Đại Kỷ Nguyên

12 giáo viên kiện Trưởng phòng Giáo dục chấm dứt hợp đồng trái phép

Giáo viên nộp đơn kiện trưởng phòng giáo dục. (Ảnh: Tiền Phong).

Cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động là trái luật, 12 giáo viên đã khởi kiện bà Trương Thị Dân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, để đòi quyền lợi.

TAND huyện Tây Hòa (Phú Yên) vừa ra quyết định đưa vụ việc “Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt HĐLĐ” ra xét xử công khai đầu tháng 2/2018.

Theo đó, 12 giáo viên là nguyên đơn khởi kiện bà Trương Thị Dân vì cho thôi việc trái pháp luật, đồng thời yêu cầu bồi thường tổn thất.

Anh Huỳnh Đức Thành (giáo viên trường THCS Lê Hoàn) cho biết: “Việc Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa cho tôi thôi việc là trái pháp luật, đã gây tổn thất lớn cho tôi về tinh thần. Do đó, bà Dân phải bồi thường cho tôi số tiền bằng 5 tháng lương cơ bản”.

TAND huyện Tây Hòa (Phú Yên) vừa ra quyết định đưa vụ việc “Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại giữa giáo viên với Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa (Ảnh: Tiền Phong)

Cũng như các giáo viên khác, anh Thành đề nghị tòa án yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa chi trả phụ cấp đứng lớp từ năm 2011 đến nay, hủy thông báo thôi hợp đồng làm việc nhận anh vào giảng dạy trở lại và ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định.

Tuy vậy, anh Thành không đồng tình rằng bị đơn trong vụ án dân sự này mà các giáo viên khởi kiện là bà Trương Thị Dân – Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa. Tuy nhiên, tại quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Tây Hòa lại ghi là phòng GD&ĐT.

Trước đó, giữa tháng 8/2017, Phòng Giáo dục Tây Hòa ra thông báo, gửi 51 giáo viên (trong đó 36 giáo viên bị thôi HĐLĐ từ ngày 15/8/2017 và 15 giáo viên còn lại sẽ bị thôi HĐLĐ từ ngày 31/1).

Hầu hết giáo viên này làm việc từ năm 2011 đến nay. Cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng, nhiều người đã gửi đơn khiếu nại, đề nghị giải quyết cho họ được giữ lại giảng dạy lâu dài nhưng không được xem xét.

Anh Lương Văn Chinh – nguyên giáo viên Tin học trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Tây Hòa) – cho biết Phòng Giáo dục huyện Tây Hòa ký với anh đến bốn hợp đồng (1 năm, 3 năm, 1 năm và 1 năm) là sai so với quy định của Luật Lao động.

Các giáo viên nộp đơn kiện trưởng phòng giáo dục (Ảnh: Tiền Phong)

“Lẽ ra, sau hai hợp đồng trước đó, tôi phải được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đáng nói là trong số 51 giáo viên bị ra thông báo cắt hợp đồng lao động, có người đang nuôi con nhỏ… Tuy vậy, họ vẫn bị cắt hợp đồng khiến tinh thần suy sụp”, anh Chinh bức xúc nói.

Ngày 26/9/2017, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp UBND huyện Tây Hòa kiểm tra, rà soát.

Ngoài hai trường hợp là bà Ngô Thị Thu và Trần Thị Hiền đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, còn có trường hợp nào khác mà theo quy định pháp luật không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không? Hướng giải cụ thể đối với các trường hợp này như thế nào? Đồng thời, báo cáo rõ tới thời điểm này đã chấm dứt hợp đồng lao động bao nhiêu trường hợp.

Căn cứ khoản 2, Điều 22 Bộ Luật Lao động, ông Nguyễn Chí Hiến – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – yêu cầu Sở Nội vụ và UBND huyện Tây Hòa có ý kiến và đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với việc ký kết hợp đồng có thời hạn không được vượt quá hai lần. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục huyện Tây Hòa lại ký hợp đồng phần lớn trên hai lần mà không chuyển qua hợp đồng không xác định thời hạn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát việc giải quyết các chế độ cho những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đã đúng và đảm bảo theo quy định pháp luật chưa?

Hoàng Kỳ

Exit mobile version