“The sound of music” (Giai điệu hạnh phúc), “Oliver” hay “Chicago” là những bộ phim âm nhạc không chỉ gây được tiếng vang nhờ giai điệu mà còn ghi danh lịch sử với giải Oscar dành cho “Phim hay nhất”.
An American in Paris (Một người Mỹ ở Paris, 1951)
Là bộ phim ca nhạc do hãng MGM sản xuất năm 1951, lấy hứng từ bản nhạc An American in Paris do George Gershwin sáng tác cho dàn nhạc từ năm 1928.
An American in Paris xoay quanh cuộc sống phức tạp giữa các nhân vật trong phim. Họ có điểm chung là đều đam mê nghệ thuật nhưng chuyện tình cảm lại không như mong muốn.
Không chỉ có nội dung lôi cuốn, bộ phim còn ấn tượng với khán giả bởi âm nhạc truyền cảm và linh hoạt. Chính chất liệu âm nhạc đã góp phần đẩy nội dung đến cao trào.
Cùng với niềm đam mê hay những bước nhảy điêu luyện của cặp nhân vật chính, tác phẩm đã thực sự chạm đến cảm xúc của người xem, thêm trân trọng tình yêu, tuổi trẻ và niềm tin vào cuộc sống.
Gigi (1958)
Phim lôi cuốn người xem vào chuyện tình lãng mạn giữa một người đàn ông điển trai, đào hoa và cô gái xinh đẹp giữa Paris tráng lệ.
Không chỉ có những khung cảnh nên thơ, Gigi còn khiến khán giả đắm chìm vào không gian âm nhạc sâu lắng và ngọt ngào.
Bộ phim được đánh giá là hoàn toàn xứng đáng khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh để giành giải Phim hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 31.
West side story (Câu chuyện phía Tây, 1961)
Lấy cảm hứng từ chuyện tình Romeo và Juliet dựa, West side story cũng xoay quanh chuyện tình của hai người yêu nhau nhưng lại thuộc hai phía đối địch. Kết phim cũng có nhiều thay đổi, khác bi kịch đẫm nước mắt của chuyện tình xưa.
Ngay khi vừa ra mắt, tác phẩm đã được các nhà phê bình đánh giá cao và cũng là bộ phim có doanh thu nội địa cao ngất.
Câu chuyện phía Tây đã ghi danh vào lịch sử khi cùng lúc được trao 10 giải Oscar trong số trong 11 đề cử. Album nhạc phim cũng đạt doanh thu kỷ lục chưa từng có trước đó.
The sound of music (Giai điệu hạnh phúc, 1965)
Thuộc thể loại phim nhạc kịch Broadway, suốt nửa thế kỷ qua, Giai điệu hạnh phúc vẫn luôn được xem là một “viên ngọc quý” của điện ảnh Mỹ.
Trong phim, Julia Andrew vào vai một nữ gia sư dạy dỗ 7 đứa trẻ có cha là một người đàn ông nghiêm khắc. Âm nhạc với sức lan tỏa kỳ diệu đã giúp cô trở nên gắn bó với các học trò, giúp chúng thêm yêu đời và lạc quan trong mọi tình huống.
Ngay từ khi ra mắt khán giả Mỹ, phim đã mang về doanh thu khổng lồ (gần 159 triệu đô la Mỹ ở Bắc Mỹ), “vượt mặt” cả Cuốn theo chiều gió.
Soundtrack được một đề cử Grammy Album của năm và chiếm ngôi vị Quán quân trên BXH Billboard suốt 5 tuần. Phim được đề cử 10 giải Oscar năm 1965 và giành 5 giải, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Năm 2007, Viện phim Mỹ AFI đã xếp bộ phim vào vị trí thứ 40/100 Phim hay nhất mọi thời đại.
Oliver (1968)
Phim là câu chuyện vừa cảm động vừa gay cấn, kể về tuổi thơ và hành trình mưu sinh đầy cực nhọc của cậu bé Oliver phải sống bằng nghề móc túi trên đường phố London ở thế kỷ thứ XIX.
Bị đối xử tàn ác, bị bóc lột, thậm chí lâm vào đường cùng nhưng ở Oliver vẫn sáng lên sự lương thiện và những đức tính tốt đẹp. Cuộc sống buồn khổ không làm em chai sạn hay xấu đi. Phim kết thúc có hậu bởi cuối cùng, sau bao sóng gió, hạnh phúc cũng đã mỉm cười với cậu bé dũng cảm.
Oliver đã xuất sắc giành được 5 tượng vàng trong đêm trao giải lần thứ 41.
Chicago (2002)
Với sự góp mặt của nhiều gương mặt tên tuổi như Richard Gere, Renée Zellweger, Catherine Zeta-Jones… Chicago nói về cuộc sống của những vũ công, xinh đẹp, tài năng nhưng lại gặp nhiều sóng gió trên con đường khẳng định bản thân.
Phim gửi gắm thông điệp rằng thành công chưa bao giờ đến dễ dàng, đó là kết quả của cả chặng đường phấn đấu.
Chicago nhận được 6 giải Oscar, bao gồm cả giải Phim xuất sắc nhất. Bộ phim cũng đánh dấu sự trở lại huy hoàng của thể loại phim nhạc kịch từ sau Moulin Rouge (2001).
Minh Tú (Tổng hợp)