Sơ đồ chiến thuật là thứ luôn thay đổi theo dòng chảy bóng đá, hiếm có một đội bóng nào có thể sử dụng môt sơ đồ duy nhất trong mọi trận đấu. Không có khái niệm hoàn hảo mà các sơ đồ thường phụ thuộc vào tư duy của huấn luyện trưởng và tình trạng hiện tại của mỗi đội bóng.
1. Sơ đồ 4-4-2 (hay biến thể 4-4-1-1)
Đây là sơ đồ rất quen thuộc với các đội bóng Anh và vẫn phổ biến hiện nay ở nhiều đội bóng khác ở châu Âu bởi tính cân bằng khá tốt trong cả khâu phòng ngự và tấn công (thực chất đây là một biến thể của sơ đồ phòng ngự – phản công), điển hình là câu lạc bộ Aletico Madrid.
Đội hình bao gồm thủ môn, 4 cầu thủ phòng ngự (2 trung vệ và 2 hậu vệ cánh), 4 tiền vệ (2 tiền vệ trung tâm và 2 cánh), hàng tiền đạo gồm 1 trung phong và 1 hộ công. Tầm hoạt động chính của cầu thủ hộ công là ở giữa hàng thủ và tiền vệ của đối phương nên theo lý thuyết, cầu thủ này sẽ có nhiều thời gian và khoảng trống hơn khi xử lý bóng so với các vị trí khác. Hai tiền vệ cánh và 2 hậu vệ cánh cũng dâng cao tham gia hỗ trợ tấn công nhằm tăng sức ép lên hàng thủ đối phương.
Ưu điểm:
Việc sử dụng 2 tiền đạo giúp giảm tải nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tấn công nhưng 1 trong 2 tiền đạo phía trên phải là những người có kỹ thuật tốt cũng như xử lý tình huống và tận dụng tốt những cơ hội có được từ những tình huống không chiến hoặc sút phạt trực tiếp.
Với 2 tiền vệ cánh và 2 tiền vệ cánh thì sơ đồ 4-4-2 cho phép thực hiện hững quả tạt bóng từ biên, có thể bổng hoặc sệt thường xuyên nhằm tận dụng khả năng chớp thời cơ hay không chiến của các cầu thủ nhanh nhẹn hoặc có thể hình vượt trội. Ngoài ra cự ly đội hình hợp lý cũng có thể kéo dãn đội hình đối phương tạo điều kiện tốt cho việc tấn công.
Sơ đồ khắc chế: Hiện tại 4-4-2 đã lỗi thời và không thể khắc chế bất cứ đội hình nào khác. Dù vậy, nếu có 2 tiền đạo có thể hoạt động độc lập và chịu khó chơi Pressing thì vẫn có thể gây áp lực lên hàng thủ 3 người hoặc 4 người.
Nhược điểm:
Tuy có khả năng giữ cự ly đội hình hợp lý nhưng 4-4-2 dễ bị bắt bài và thiếu sự linh hoạt. Tuyến tiền vệ phải chịu sức ép về cả việc tấn công lẫn phòng ngự nên khi các tiền vệ mất tập trung hoặc đuối sức thì đây là một vấn đề không hề nhỏ. Bên cạnh đó, hai tiền vệ trung tâm không thể thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ là đánh chặn và phân phối bóng, bắt buộc phải có 1 người đánh chặn và 1 người thu hồi, phân phối bóng.
Hộ công phải có khả năng cầm bóng tốt, kỹ thuật cá nhân khéo, tốc độ, nhãn quan chiến thuật nhạy bén, không những kiến tạo cơ hội làm bàn cho trung phong mà còn cần có khả năng dứt điểm như một tiền đạo thực thụ khi có thời cơ. Ngoài ra hành lang 2 cánh cũng có thể trở thành “tử huyệt” nếu các đội bóng sử dụng sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-2-3-1 có các cầu thủ chạy cánh có cánh có khả năng đi bóng đột phá vào trung lộ và tìm kiếm khoảng trống giữa hậu vệ và trung vệ.
2. Sơ đồ 4-3-3
Đây là đội hình phổ biến nhất hiện nay với vai trò chính là tấn công tổng lực. Sơ đồ chiến thuật gồm thủ môn, 4 cầu thủ phòng ngự (2 trung vệ và 2 hậu vệ cánh), tuyến giữa gồm 3 tiền vệ (1 trung tâm và 2 cánh) và 3 tiền đạo.
Ưu điểm:
Với 2 tiền đạo có khả năng chơi dãn biên, những đội bóng sử dụng sơ đồ 4-3-3 có thể khai thác khoảng trống mà các hậu vệ đối phương để lại khi dâng cao tấn công nhằm chế tối đa việc hỗ trợ tấn công bên phía đối phương và dễ dàng áp đặt thế trận 1 chiều.
