Hàng loạt người dân từ thành thị tới nông thôn trên phạm vi cả nước sẽ có cơ hội tiếp cận với gói cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà. Đây là gói vay tiêu dùng được người dân và cả các đại gia đón chờ.
Sơ bộ 5.000 tỷ
Ngày 3/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở nhà xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH).
Theo đó, Chính phủ bố trí nguồn vốn 500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Theo kế hoạch phê duyệt từ nay đến 2020, Chính phủ sẽ cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.163 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ tự huy động một lượng vốn tương đương để thực hiện cho vay trong giai đoạn này khoảng 2.320 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018 khoản vốn cho vay là 500 tỷ đồng.
Trên thực tế, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, qua tổng hợp nhanh nhu cầu vốn cho gói cho vay mới, riêng năm nay là 5.000 tỷ đồng. Nếu kế hoạch tới 2020 thì tổng nhu cầu lên tới 19.000 tỷ đồng.
Số tiền tạm thời sẽ được phân bổ cho các địa phương theo tỷ lệ, cao nhất 50 tỷ và thấp nhất 10 tỷ: Hà Nội 50 tỷ đồng, TP.HCM 50 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng, Bắc Giang 30 tỷ đồng, Lai Châu 19 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng, Nghệ An 10 tỷ đồng,…
Như vậy, đây là gói cho vay nhà ở xã hội thứ hai sau gói 30 ngàn tỷ đồng đưa ra hồi năm 2013 – một gói cho vay nằm giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu của doanh nghiệp và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở sau giai đoạn thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng.
Trong gói 30 ngàn tỷ kéo dài vài năm qua, khoảng 70% hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2017; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương khoảng 9 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Riêng tại TP.HCM, đã có 10.300 đối tượng được vay gói này với tổng số tiền được vay đạt hơn 7 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, gói tín dụng mới mang tính nhân văn rất cao. Đây cũng là chương trình đầu tiên có chủ trương từ Quốc hội. Dự án tín dụng nhắm các hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ thu nhập thấp ở đô thị.
Theo ông Lý, đối tượng được vay vốn lần này rộng hơn gói trước, bao gồm:
- Người có công với cách mạng theo quy định;
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị;
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Mạnh Tiến