.

Năm 1951, họ kết hôn.

Ông nói với Chu Mộc Lan: “Tôi đối với nàng chưa từng thay lòng, chỉ có một trái tim này, suốt đời yêu nàng mãi mãi”. Và ông đã dùng cả một đời để minh chứng câu nói ấy.

Triệu Tích Thành và Chu Mộc Lan đồng cam cộng khổ, tôn trọng lẫn nhau. Một người chủ ngoại, xây dựng sự nghiệp, một người chủ nội, chăm sóc gia đình.

Triệu Tích Thành trong tự truyện viết: “Mộc Lan vì tôi mà đã hy sinh rất lớn, tôi đối với cô ấy cũng yêu thương chu đáo tỉ mỉ, chỉ cần cô ấy vui vẻ, hạnh phúc thì tôi luôn theo như ý cô ấy”.

Chứng kiến cha đối với mẹ bằng sự tôn trọng, yêu thương, nên con gái họ cũng thấy được giá trị của mình khi cũng là phụ nữ. Họ cũng tin vào tình yêu, tin rằng thế giới này luôn có tình yêu.

Khi được hỏi: “Bằng cách nào ngài có thể nuôi dưỡng sáu cô con gái xuất sắc như vậy?”, Triệu lão tiên sinh thân tình nói: “Điều này là minh chứng cho tình yêu mà trọn đời tôi dành cho vợ mình, thực sự là rất yêu thương”.

2. Nghiêm khắc mà không hà khắc, yêu thương mà không cưng chiều, là nề nếp gia đình tốt nhất dành cho con gái

Triệu Tích Thành chịu ảnh hưởng rất sâu sắc từ nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, khiến cho gia giáo nhà họ Triệu rất nghiêm khắc, cũng rất nhiều phép tắc, quy củ.

Ví dụ như: Cha mẹ chưa động đũa thì con cái chưa được phép ăn cơm; Về nhà trước 11h đêm; Khi cha mẹ đang nói, hãy bình tĩnh và lắng nghe; Tự mình làm việc nhà, đừng để người khác phải phục vụ; Con gái tiêu pha bên ngoài, cần mang hóa đơn về để hoàn trả; Khi mở tiệc mời khách, cả sáu cô con gái đều phải đi ra tiếp đón, mang thức ăn lên cho mọi người, rót rượu mời; Làm bất cứ việc gì đều phải nghiêm túc, nghiêm túc, nghiêm túc…

Triệu gia mấy chục năm như một ngày, bảo trì gia giáo và gia quy này, khiến cho các cô con gái mỗi người đều đạt thành tích xuất sắc, độc lập và tự kỷ luật, không kiêu căng, không nóng nảy vội vàng.

Cô con gái út, Triệu An Cát chỉ dùng thời gian ba năm đã đạt thành tích tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvard.

Cô con gái út, Triệu An Cát (ảnh: soundofhope.org).

Có một vài câu chuyện nhỏ không thể bỏ qua.

Lúc Triệu Tiểu Lan học tiểu học, khu nhà ở bị cúp điện, mẹ cô thắp nến cho cô như thường lệ, hai mẹ con cùng nhau hoàn thành bài tập về nhà của hôm ấy.

Ngày hôm sau, cả lớp chỉ có mình cô hoàn thành bài tập.

Trước nhà họ có một đoạn đường đi bộ dài, chính là do Triệu Tiểu Lan cùng với các em gái đã tự mình rải lót đường dưới sự hướng dẫn của cha.

 Con gái của Triệu Tích Thành lúc vừa đến Mỹ, một câu tiếng Anh cũng không thể nói, ngồi trong phòng học lạ lẫm, hoàn toàn nghe không hiểu ông thầy đang giảng những gì, không thể làm gì khác hơn lấy sổ tay chép lại những gì ông thầy viết trên bảng.

Vào thời điểm đó, Triệu Tích Thành một ngày làm đến ba công việc, dùng lời của ông mà nói thì là: “Lúc đó ngoại trừ xe kéo chưa từng kéo qua, những việc khác đều đã làm qua rồi, bởi vì Mỹ không có xe kéo”. Tuy vậy mỗi ngày kéo cái thân thể mệt mỏi về đến nhà, ông vẫn kiên trì giảng giải bài ghi chép, giúp con gái nỗ lực cố gắng.

Lúc bé, Triệu Tiểu Lan ước ao có một con búp bê Barbie, nhưng thời đó trong nhà cũng không có nhiều tiền để mua cho cô. Một thời gian sau, cô nhận được món quà, đó là một con búp bê Barbie. Là Triệu Tích Thành góp tiền mua cho con. Chu Mộc Lan còn tự mình may quần áo cho búp bê, cùng với con gái xây nhà cho búp bê.

