Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đe dọa hoạt động xuất khẩu của nước này. Khi bị Mỹ đánh thuế, áp lực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ còn nặng nề hơn.
Để đối phó với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và các biện pháp thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa, đồng thời để cho đồng Nhân dân tệ suy yếu để kích thích xuất khẩu.
Dưới đây 10 biểu đồ cho thấy 5 vấn đề lớn kinh tế Trung Quốc đang đối mặt và các biện pháp phản ứng của Bắc Kinh theo tổng hợp của hãng tin Financial Times.
Vấn đề: Đầu tư giảm
Đầu tư vào các tài sản cố định như nhà ở, công xưởng và cơ sở hạ tầng vẫn chiếm cấu phần lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc, dù nước này đang tái cân bằng theo hướng tập trung vào tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng.
Sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017, chi tiêu cho xây dựng đường bộ, đường sắt và hệ thống thoát nước đã suy giảm phần nào do các chính quyền địa phương phải hạn chế đi vay.
Để đối phó, hồi tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã chỉ thị cho các chính quyền địa phương đẩy nhanh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, với nguồn vốn huy động từ việc bán một loại trái phiếu mới chuyên để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng. Kể từ đó, loại trái phiếu này đã tràn ngập thị trường mặc dù lượng phát hành đã giảm mạnh trong tháng 10.
Vấn đề: Tín dụng giảm
Một chiến dịch mạnh tay nhằm kiểm soát đống nợ khổng lồ của Trung Quốc và những rủi ro tài chính phát sinh khiến dòng tiền cho vay giảm mạnh, đặc biệt là hoạt động ngân hàng ngầm.
Các điều kiện cho vay khắt khe hơn đã góp phần khiến nền kinh tế bị o bế. Các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn hơn trong điều kiện tài chính thắt chặt, và ít nhất 10 tập đoàn kinh tế tư nhân đã bị quốc hữu hóa kể từ đầu năm nay.
Để đối phó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nới lỏng chính sách bằng cách hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng 3 lần trong năm nay và tiến hành bơm tiền mặt thông qua nghiệp vụ thị trường mở, theo đó kéo lãi suất xuống.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, PBoC đã tăng cường cấp vốn cho các ngân hàng chuyên cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hoạt động cho vay vẫn yếu trong tháng 10, khiến các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Vấn đề: Tiêu dùng yếu
Tiêu dùng giờ đây được Trung Quốc xác định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và đã đóng góp 78% vào GDP trong 9 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, thị trường nhà đất chững lại, nợ của các hộ gia đình tăng và tiền lương tăng chậm đang kìm hãm sức tiêu dùng của người dân.
Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 5 đạt mức thấp nhất kỷ lục và sang đến tháng 10 vẫn ở gần mức đáy đó. Doanh số bán ô tô cũng giảm tốc mạnh.
Để đối phó, Trung Quốc đã thực hiện biện pháp giảm thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy tiêu dùng. Theo tính toán của ngân hàng Deutsche Bank, việc cắt giảm thuế, có hiệu lực vào tháng 1/2019, có thể sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ tăng khoảng 1%.
Vấn đề: Chiến tranh thương mại
Tổng thống Donald Trump đã cho đánh thuế với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong năm nay. Dù xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trong tháng 10/2018, nhưng điều này được cho là do các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy nhanh xuất khẩu sang Mỹ để tránh việc thuế sẽ tăng từ 10% lên 25% vào đầu năm tới.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm trong thời gian tới do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Để đối phó, Trung Quốc đã để đồng Nhân dân tệ suy yếu, khiến đồng tiền này mất giá 6,3% so với đồng USD kể từ đầu năm 2018 đến nay và giảm giá 2,6% so với một giỏ các đồng tiền chủ chốt.
Để ngăn đồng nội tệ suy yếu quá mức, ngân hàng trung ương Trung Quốc trong tháng 10 đã chi khoảng 32 tỷ USD để can thiệp, số tiền can thiệp hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1/2017.
Vấn đề: Thị trường chứng khoán sa sút
Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc, theo dõi các cổ phiếu blue-chip giao dịch trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi vào giữa tháng 10 vừa qua. Dù đã phục hồi nhẹ, nhưng chỉ số này vẫn đã mất 20,5% so với đầu năm 2018.
Tình hình hiện vẫn u ám khi Trung Quốc đang có 4,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (618 tỷ USD) cổ phiếu đã được cầm cố cho các khoản vay thế chấp tính đến giữa tháng 10/2018. Một làn sóng bán cổ phiếu giải chấp để thu hồi nợ đang có nguy cơ đè bẹp thị trường.
Để đối phó, 11 công ty chứng khoán thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã cam kết dành 21 tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ khách hàng vay và ngăn chặn hoạt động giải chấp. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm quốc doanh và các tổ chức khác cũng đang vào cuộc và có thể nâng giá trị của gói cho vay này lên 100 tỷ Nhân dân tệ.
Minh Tuệ