“Một thức nhận về văn hóa Việt Nam”, “Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp”, soạn lại “Thần thoại Hy Lạp” là ba công trình mới ra mắt của nhà nghiên cứu Phan Ngọc.
Cuốn sách dày hơn 500 trang của nhà nghiên cứu Phan Ngọc với nội dung giới thiệu về văn hóa đất nước hình chữ S. Tác phẩm mang giá trị lịch sử và văn chương, giúp người đọc có cái nhìn bao quát, thấu hiểu đường lối văn hóa trong lịch sử – hiện tại, từ đó đổi mới, nâng cao nhận thức ở từng cá nhân, phù hợp với hoàn cảnh hội nhập quốc tế.
Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp gồm 8 chương, xoay quanh những quan điểm giao lưu văn hóa với các nền văn hóa khác như phương Tây hay văn hóa Trung Hoa…Từ đó, tác giả đưa ra mở đề về sự tiếp thu phù hợp với văn hóa, lịch sử của Việt Nam, sẵn sàng hòa nhập nhưng không hòa tan.
Thần thoại Hy Lạp là tác phẩm do Phan Ngọc làm soạn giả. Cuốn sách kể về nguồn gốc vũ trụ, loài người, lịch sử các thành bang và bộ tộc Hy Lạp… Tác phẩm là cơ sở của tôn giáo, nền tảng của văn học, nghệ thuật của đất nước bản địa và bộ phận không thể thiếu của văn hóa châu Âu.
Trong cuốn sách, soạn giả trình bày những thần thoại được người La Mã tiếp thu và phát triển. Sách cũng giới thiệu một số trường ca, anh hùng ca tiêu biểu như Iliad, Odyssey của Homer, Thần phổ của Hesiod, Prometheus bị xiềng của Elsin, Oedipus làm vua của Sophocles…
Để tiện cho việc theo dõi, sách chia ra các mục về các thần, các anh hùng và truyền thuyết liên hoàn. Trong lần in lại này, sách có bổ sung nhiều chuyện, mỗi chuyện thêm chi tiết từ tác phẩm nổi tiếng của văn học Hy Lạp, La Mã, gần gũi hơn với nguyên tác.
Nhà nghiên cứu Phan ngọc (sinh năm 1925, Nghệ An). Tuy chỉ có bằng tú tài thời Pháp thuộc, vốn kiến thức của ông chủ yếu được bồi đắp khi tự học. Miệt mài học hỏi, nghiên cứu, ông trở thành dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Công trình tiêu biểu: Văn hóa Việt Nam, Cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985)… |
Nguyễn Hiệp