Trong những chi tiết nhỏ này có thể nhìn thấy tình yêu, trong tình yêu không thể thiếu sự nghiêm khắc, trong nghiêm khắc nhìn thấy sự chân thành.

Nghiêm khắc mà không khắt khe, thương yêu mà không nuông chiều, chính là nền nếp gia đình tốt nhất dành cho con gái.

3. Vượt qua ‘trần kính’, con gái có thể thực hiện bất cứ điều gì

Yêu cầu nghiêm khắc về phẩm hạnh, nhưng ở sự nghiệp thì không đặt ra giới hạn nào cho con gái cả, chính là dành cho con gái gia phong cao hơn nữa.

Có tận sáu cô con gái trong nhà, lúc đó, nhiều người xung quanh vẫn thường ‘dội nước lạnh’ lên vợ chồng nhà họ Triệu: “Hồi môn cho 6 cô con gái cũng tốn không ít tiền đâu đấy!”.

Nhưng vợ chồng nhà học Triệu cũng không để bụng.

Khi con gái lớn ra đời, Chu Mộc Lan để Triệu Tích Thành đặt tên cho con. Triệu Tích Thành nói: “Cứ gọi là Triệu Tiểu Lan nhé! Hy vọng sau này con lớn lên, sẽ trung dũng và hiếu thuận thay cha tòng quân như Hoa Mộc Lan, đồng thời cũng sẽ giống như mẹ của con hiền thục, bao dung và thiện lương!”.

Con gái cả của Triệu Tích Thành, bà Triệu Tiểu Lan, hiện đang là Bộ trưởng Bộ giao thông Hoa Kỳ (ảnh: Wikimedia commons).

Khi sáu cô con gái lớn lên đều giống như Hoa Mộc Lan vậy, dũng cảm xông pha.

Trong một cuộc phỏng vấn, Triệu Tiểu Lan và Triệu An Cát nhớ lại cách giáo dục và ảnh hưởng từ cha mẹ, đã nói: “Thế giới này rất công bằng, biểu hiện của chúng ta hoàn toàn quyết định ở chính bản thân mình, cũng chỉ có mình mới có thể chiến thắng chính bản thân mình”.

Trong tâm lý học có một hiệu ứng gọi là hiệu ứng trần kính. Nó đề cập đến phương diện cản trở sự thăng tiến của phụ nữ, cũng không phải là năng lực hay kinh nghiệm của họ không đủ, mà là doanh nghiệp hoặc tổ chức thiết lập nên một chướng ngại, chướng ngại này có lúc thậm chí không nhìn thấy được sự tồn tại của nó.

Nhưng Triệu Tích Thành lại không tin rằng có “trần kính” này. Ông muốn con gái đột phá tầng “trần kính” này, vỗ cánh bay cao, thực hiện mơ ước của mình.

Lúc Triệu Tiểu Lan còn bé, Triệu Tích Thành nói với cô: “Con không thể làm tổng thống, bởi vì con không phải sinh ra tại Mỹ, nhưng con có hy vọng làm bộ trưởng. Mỗi người đều có thể làm tốt hơn, từng bước một tiến tới, chính là có thể đạt đến tầng cao nhất”.

Vừa dứt lời, mọi người xung quanh đều cười lớn không ngớt, cứ tưởng ông đang đùa. Nhưng Triệu Tích Thành đã rất nghiêm túc, và thật rõ ràng, Triệu Tiểu Lan cũng đã thực hiện rất nghiêm túc.

Năm 1977, Triệu Tiểu Lan qua rất nhiều kỳ thi, đã trúng tuyển vào Đại học Harvard và giành được bằng thạc sỹ hai năm sau đó. Sau đó bước vào Ngân hàng Hoa Kỳ, đảm nhận vị trí kế toán viên cao cấp.

Năm 1983, cô lấy can đảm tham gia cuộc thẩm định tuyển chọn “Viên chức Nhà Trắng”. Cuối cùng, từ 55.000 ứng cử viên bộc lộ hết tài năng, trở thành ”Viên chức Nhà Trắng” đầu tiên của châu Á, con đường theo đuổi chính trị bắt đầu từ đây.

Ngày 29/1/2017, Triệu Tiểu Lan gọi điện cho cha nói: “Bố ơi, cảm ơn bố, con đã giành được rồi”.

Triệu Tích Thành nói với con: “Con không giành được, mà là con có được!”

Vào ngày này, Triệu Tiểu Lan đã trở thành Bộ trưởng thứ 18 của Bộ Giao thông Hoa Kỳ.

Triệu Tiểu Lan tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Hoa Kỳ, cha của cô giúp cô cầm Thánh kinh (ảnh: mtmtv.info).

Triệu Tích Thành nói: “Đừng đặt ra giới hạn cho con gái, con gái có thể làm được tốt hơn nữa, thông qua giáo dục, con gái có thể thực hiện bất cứ điều gì”.

