Kể từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng các nhà đầu tư nước ngoài đang rót khoảng 3 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam.
Báo cáo mới của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2.293 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD tính đến ngày 20/11, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, 1.100 lượt dự án FDI cũng đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi nhận 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ 2016.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, bình quân mỗi tháng có khoảng 3 tỷ USD vốn FDI đang đổ vào Việt Nam.
Về con số giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với 11 tháng đầu năm 2016.
Lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo với số vốn đăng ký đạt 14,95 tỷ USD (chiếm 45,2% tổng vốn đăng ký), tiếp đến là sản xuất và phân phối điện với số vốn 8,37 tỷ USD (chiếm 25,3%), và kinh doanh bất động sản với số vốn 2,5 tỷ USD (chiếm 7,6%).
Nhật Bản hiện là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,94 tỷ USD (chiếm 27% tổng vốn đăng ký), Hàn Quốc xếp thứ hai với 8,18 tỷ USD (chiếm 24,7%), và Singapore đứng thứ ba với 4,69 tỷ USD (chiếm 14,2%).
Trong số các tỉnh thành, Thành phố Hồ Chí Minh được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn nhiều nhất với tổng số vốn đăng ký 5,68 tỷ USD (chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Bắc Ninh với 3,28 tỷ USD (chiếm 9,9%), và Thanh Hóa với 3,16 tỷ USD (chiếm 9,5%).
Minh Tuệ