Vừa qua tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đợt mưa lũ lịch sử khiến 80 người thiệt mạng, 23 người vẫn đang mất tích, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã hứng chịu trận mưa lớn trong suốt 4 ngày (từ 9/10 đến 12/10), gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng. Zing.vn đưa tin.
Thống kê cho biết, 2 khu vực này có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến là 250-300 mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên tới 400-600 mm.
Theo đó, trận mưa lũ lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 80 người (Hòa Bình: 29 người, Yên Bái: 17, Sơn La: 6, Hà Nội: 2, Thanh Hóa: 16, Nghệ An: 9, Quảng Trị: 1). 23 người hiện vẫn mất tích (Sơn La: 2 người, Yên Bái: 11, Hòa Bình 5, Thanh Hóa: 5),.
So với cơn bão số 10 đi qua các tỉnh miền Trung vào tháng 9 (có 4 người tử vong), thiệt hại về người của đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 gấp hàng chục lần.
Về tài sản, mưa lũ làm 249 nhà cửa bị đổ sập hư hỏng, 2.604 nhà di dời khẩn cấp, 10.362 con gia súc và 301.449 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Hiện tại ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh nước đang rút, các địa phương trên đang tiếp tục thống kê số nhà còn bị ngập.
Riêng tỉnh Hòa Bình, theo thống kê về tình hình thiệt hại thiên tai do ảnh hưởng của mưa lũ trong tháng 10/2017, tỉnh có tổng số người chết, bị thương và mất tích là 46 người.
Sau 7 ngày nỗ lực, lực lượng chức năng đã tìm thấy 18 thi thể người mất tích do bị đất đá vùi lấp tại xóm Khanh, xã Phú Cường, Hòa Bình. Hiện còn 5 nạn nhân xấu số ở Đà Bắc vẫn chưa được tìm thấy.
Một khối lượng lớn đất đá chôn vùi thi thể của 18 người dân ở xóm Khanh. Ảnh: Lê Hiếu.
Hầu hết công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều bị ảnh hưởng, trong đó, hơn 180 công trình bị hư hỏng nặng hoặc thiệt hại hoàn toàn. Các hồ chứa đều trong tình trạng xả tràn, bị sạt lở mái hạ lưu đập, có nguy cơ vỡ đập.
Được biết, toàn tỉnh có khoảng 750 điểm vách núi, trong đó, 72 điểm vách núi bị sạt lở với khối lượng lớn khiến một số tuyến đường bị tắc nghẽn, khoảng 7km mặt đường bị hư hỏng nặng.
Người dân ở những vùng bị ảnh hưởng đang dọn dẹp, chuẩn bị trở lại cuộc sống thường nhật. Ảnh: Zing.vn
Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ông Lê Thanh Hải cho biết, nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996.
Theo ông Hải, năm 1996, lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình đạt 22.500 m3/s nhưng là vào tháng 8, giữa mùa mưa. Trong khi đó, vào 12h giờ ngày 11/10, tại hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước đã đạt 117,37 m, lưu lượng về hồ lên tới 15.940 m3/s (cao thứ nhì trong lịch sử).
Khôi Minh