Với 3 tiền vệ giữa sân gồm 1 phòng ngự và 2 con thoi sẽ giúp kiểm soát thế trận tốt hơn, cho phép các hậu vệ biên dâng cao tấn công và bọc lót cho đồng đội rất tốt phía sau khi bị phản công. Ngoài ra, khi chịu áp lực lớn hoặc tấn công không hiệu quả, sơ đồ 4-3-3 có thể chuyển về 4-1-4-1 nhằm giảm nhịp độ trận đấu hoặc giảm thiểu tối đa khả năng bị dính chiêu “hồi mã thương”.
Sơ đồ khắc chế: Với 3 tiền vệ tuyến giữa, sơ đồ 4-3-3 dễ dàng áp đảo 2 tiền vệ trung tâm của sơ đồ 4-4-2, ngoài ra với 3 tiền đạo sẽ khai thác tốt khoảng trống để lại khi các hậu vệ dâng cao.
Nhược điểm:
Để có thể vận hành trơn tru sơ đồ 4 -3 -3, đặc biệt cần có một cá nhân chơi đầu óc, xác định vị trí, đọc tình huống trận tốt và chịu khó di chuyển hỗ trợ đồng đội như Sergio Busquet (Barcelona), Luka Morid ( Real Madrid) hay Micheal Carrick (Manchester United)…. Ngoài ra, các đội bóng cần có 1 tiền đạo ở giữa để lấp khoảng trống và 1 tiền vệ phòng ngự cực tốt, nếu 2 vị trí trên mà gặp vấn đề thì thế trận sẽ sụp đổ.
3. Sơ đồ 4 -2 -3 -1
Cũng giống như sơ đồ 4-3-3, sơ đồ 4-2-3-1 cũng phổ biến hiện nay trong bóng đá hiện đại khả năng cơ động và linh hoạt trong khi vận hành. Sơ đồ chiến thuật gồm thủ môn, 4 cầu thủ phòng ngự (2 trung vệ và 2 hậu vệ cánh), 2 tiền vệ trung tâm, 3 hộ công (trong đó có 1 người chơi ở vị trí số “10”) và 1 trung phong cắm duy nhất.
Ưu điểm:
Điểm nổi bật của sơ đồ này là chuyền bóng tam giác, luôn hiệu quả hơn so với việc chuyền thẳng, giúp kéo dãn đội hình đối phương tạo khoảng trống cho việc tấn công và tâm điểm phối hợp chéo giữa 1 tiền vệ trung tâm với 3 tiền vệ công phía trên.
Với sư linh hoạt và cơ động của các vị trí cùng cự ly đội hình hoàn hảo thì đội hình 4-2-3-1 rất khó bị lấn át, đặc biệt là khu vực giữa sân. Nó có thể luân chuyển giữa tấn công và phòng ngự nhanh chóng nhờ số lượng cầu thủ ở giữa sân lớn và cho phép 1 người lùi sâu về tham gia phòng ngự khi phản công nhanh và bất ngờ cũng như tạo cơ hội cho các tiền đạo cắm có vô phương án cùng cơ hội ghi bàn.
Nhược điểm:
Để có thể chơi được sơ đồ này, đòi hỏi các cầu thủ phải có thể lực sung mãn và dẻo dai để di chuyển liên tục, các tiền vệ công hay thậm chí tiền đạo phải lùi sâu nhận bóng và hoạt động với cường độ cao mới mong làm xáo trộn được tuyến giữa và hàng thủ đối phương hoặc tiền đạo phải là người nhanh nhẹn, tỳ đè tốt và có khả năng chớp thời cơ.
Ngoài ra, 2 cầu thủ tấn công biên không chỉ tham gia tấn công mà còn phải thường xuyên lui về phòng ngự khi mất bóng nhằm giảm sức ép cho hàng thủ theo yêu cầu của huấn luyện viên trưởng dẫn đến cường độ cùng khả năng tấn công của các cầu thủ phía trên cũng giảm sút.
Sơ đồ khắc chế: Những đường chuyền tam giác trong sơ đồ 4-3-3 thật sự là cơn ác mộng với những ai sử dụng sơ đồ 4 -4-2, tuyến giữa dàn hàng ngang 4 người của 4-4-2 để lộ ra nhiều khoảng trống và khó bọc lót hơn tuyến giữa 2 lớp của sơ đồ 4-2-3-1.
4. Sơ đồ 4-5-1 ( hay biến thể 4-4-1-1)
Đây là sơ đồ phòng ngự triệt để thường thấy ở các đội bóng yếu thế khi đối đầu các “ông lớn” hay những đội bóng thiếu hụt nhân sự do các cầu thủ gặp chấn thương triền miên. Sơ đồ đội hình gồm thủ môn, 4 cầu thủ phòng ngự (2 trung vệ và 2 hậu vệ biên), 5 tiền vệ giữa sân (2 tiền vệ trung tâm, 1 tiền vệ trụ và 2 tiền vệ cánh) và 1 tiền đạo cắm duy nhất.
