Một nhóm chuyên gia phát hiện 6 mộ cổ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh 2.000 năm trước khi thăm dò khảo cổ di tích Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Ngày 13/11, VnExpress đưa tin, Sở Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đã thăm dò và phát hiện 6 mộ cổ của cư dân Sa Huỳnh 2.000 năm trước ở huyện Lý Sơn.
Khai quật diện tích 10 m2 ở di tích Suối Chình, các nhà khảo cổ phát hiện mộ cổ dày đặc với 6 mộ vò, mộ nồi và mộ đất có niên đại thế kỷ 1 và 2 sau công nguyên (SCN), tương đương 2.000 năm. Các mộ cổ này đều có di cốt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh thuở xưa. Đặc biệt là loại mộ nồi chôn úp nhau, bên trong có di cốt trẻ em được cải táng.
Đồ tùy táng trong các mộ là đồ trang sức hạt cườm đá, các khuyên tai, hạt cườm thủy tinh, hạt chuỗi chế tác từ vỏ tridacna (ốc tượng)…
Theo Zing, trước đó, khu vực khảo cổ Suối Chình ở xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn) từng có hai cuộc khai quật vào năm 2000 và 2005.
Trong các lần khai quật đã phát hiện tầng văn hoá di chỉ khảo cổ Suối Chình có chứa gốm, vỏ nhuyễn thể, chủ yếu là ốc như ốc cừ, ốc hoa, ốc nhảy, ốc xéo, ốc tai tượng, ốc đụn, ốc chìa vôi, ốc bàn tay, sò trơn, sò gai… phản ánh thủy sản từ biển – nguồn thực phẩm chính của cư dân.
Bên cạnh đó, đặc điểm nổi bật của di chỉ Suối Chình là cư dân văn hóa Sa Huỳnh giữ nguyên tục chôn mộ gắn liền với nơi cư trú, như đã phát hiện trước đó ở Xóm Ốc, theo Báo Quảng Ngãi.
Văn hóa Sa Huỳnh ở huyện đảo Lý Sơn gồm hai địa điểm: Xóm Ốc và Suối Chình có niên đại khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên (TCN) kéo dài và chấm dứt ở thế kỷ thứ 2 SCN. Di tích Suối Chình được phát triển từ di tích Xóm Ốc có niên đại thế kỷ 1 và 2 SCN.
Văn hóa Sa Huỳnh được hình thành từ năm 1.000 TCN, là một trong 3 cái nôi cổ xưa của văn minh ở Việt Nam. Trong đó, suối Chình là suối nước ngọt bắt nguồn từ chân núi Thới Lới chảy ra biển. Người Sa Huỳnh xưa đã biết chọn chân núi và gần với nguồn suối nước ngọt để sinh sống nhờ khai thác thủy sản dồi dào từ biển và nguồn rau, củ, quả từ núi. |
Hồng Hoa (Tổng hợp)