Chính vì có lề lối và cách nhìn như vậy, mới có thể tạo ra nền nếp gia đình tốt đẹp, mới có được truyền thống tinh thần gia tộc tốt đẹp.

Bảo tàng người Hoa ở Hoa Kỳ đã trao tặng Triệu gia “Khen thưởng gia đình truyền thống kiệt xuất”. Đây là viện bảo tàng đã trưng bày được 30 năm, lần đầu tiên đem vinh dự này trao cho cả một gia tộc.

4. Con gái mỗi người đều đã đạt thành tích, con rể mỗi người lại là kỳ tài

Khi “lục đóa kim hoa” trưởng thành, vấn đề hôn nhân lại bày ra trước mắt vợ chồng nhà họ Triệu. Tuy nhiên, họ cũng không có quá nhiều lo lắng, bởi vì nửa kia mà những người xuất sắc lựa chọn cũng không hề thua kém.

Đúng như họ dự liệu, trong các con rể vừa có lãnh đạo đảng Cộng hòa, thượng nghị viện quốc hội Mỹ, còn có đại cổ đông của Facebook, Wal-Mart, Dell, Giám đốc News Corporation.

Có người nói, hạnh phúc lớn nhất của một người chính là nói về tình yêu lứa đôi tương xứng và kết hôn môn đăng hộ đối. Đây quả là miêu tả chân thực về gia đình nhà họ Triệu.

Có một câu chuyện thú vị như thế này: Triệu Tiển Lan cùng thượng nghị sỹ Quốc hội cao cấp, lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch McConnell quen nhau tương tri tương ái, đang chuẩn bị đính hôn, Triệu Tiểu Lan nói với McConnell:

“Theo phong tục truyền thống Trung Quốc, anh phải đến nhà em, trước mặt cha mẹ và người nhà cầu hôn em”.

Khi McConnell lần đầu tiên đến thăm hỏi gia đình nhà họ Triệu, Triệu Tích Thành quả nhiên đã yêu cầu anh đưa ra ba lý do để cầu hôn Triệu Tiểu Lan.

Cũng may, Triệu Tiểu Lan đã sớm nói chuyện trước với bạn trai: “Cha em là một người thông minh và nghiêm khắc, anh phải nghiêm túc trả lời cha từng câu hỏi nhé”.

 Bởi vì McConnell đã chuẩn bị, sau khi hít một hơi thật sâu, anh ta trả lời không một chút hoang mang lo lắng:

“Đầu tiên con tin rằng con mắt của Tổng thống rất sắc bén, ông ấy nói rằng Tiểu Lan là nữ nhi Đông phương xuất sắc nhất, con cũng tin chắc điều này.

Thứ hai, cha của Tiểu Lan vì sự nghiệp vận tải biển Thế giới đã cống hiến rất nhiều, được mọi người kính trọng. Trung Quốc có câu tục ngữ, ‘hổ phụ làm sao sinh khuyển tử’. Người cha tuyệt vời, con gái chắc cũng không kém cỏi.

Thứ ba, và là điều quan trọng nhất, chính là Tiểu Lan là người phụ nữ bận rộn nhất mà con từng gặp, vừa hay con lại đã chuẩn bị chăm sóc cô ấy thật tốt, yêu thương chăm sóc những lúc cô ấy rảnh rỗi”.

***

Tác gia Mã Bá Dung (Ma Boyong) đã từng viết một đoạn thoại rằng:

“Truyền thừa của một gia tộc cũng giống như một món đồ cổ tốt. Nó đã được rất nhiều người chăm sóc và đánh bóng, trong thời gian lâu dài, trong âm thầm tích lũy, dần dần, truyền thừa này cũng giống đồ cổ, sẽ bọc lại bởi một lớp sâu thẳm, tĩnh mịch, trầm tĩnh, dịu dàng, tản ra bầu không khí cổ xưa.

Đồ cổ có hình dạng, truyền thừa lại không có vật chất, nhìn không thấy, sờ không được, lại thấm đến gia tộc, trong cốt nhục đời sau, trở thành thành viên gia tộc, ràng buộc về tinh thần, thậm chí trở thành tính cách của họ, thậm chí là một bộ phận của vận mệnh của họ”.

Gia đình có gia phong, giống như một sự truyền thừa, ảnh hưởng sâu sắc đến con cháu của bạn.

Cha mẹ yêu thương nhau, ngôn từ và hành động mẫu mực, yêu thương mà không nuông chiều, không hạn chế, chính là dành cho con gái một nề nếp gia đình tốt nhất.

Vậy mới nói, gia phong chính là của hồi môn quý giá nhất dành cho con gái.

Mây Trắng

Theo Sound Of Hope

Bạn đang đọc bài viết: “Gia đình được 2 vị tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi: ‘Gia phong là của hồi môn quý giá nhất cho con gái'” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||ace513f30__

Từ Khóa: