Thừa ý tưởng thiếu chiến lược, ôm đồm nhiều việc và sợ thất bại, ngại đổi thay là những cái bẫy “chết người” khiến nhiều startup chết yểu.
Thời đại công nghệ bùng nổ, các công ty khởi nghiệp (startup) cùng vì thế mà tăng theo. Tuy nhiên, theo khảo sát của Business Employment Dynamics, chỉ gần 50% trong số công ty khởi nghiệp có thể trụ vững đến năm thứ 5, và có rất ít công ty có thể thành công và nổi tiếng.
Thiếu vốn, đánh giá thấp năng lực cạnh tranh của đối thủ, hiểu sai thị trường… thường là những lý do được các doanh nhân đưa ra cho “cái chết” của các startup. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự sụp đổ của các startup không đơn thuần là những yếu tố kể trên mà còn xuất phát từ 3 cái bẫy “chết người” mà ít ai ngờ tới.
Thừa ý tưởng, thiếu chiến lược
Ý tưởng tốt là điều kiện cần để có thể phát triển kinh doanh. Nhưng ý tưởng thôi chưa đủ, để có thể hoạt động ổn định và thành công các startup cần phải có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn.
Theo số liệu từ báo cáo Business Employment Dynamics, một phần ba trong số các công ty khởi nghiệp đã “chết yểu” trong 2 năm đầu tiên. Đây là giai đoạn mà ý tưởng và nhiệt huyết khởi nghiệp của startup đầy tràn, song kế hoạch lâu dài lại chưa được trọn vẹn. Thế nên, việc biến ý tưởng xuất sắc ban đầu trở thành một bản kế hoạch mang tính chiến lược về lâu dài là cực kỳ quan trọng.
Chiến lược kinh doanh được hoạch định một cách kỹ lưỡng và chi tiết bao nhiêu thì sẽ giúp lấp đi những lỗ hổng không đáng có trong quá trình marketing, sản xuất và phân phối bấy nhiêu. Một kế hoạch kinh doanh cụ thể cũng giúp startup phát hiện ra các đối thủ có thể sẽ cạnh tranh với bạn, đồng thời hé lộ nhiều cơ hội bất ngờ.
Ôm đồm quá nhiều việc một lúc
Nhiều người khi khởi nghiệp thường ôm đồm nhiều công việc một lúc. Đa nhiệm là tốt, nhưng đôi khi đa nhiệm lại trở thành cái bẫy đẩy một startup tới bờ vực phá sản.
Điều hành một doanh nghiệp thực sự là công việc bất khả thi đối với những ai chỉ muốn ôm đồm mọi thứ một mình. Thay vì “tham chiến” trên mọi mặt trận, hãy tập trung vào những việc mà bạn thực sự làm tốt và phát huy tối đa điểm mạnh của mình.
Sợ thất bại và ngại đổi thay
Trên con đường khởi nghiệp, nhiều startup thường ôm khư khư ý tưởng ban đầu của mình mà không chú ý quan sát những cơ hội mới đến. Cơ hội này có thể là những sản phẩm hoặc phân khúc thị trường mới.
Trên thực tế, hành trình kinh doanh của các doanh nghiệp thường trải qua những sự thay đổi, đôi khi là thất bại. Chỉ khi dám đối mặt với thất bại và chịu khó thay đổi chính mình thì cơ hội thành công mới có thể mỉm cười. Ví dụ, trước khi đưa Macy’s trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, nhà sáng lập của hãng – Rowland Hussey Macy – đã từng có thời gian cố gắng mở 4 cửa hàng bán thực phẩm khô trong hơn 10 năm nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
NguyễnThu