Trong khi hàng nông sản trong nước liên tục rớt giá, có những mặt hàng không có thương lái tới thu mua, giá trị hàng nông sản nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2018 lại tăng tới 11,5%, đạt trị giá gần 1,57 tỷ USD.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 458 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2017; hoa quả nhập khẩu ước đạt 1,09 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoại trừ thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan giảm 17,8% (nhưng vẫn chiếm 41,3% thị phần), các thị trường khác đều tăng mạnh, trong đó tăng nhiều nhất là Chi Lê (tăng 98,3%), Mỹ (tăng 90%), Hàn Quốc (tăng 83%)…
Trong khi các giá trị các mặt hàng rau quả nhập khẩu tăng mạnh, các loại hoa quả trong nước lại liên tục rớt giá.
Cụ thể, nếu như những năm trước đây, bưởi da xanh tại ĐBSCL thường có giá từ 50.000-80.000 đồng/kg, thì nay giá đã giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 32.000-35.000 đồng/kg cho hàng loại 1 và 20.000-25.000 đồng/kg cho hàng loại 2.
Không chỉ bưởi, sầu riêng nghịch vụ tại Tiền Giang cũng đang gặp khó khăn do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Giá sầu riêng nghịch vụ giảm hơn 50% so với năm 2017, chỉ còn khoảng 30.000-35.000 đồng/kg và có khả năng vẫn tiếp tục giảm.
Giá cam sành tại ĐBSCL cũng liên tiếp sụt giảm. Hiện giá cam sành chỉ ở mức 3.000-4.000 đồng/kg mà không có người thu mua.
Tại miền Bắc, Cam Cao Phong, một trong những loại quả đặc sản của tỉnh Hoà Bình, cũng đang đứng trước nguy cơ rớt giá trầm trọng. Nguyên nhân là do người dân mở rộng diện tích trồng khiến sản lượng thu hoạch tăng vọt.
Theo báo Lao Động, từ chỗ giá trên 40.000 đồng/kg, giờ cam Cao Phong gốc trên 5 năm cắt tại vườn giá chỉ còn 15.000 đồng. Những gốc trồng dưới 5 năm, giá chỉ từ 6-10.000 đồng/kg.
(Tổng hợp)