Trước tình trạng nhiều người đổ xô mua đất nền tại các vùng sắp thành đặc khu kinh tế, lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo rằng các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sắp lên đặc khu đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, mua bán đất nền, dẫn đến tình trạng giá đất tăng đột biến.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy hiện sản phẩm được giao dịch chủ yếu tại Vân Đồn là đất nền và đất thổ cư ở các vị trí trung tâm.
Theo thống kê, tổng lượng giao dịch loại hình sản phẩm này tính trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 800 giao dịch. Sản phẩm được giao dịch chủ yếu từ các dự án có pháp lý và quy hoạch rõ ràng.
Trước tình trạng nhà đầu tư đổ xô vào “săn” đất nền các vùng sắp lên đặc khu, tại tọa đàm “Đất nền nóng sốt, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư” tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đã nêu ra 3 rủi ro mà các nhà đầu tư phải đối mặt.
Thứ nhất, nhà đầu tư và các nhà đầu cơ chắc chắn sẽ bị mua cao hơn giá trị thực bởi hầu hết các khu này đều chưa có sự đầu tư của nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhiều.
Theo ông Đính, giá trị đất đai thường tăng theo giá trị đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, các khu Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong nhìn chung hạ tầng còn chưa đầy đủ và đang trong giai đoạn đầu. Vì vậy, giá trị đất đai chưa thể cao như các khu đã được hoàn thiện đầy đủ hạ tầng.
“Việc chưa có đầu tư đã phải mua đất giá cao, điều này cho thấy rủi ro về giá trị. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư luôn đẩy giá với hy vọng bán lại cho người khác. Điều này có thể có lợi trong giai đoạn đầu nhưng những người đến sau sẽ chịu nhiều rủi ro”, ông Đính phân tích.
Thứ hai là rủi ro pháp lý. Việc mua bán đất ở các khu vực này hầu như đều chưa đúng quy định, dẫn tới rủi ro cho người mua nhà.
Thứ ba, các khu vực này phần lớn đất chưa được quy hoạch, do đó rủi ro đất của người mua nhà sẽ bị vướng quy hoạch.
Đối với thị trường bất động sản nói chung, việc sốt đất sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro về “bong bóng” tại các khu vực này vì giá đẩy lên cao vượt giá trị thực.
Ngoài ra, nó còn tạo ra khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý, quy hoạch. Bên cạnh đó, bất động sản tại các khu vực này sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, TS. Huỳnh Thế Du, thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định đất đang sốt tức là “bom” đang chờ.
Theo ông Du, giá đất tăng nóng thời gian qua chủ yếu vẫn xuất phát từ tâm lý đám đông, nhiều người thấy thị trường lên thì đổ xô đi mua tiếp. Nhu cầu tăng vọt dẫn đến giá đất tăng theo. Lúc này, các nhà đầu tư lại thấy họ nhận định thị trường đúng nên tiếp tục đổ tiền đi mua nữa, người chưa mua được cũng tìm cách để mua vì cho rằng đất sẽ còn lên cao. Tâm lý dồn sóng này đến một lúc sẽ tạo ra bong bóng thị trường bất động sản, trong khi nhu cầu để ở lại không có.
Liên quan đến câu hỏi vì sao trong các cơn sốt đất, nhiều người vẫn lao vào dù đã có cảnh báo, ông Du cho rằng không ít người thấy cơn sốt đất và hiểu hệ lụy của nó nhưng ai cũng nghĩ mình thông minh hơn, cơ hội luôn có miễn sao trước khi bong bóng thị trường nổ ra mà bán được thì vẫn có lời. Tuy nhiên, họ quên rằng mình đang ôm “bom”, để nó nổ là chết và không ai đoán được khi nào bong bóng sẽ nổ.
Nguyễn Trang