Ưu điểm:
Với nhân sự dày đặc khu vực giữa sân, sơ đồ này đủ sức giành quyền kiểm soát thế trận với các sơ đồ còn lại, đôi khi bạn còn thấy hàng tiền vệ lùi sâu hoặc tiền đạo duy nhất lùi về khu vực giữa sân tạo thành sơ đồ 4-6-0 hoặc 9-1-0, dựng lên “bức tường bê tông dày đặc” hay “xe buýt 2 tầng nằm ngang” khiến đối thủ cực kỳ khó trong việc tạo đột phá tiếp cận khung thành.
Sơ đồ nay cũng có thể chuyển sang thế công khi cần thiết: “Chỉ cần đẩy 2 tiền vệ cánh lên cao thì nó lập tức trở thành sơ đồ tấn công tổng lực 4-3-3”. Thực chất, nhiều đội bóng có xu hướng chuyển về sơ đồ 4-5-1 sau khi có bàn thắng dẫn trước để làm giảm nhịp độ trận đấu và tìm kiếm cơ hội tiếp theo.
Nhược điểm:
Vì quá tập trung kiểm soát khu vực giữa sân lại gây bất lợi cho tiền đạo phía trên và cô lập họ với tuyến tiền vệ. Ngay cả khi bị thủng lưới trước, các tiền vệ không sẵn sàng dâng cao tấn công vì sợ bị phản công khiến toàn bộ hệ thống vận hành bế tắc.
Ngoài ra, việc phản công nhanh cũng khó có thể thực hiện bởi đội hình rất thấp và khoảng cách không đồng đều, các tiền đạo khi có bóng phải mất một thời gian giữ bóng để chờ các tiền vệ dâng cao nên các cầu thủ phòng ngự đối phương đủ thời gian lui về sân nhà, do vậy làm mất đi tính đột biến hay tốc độ của pha tấn công.
Sơ đồ khắc chế: Ba cầu thủ chơi trung tâm trong 4-5-1 sẽ dễ dàng bắt chết 3 tiền vệ của 4-3-3, trong khi những tiền vệ biên của 4-5-1 sẽ hạn chế tối đa tầm hoạt động của các tiền đạo cánh trong 4-3-3.
5. Sơ đồ 3-5-2 (hay biến thể 3-4 -3)
Có thể nói rằng đây là sơ đồ công thủ toàn diện trong bóng đá. Sơ đồ chiến thuật gồm thủ môn, 3 cầu thủ phòng ngự (1 trung vệ và 2 hậu vệ biên), 5 tiền vệ giữ sân (2 tiền vệ cánh, 2 tiền vệ trung tâm, 1 hộ công hoặc 1 tiền vệ trụ) cùng 2 tiền đạo trên cùng.
Ưu điểm:
Nếu muốn ngăn cản đối phương phản công nhanh thì 3-5-2 chính là giải pháp tối ưu. Bộ 3 phòng ngự đủ sức phối hợp để chia cắt cầu thủ số “10” với các tiền đạo bên phía đối phương, còn các cầu thủ chạy cánh hạn chế không gian hoạt động bên phía đội bạn. Khi cần phòng ngự hay tấn công, 1 trong 3 tiền vệ ở giữa lùi về trụ để bọc lót cho các cầu thủ cánh hoặc tiến lên hộ công cho 2 tiền đạo bên trên.
Đồng thời, khi tổ chức phản công 3-5-2 cũng khá lợi hại. Bộ 3 tiền vệ cũng như 2 cầu thủ bám biên có thể tấn công theo nhiều phương án như bật ban trung lộ , đánh dọc biên và 2 tiền đạo có thể tự tạo cơ hội cho mình.
Nhược điểm:
Tính phức tạp của 3-5-2 đòi hỏi những tình huống bọc lót và khởi động các pha tấn công, không chỉ là kỹ thuật cá nhân mà còn là sự ăn ý giữa các cầu thủ. Về cơ bản cần có một người là nhạc trưởng có khả năng đọc trận đấu và phân phối bóng tốt, trong 3 cầu thủ phòng ngự cần có 1 người chuyền bóng giỏi, 2 người còn lại phải theo kèm người tốt và sự tập trung cao độ vì khoảng trống nhiều.
Nói chung, sơ đồ 3 cầu thủ phòng ngự vẫn có thể phòng ngự tốt nếu các cầu thủ xác định vị trí cùng tốc độ để theo kèm nhằm lấp đi khoảng trống.
Sơ đồ khắc chế: 3-5-2 là sơ đồ hiếm hoi có thể khắc chế 4-5-1 nhờ nhân lực đồng đều khu vực giữa sân. Vì chỉ 1 tiền đạo duy nhất cho phép các hậu vệ dâng cao hỗ trợ tuyến tiền vệ khi đội nhà đang nắm thế chủ động.
Vậy theo bạn, sơ đồ chiến thuật nào vượt trội nhất? Có còn sơ đồ nào khác 5 sơ đồ trên có thể tạo ra sự khác biệt hơn không?
Sơn Tùng