Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi 6 tháng đầu năm 2018 đạt 20,45 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam.
Việc nâng tỷ lệ sử dụng C/O từ 10% trong những năm đầu thực hiện FTA lên 38% như hiện nay thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi FTA, theo Cục Xuất nhập khẩu.
Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA, thị trường Chile hiện đứng đầu với tỷ lệ sử dụng C/O mẫu VC là 68%. Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu AK/VK là 56%. Thị trường Ấn Độ tiếp tục đứng ở vị trí thứ ba với tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu AI là 44%. Nhật Bản xếp vị trí thứ tư với tỷ lệ sử dụng C/O mẫu AJ/VJ là 37%.
Về kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi, đứng đầu là C/O mẫu E, đạt 5,5 tỷ USD cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó là C/O mẫu AK và VK, đạt 4,9 tỷ USD đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ ba là C/O mẫu D, đạt 4,1 tỷ USD của hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA rất tốt, do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô/sơ chế và quy tắc Hàm lượng Giá trị Khu vực (RVC) hoặc Chuyển đổi mã số HS (CTC) đối với nông sản có hàm lượng chế biến sâu.
Với công nghiệp, một số mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi rất cao, nhưng số khác có tỷ lệ sử dụng C/O còn thấp. Theo Cục Xuất nhập khẩu, nhóm hàng công nghiệp chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ phức tạp.
Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tận dụng hiệu quả cơ hội gia tăng xuất khẩu từ việc sử dụng C/O ưu đãi.
Tuệ Minh