Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm 2018 của Việt Nam có nhiều khả năng đạt được khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới tăng 3,59% tính đến hết tháng 11, tức là chỉ một tháng trước khi kết thúc năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI của Việt Nam trong tháng 11 giảm 0,29% so với tháng 10, chủ yếu do 2 đợt giảm giá xăng dầu trong tháng.
Có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá trong tháng 11, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,81%. Cơ quan thống kê cho biết đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 6/11 và 21/11 đã khiến mặt hàng này giảm 4,1%, khiến chỉ số CPI chung giảm 0,17%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64% so với tháng trước, chủ yếu do giá gas giảm 9,18%, giá điện sinh hoạt giảm 0,64% và giá dầu hỏa giảm 0,97%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, cấu phần lớn nhất trong chỉ số CPI, cũng giảm nhẹ 0,14%, trong đó lương thực tăng 0,27% nhưng thực phẩm giảm 0,3%.
Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông cũng giảm 0,06%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đều tăng so với tháng trước, trong đó nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,26%; các nhóm còn lại tăng dưới 0,1%.
Báo cáo cho thấy CPI tháng 11/2018 tăng 3,24% so với cuối năm 2017 và tăng 3,46% so với một năm trước.
Bình quân 11 tháng đầu năm 2018, CPI tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Tổng cục Thống kê cho biết lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá vàng đã giảm 0,81% kể từ đầu năm, trong khi giá USD tăng 2,79%.
Nếu không có biến động bất thường trong tháng 12, lạm phát của Việt Nam trong cả năm có thể được kiểm soát ở mức dưới 4% như mục tiêu được Quốc hội thông qua.
Minh Tuệ (Tổng hợp)