Có thể nói thực trạng “chỉ người Việt mới hiểu người Việt nói tiếng Anh” khá phổ biến hiện nay. Có không ít bạn học tiếng Anh nhiều năm nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài vẫn khiến họ khó hiểu. Chúng ta cùng phân tích các lỗi giao tiếp thường gặp và tham khảo một số phương pháp học cải thiện.
I/ LÝ DO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG HIỂU BẠN NÓI
- Thiếu hoặc sai phụ âm cuối (ending consonants)
Lỗi phổ biến nhất của người Việt là không nói phụ âm cuối (ending consonants).
Bên cạnh đó, còn hay thêm âm ‘s’ vào cuối từ vốn không có âm ‘s’.
Để tìm hiểu tầm quan trọng của âm cuối, chúng ta cùng xét những từ sau: why, wine, wife, white, while.
Các từ này có thể khiến một số người học bối rối bởi đọc khá giống nhau.
Sự khác nhau giữa các từ này chính là âm cuối. Đọc sai âm cuối sẽ thành một từ khác.
Khi nói tiếng Anh, nếu chúng ta không đọc hoặc đọc sai âm cuối, người nước ngoài sẽ khó hiểu chúng ta nói từ gì, đôi khi còn hiểu nhầm.
- Phát âm nguyên âm không chuẩn
Khi nói, có thể không chuẩn ngữ pháp, nhưng phát âm phải rõ, phải đúng.
Đặc biệt, người nói phát âm không chuẩn một số nguyên âm không có trong tiếng Việt như /æ/, /ə/, /ʌ/,…và các nguyên âm đôi.
Các nguyên âm đôi bao gồm: /aɪ/, /aʊ/, /eɪ/, /oʊ/, /ɔɪ/, /eə/, /ɪə/, /ʊə/.
Nguyên âm đôi được kết hợp bởi hai nguyên âm đơn. Để phát âm, chúng ta phát to và kéo dài nguyên âm 1, sau đó trượt nhanh sang phát âm nguyên âm 2.
Lấy ví dụ nguyên âm /aɪ/. Âm này do hai nguyên âm /a/ và /ɪ/ tạo thành. Chúng ta phát âm âm /a/ trước, rồi trượt nhanh sang /ɪ/, thành /aɪ/. Âm /a/ phát âm to và kéo dài hơn /ɪ/.
Người Việt hay nói từ my thành ‘mai’ (trong từ hoa mai), thay vì phát âm tách ra /maɪ/ = m+a+ɪ.
- Trọng âm
Với các từ có hai âm tiết trở lên (chính là có hai nguyên âm trở lên), sẽ xuất hiện dấu trọng âm.
Lấy ví dụ:
mother /ˈmʌðər/
wonderful /ˈwʌndərfl/
unbelievable /ˌʌnbɪˈliːvəbl/
Nếu chúng ta nhấn nhá không chuẩn, người nghe sẽ khó hiểu bạn nói từ gì.
Ngoài ra, còn có trọng âm câu. Câu trong tiếng Anh chỉ được nhấn vào một số từ nhất định, những từ khác thì nói rất nhanh chóng. Khi trọng âm rơi vào các từ khác nhau, ý nghĩa của câu sẽ khác.
Lấy ví dụ, câu nói “I love you”.
Nếu chúng ta nhấn mạnh vào ‘I’. Câu có nghĩa là: Chính anh là người yêu em, không phải John hay Robert, hoặc ai khác.
Nếu nhấn mạnh ‘love’. Câu chuyển nghĩa như sau: Anh yêu em, chứ không phải thích hay ghét em.
Nếu nhấn mạnh vào ‘you’. Câu được hiểu là: Anh yêu em, chứ không phải em gái em hay cô bạn thân của em.
- Ngữ điệu
Ngữ điệu và trọng âm song hành với nhau.
