Nguồn cung hàng hóa cho Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc khi thị trường láng giềng khổng lồ này chiếm hơn 1/4 giá trị hàng nhập khẩu của cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong số 110,8 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc chiếm tới 30,2 tỷ USD.
Theo đó, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 12,3%, tương đương tăng 3,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước – con số tăng tuyệt đối lớn nhất trong số các thị trường Việt Nam nhập hàng hóa trong nửa đầu năm 2018.
Thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam là Hàn Quốc, nhưng giá trị nhập khẩu từ quốc gia này lại giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ còn 22,6 tỷ USD.
ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ ba cho Việt Nam, với kim ngạch 6 tháng đạt 15,8 tỷ USD, chỉ bằng hơn một nửa so với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhập nhiều hàng hóa từ các nước như Nhật Bản, EU, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Australia và Argentine. Giá trị nhập khẩu từ 10 thị trường lớn nhất này trong 6 tháng đạt 101 tỷ USD, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Việt Nam đang mua những gì từ Trung Quốc, Hàn Quốc?
Trung Quốc và Hàn Quốc đang cạnh tranh nhau trong việc cung cấp những mặt hàng nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam.
Chi hơn 30 tỷ USD mua hàng Trung Quốc, mặt hàng Việt Nam nhập nhiều nhất là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với giá trị 5,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Loại hàng hóa này cũng được nhập nhiều từ Hàn Quốc với 3,1 tỷ USD.
Trong tổng số 15,9 tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 1 nửa, còn các doanh nghiệp trong nước chiếm gần một nửa còn lại.
Nhóm hàng nhập khẩu nhiều thứ hai từ Trung Quốc là điện thoại và linh kiện với 3,6 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc là thị trường cung cấp lớn thứ hai với giá 2 USD, giảm 12,7%.
Nhóm hàng nhập khẩu nhiều thứ ba từ Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,6 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với mặt hàng này, Hàn Quốc là thị trường cung cấp lớn hơn với giá trị lên đến 8,49 USD, tăng 22,2%.
Ngoài ra, các mặt hàng tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng còn có mặt hàng vải với kim ngạch 3,43 tỷ USD, sắt thép với 2,32 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may da giày với 1,1 tỷ USD, và sản phẩm làm từ chất dẻo với gần 1 tỷ USD.
Với Hàn Quốc, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD còn có xăng dầu với 1,32 tỷ USD và vải các loại với 1,1 tỷ USD.
Có thể thấy, hàng hóa Trung Quốc đang tràn sang Việt Nam nhiều hơn ngay cả trước khi xung đột thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ chính thức nổ ra ngày 6/7. Với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá do tác động của chiến tranh thương mại và do ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất, hàng hóa của Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn và có thể được xuất sang Việt Nam với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
Minh Tuệ