Tròn 50 năm xảy ra cuộc thảm sát Sơn Viên (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), hơn 40 người Hàn Quốc là giáo sư, thầy thuốc, giáo viên, nông dân, nghệ sỹ, nhà hoạt động xã hội… đã về nhà một nhân chứng, cũng là nạn nhân trong sự kiện đau thương này để được nói lời xin lỗi.
Chiều 10/3, 40 người Hàn Quốc đã tìm về gia đình ông Nguyễn Tấn Quý (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) – nhân chứng trong vụ thảm sát. Biết đoàn Hàn Quốc, gồm những thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn – Việt đến thăm, ông Quý và người trong nhà nghỉ việc đồng, chuẩn bị ấm nước, chỗ ngồi để đón khách.
Vào chiều 10/3 kể, ngôi nhà, khoảng sân nhỏ nhà ông Quý chật kín người. Những vị khách chủ động sắp xếp chỗ ngồi, chăm chú lắng nghe, ghi chép câu chuyện của nhân chứng.
Câu chuyện bi thương với người dân Sơn Viên đã qua nửa thế kỷ được ông Quý kể lại bằng giọng chậm, từ tốn trong kìm nén. 50 năm trước, ông Quý là anh du kích 25 tuổi, phải tận mắt chứng kiến vụ thảm sát kinh hoàng do lính Nam Hàn gây ra, khiến hơn 40 người dân trong làng chết oan ức. Ngày tang tóc đó là 3/10/1969 (âm lịch), theo Tiền Phong.
Cả thôn Sơn Viên trắng tang, cánh đồng làng tràn mộ mới. Riêng ông Quý mất cùng lúc 5 người thân là mẹ, vợ, 2 người con và một đứa cháu vẫn chưa kịp chào đời.
Chủ nhà kể chậm rãi, như tự sự với mình, còn hàng chục vị khách vừa nghe, vừa lau nước mắt. Bà Yim Mae Hwa (65 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch) nghẹn ngào nói về nhân quả báo ứng, về sự thống khổ mà anh họ bà – người từng là lính Nam Hàn phải nhận. “Tôi chưa nghe anh ấy kể câu chuyện này. Thế nhưng sau khi đi lính trở về, anh ấy đã trải qua cả nỗi đau thể xác và sự dằn vặt về tinh thần. Gia đình cũng không hạnh phúc”, bà nói.
Ông Kang U Il – Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt cúi đầu trước đài tưởng niệm, mái tóc bạc xòa trong gió chiều xứ Quảng , buồn bã nói không thể tưởng tượng nỗi những nỗi đau mà các gia đình nạn nhân đã phải trải qua như thế nào.
“Đây là nỗi đau mà chúng tôi bây giờ khi nghe lại vẫn có thể cảm nhận được, nó nhói lên từng hồi. Chúng tôi chỉ thấy một nỗi mặc cảm về tội lỗi dâng lên, muốn nói xin lỗi mà khó nói thành lời”, ông Kang U Il nghẹn giọng.
Những vị khách Hàn Quốc được ông Quý đưa đi thăm mộ. Dưới nền cát trắng, là nơi yên nghỉ của hàng chục người dân Sơn Viên , mộ bia họ có tên, hoặc vô danh bởi phải bỏ mạng từ trong bụng mẹ. Những vị khách Hàn Quốc không còn dấm dứt nữa, họ òa lên, có người ôm lấy ông Quý nghẹn ngào nói lời xin lỗi.
“Chúng tôi chỉ thấy một nỗi mặc cảm về tội lỗi dâng lên, muốn nói xin lỗi mà khó nói thành lời” – ông Kang U Il – Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt nói, |
Ông Quý khẽ vỗ nhẹ lên vai vị khách rồi ngước lên nhìn thẳng về phía những người đối diện, nói: “Quá khứ đau thương đó chúng tôi khó có thể quên.
Nhưng hôm nay các bạn đã đến đây và nói lời xin lỗi. Tôi chỉ mong rằng thế hệ tiếp sau khi đã hiểu được về lịch sử xem đó như bài học, từ đó mà hướng đến xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn”.
Cùng ngày, đoàn công tác của Quỹ hòa bình Hàn – Việt đã đến làng Phong Nhất, Phong Nhị (huyện Điện Bàn) tìm gặp những thân nhân cùng nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra cách đây 50 năm để gửi lời xin lỗi, theo Tuổi Trẻ.
Tại đài tưởng niệm 74 nạn nhân trong vụ thảm sát ở Điện An (thị xã Điện Bàn), các thành viên đã nghe kể lại sự việc đau xót do lính lữ đoàn Rồng Xanh, Hàn Quốc gây ra.
Cách đây 50 năm, vào ngày 2/2/1968, tại khu vực làng Phong Nhất và Phong Nhị, nay thuộc phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, các đơn vị quân đội Hàn Quốc đã thảm sát hàng loạt dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trong vụ thảm sát này, 74 người dân vô tội đã thiệt mạng.
Tại Điện An, thay mặt những người dân Hàn Quốc yêu chuộng hòa bình, đoàn đã gửi vòng hoa, gửi lời xin lỗi sâu sắc và thành tâm nhất mong linh hồn các nạn nhân siêu thoát, thân nhân còn sống vượt qua nỗi đau.
Thanh Thanh