Ngữ điệu rất quan trọng trong tiếng Anh. Tiếng Anh như âm nhạc, có nhịp điệu. Khi nói tiếng Anh giọng bạn sẽ lên và xuống nhiều tính biểu cảm, khá khác với cách nói tiếng Việt.
Nếu nói bằng bằng thiếu ngữ điệu và trọng âm, người nước ngoài sẽ khó hiểu ý bạn muốn diễn đạt. Ngữ điệu thể hiện nhiều hơn từ ngữ. Nếu thiếu đi ngữ điệu, giọng bạn chắc chắn sẽ thiếu sự thu hút và sự tự nhiên.
- Diễn đạt ý
Vấn đề tiếp theo đó là nói tiếng Anh theo kiểu Việt. Nhiều bạn hay dịch sang tiếng Anh những câu Việt, diễn đạt ý lủng củng khiến người nghe khó hiểu.
Bên cạnh đó, không ít bạn hay ngắt câu không đúng chỗ, không theo cụm hay theo ý. Hoặc vừa nói vừa nghĩ nên nói từng từ một, từng từ một. Điều này khiến người nước ngoài không nắm bắt được câu chuyện, đôi khi không thể nhẫn nại.
Ví dụ: I…. have .…a cat… It… is my…pet.
II/ PHƯƠNG PHÁP HỌC
- Học cách phát âm chuẩn
Các bạn có thể vào trang youtube, hoặc theo dõi facebook Học Tiếng Anh để xem những video hướng dẫn phát âm chuẩn. Hãy luyện tập từng âm, từng từ một cho thật chuẩn.
Từ nào không rõ cách phát âm, hãy tra từ điển oxford.
Bạn vừa tra được phiên âm, vừa nghe cách phát âm của từ bằng cách click vào biểu tượng chiếc loa bên cạnh phiên âm từ.
- Đối chiếu
Chúng ta có thể lên CNN, BBC, VOA xem giọng của mình giống với người bản xứ hay chưa: cách nhấn trọng âm, cách đọc âm, tốc độ nhanh/ chậm, ngữ điệu…
Ngoài ra, việc xem tài liệu và chương trình của người bản xứ sẽ giúp bạn dần học được lối nói và cách diễn đạt tự nhiên thực tế với đời sống.
- Ghi âm, quay video hoặc luyện nói trước gương
Tại sao nên ghi âm và quay video bạn nói hoặc đọc tiếng Anh?
Bởi vì bạn có thể nghe lại được giọng của mình, từ đó xem mình phát âm chưa tốt ở chỗ nào để kịp thời chỉnh sửa.
Dù sao, đây cũng là hình thức tự luyện tập và đối chiếu. Cách tốt nhất vẫn là có môi trường và cơ hội giao tiếp trực tiếp với người bản xứ.
- Thái độ học tập
– Giữ cho mình một thái độ khiêm tốn, ham học hỏi. Luôn cố gắng, kiên trì. Bạn sẽ phát hiện rằng “mình bỏ ra bao nhiêu, sẽ nhận lại được bấy nhiêu”.
– Luôn chia sẻ. Người không chia sẻ sẽ khó có thể học thêm được điều mới. Cách học tốt nhất là chia sẻ, giao lưu hoặc dạy lại cho người khác những gì mình biết.
– Không mắc cỡ, xấu hổ hay cảm thấy tự ti về khả năng phát âm và giao tiếp của mình. Bởi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của bạn, người học luôn có thiếu sót cần trao dồi. Ngoại ngữ cần sự luyện tập, chỉ cần luyện tập nhiều, khả năng của bạn sẽ dần tiến triển.
Chúng ta nên chịu khó giao tiếp với người nước ngoài càng nhiều càng tốt. Nếu nói sai, hãy nhờ họ sửa. Có như vậy, chúng ta mới nhận ra lỗi sai và sửa lại cho đúng.
Hi vọng các bạn tiếp tục cố gắng và luôn tìm thấy niềm vui khi thực hành nói tiếng Anh.
Ngọc Lan