Đại Kỷ Nguyên

1.150 hồ thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng: Bão to lo đập yếu

Khoảng 1.150 hồ chứa thủy lợi bị xuống cấp nghiêm trọng, hoặc thiếu khả năng xả lũ. (Ảnh: Thanh Niên)

Đập bao của hơn nghìn hồ thủy lợi chủ yếu là đắp đất, đã vận hành 30-40 năm và xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… Tình trạng vỡ đập càng trở lên nguy hiểm khi năm 2018 Việt Nam có thể phải gánh chịu nhiều trận bão lớn.

1.150 hồ chứa thủy lợi thiếu khả năng xả lũ

Tại Hội nghị “Quản lý an toàn đập và hồ chứa nước thủy lợi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 28/3, các đại biểu cho rằng, ngoài những giải pháp công trình về tu bổ, nâng cấp các hồ chứa xuống cấp, cần nâng cao năng lực dự báo, chủ động các kịch bản trong ứng phó với thiên tai do mất an toàn đập và hồ chứa thủy lợi có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, hiện nay, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi, phân bố tại 45/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Báo cáo đánh giá chất lượng công trình của các địa phương cho thấy, khoảng 1.150 hồ chứa thủy lợi bị xuống cấp nghiêm trọng, hoặc thiếu khả năng xả lũ.

Qua quá trình vận hành, đập của hồ chứa thủy lợi hầu hết là đập đất, trải qua thời gian 30-40 năm khai thác, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở…

Theo Thanh Niên, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nhận định, năm 2018 mưa lũ, bão còn diễn biến phức tạp.

Dự báo sẽ có từ 12 – 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó khoảng 5 – 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Ông Cường cảnh báo, trong năm nay dự báo có nhiều đợt mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đây sẽ là yếu tố nguy hiểm cho các hồ chứa đang trong tình trạng hư hỏng, mất an toàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan cùng với những yếu tố do phát triển kinh tế dẫn đến nguy cơ mất an toàn đập và hồ chứa thủy lợi có thể xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, kể cả những hồ đập thủy lợi chưa xuống cấp.

Các địa phương trong xây dựng kế hoạch và phương án đảm bảo an toàn hồ chứa phải chú trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng hạ du; thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa.

Thuỷ điện thượng nguồn Mekong làm gia tăng sạt lở ở ĐBSCL

Liên quan đến vấn đề thủy điện, thủy lợi, phòng chống bão lũ, sáng 28/3, ông Nguyễn Trường Sơn – phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Sơn nói: “Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở, bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Song từ năm 2010 đến nay, sạt lở diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của khu vực này”.

Thủy điện trên dòng chính thượng nguồn sông Mekong là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ông Sơn phân tích, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở ĐBSCL là do các nước trên thượng nguồn sông Mekong gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với hạ lưu.

Trong năm 2018, xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, việc xây dựng kế hoạch hành động toàn diện cả quản lý và kỹ thuật cần phải tiến hành ngay từ bây giờ trước khi mọi cố gắng đều trở nên quá muộn.

Khôi Minh

Exit mobile version