Đại Kỷ Nguyên

10 năm qua, Việt Nam đứng đầu thế giới về tốc độ ‘tăng tài sản’

tài sản

Trong giai đoạn 2007-2017, tốc độ tăng tài sản ở Việt Nam đạt mức 210%.

Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2007 đến năm 2017, tốc độ tăng tài sản ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, đạt mức 210% và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 200% trong 10 năm tới.

Theo Market Watch, việc nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng tài sản trong thập kỷ qua.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth chỉ ra tài sản ở Việt Nam tăng 210% trong khoảng thời gian từ giữa năm 2007 đến năm 2017 – tốc độ cao nhất thế giới. Dự báo tốc độ này sẽ tiếp tục tăng thêm 200% trong 10 năm tới.

Điều đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn nhờ vào sự trỗi dậy của tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam – những người sở hữu tài sản đầu tư 30 triệu USD trở lên, không bao gồm tài sản cá nhân và bất động sản như nhà ở chính, bộ sưu tập hay tài sản tiêu dùng.

Báo cáo tài sản của hãng Knight Frank năm 2017 cho thấy Việt Nam có 200 người siêu giàu, tăng 30 người so với năm 2016. Trong 1 thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với mức 170%, lên 540 người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với người nước ngoài. Năm 2018, thành phố Đà Nẵng cũng lần đầu giành được danh hiệu “top 10 điểm sống và đầu tư ở nước ngoài tốt nhất” do tạp chí “Live and Invest Overseas” bình chọn.

Các nhà phân tích cho rằng chi phí lao động thấp và lực lượng lao động chuyên môn hóa cao là chìa khóa đưa Việt Nam lên top đầu chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, đồng thời thu hút lượng lớn vốn FDI.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Oxfarm (liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) cho thấy, riêng trong năm 2017, số lượng tỷ phú trên thế giới cũng tăng nhanh kỷ lục, trung bình cứ hai ngày lại có thêm một tỷ phú. Hiện trên toàn thế giới có 2.043 tỷ phú; trong đó phần lớn là nam giới. Tỷ lệ tài sản mà giới thượng lưu nắm giữ cũng rất lớn và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Ngược lại, hàng tỷ người dân trên toàn cầu đang buộc phải làm thêm giờ, làm việc trong điều kiện nguy hiểm nhưng vẫn không đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống, bao gồm cả tiền chi mua thức ăn và thuốc men. Theo Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam, sự bùng nổ về số lượng tỷ phú không phải là biểu hiện của một nền kinh tế thịnh vượng mà là dấu hiệu của một hệ thống kinh tế thất bại.

Nguyễn Trang

Exit mobile version