“Ai đời Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam “đẻ” ra Viện Chống làm giả lại đi cấp phép cho công ty điển hình của làm giả vi phạm nghiêm trọng như này thì làm sao lấy được niềm tin của người dân?”. Đây là khẳng định của ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương.
Ông Hùng nhấn mạnh: Quan điểm của Bộ Công Thương và Cục Quản lý Thị trường đề nghị các cơ quan chức năng là: Đã rõ các dấu hiệu vi phạm, đề nghị rút quyết định xử phạt hành chính, chuyển khởi tố điều tra vụ án này, bất kể đấy là ai, làm sai ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì phải xử lý một cách điển hình, làm gương, theo Dân Trí.
Liên quan đến cơ sở sản xuất bột than tre cung cấp cho công ty sản xuất thuốc chữa ung thư mới bị triệt phá, chia sẻ với phóng viên Dân Trí ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, vụ việc đủ các dấu hiệu về hàng giả, nhưng hiện nay mới quyết định xử lý hành chính là không phù hợp, đề nghị khởi tố điều tra vụ án.
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương, một chiến binh khắc tinh của hàng giả, đã phải thốt lên: “Tôi choáng… Ai đời Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đẻ ra Viện Chống làm giả lại đi cấp phép cho công ty điển hình của làm giả vi phạm nghiêm trọng như này thì làm sao lấy được niềm tin của người dân?”.
Thưa ông, vụ việc đã có bằng chứng chứng minh là hàng giả, không có bất kỳ ai chứng minh bột than tre chữa được bệnh ung thư? Vậy tại sao sự việc chỉ bị xử lý phạt hành chính?
– Phạt hành chính vì quá thời hạn điều tra 60 ngày thì phải ra quyết định, đó là quy định của Luật. Tuy nhiên, khi thấy vụ việc này chúng tôi thực sự rất bất bình. Giữa thời điểm công nghệ 4.0 đi sản xuất sản phẩm tre đốt ra lại bảo để chữa ung thư hoặc dùng làm mỹ phẩm.
Tôi phân vân là ai nghĩ ra cách đốt than tre để làm thuốc chữa ung thư, đầu óc nếu không có vấn đề thì cũng vô cùng bất lương.
Tôi chắc chắn là chưa có một cơ quan nào cho phép cho than tre chữa ung thu cả và theo quy định của luật pháp, sản phẩm đó phải qua cơ quan y tế, phải đảm bảo đúng quy định về môi trường, trang thiết bị, thành phần… ở đây hoàn toàn không có.
Được biết, chủ cơ sở bị phát hiện có móc nối với công ty Vinaca để cung ứng nguyên liệu cho thuốc điều trị ung thư? Tính chất vụ việc là gì?
– Qua thông tin nắm bắt, chúng tôi bước đầu xác định họ bán hàng đa cấp trá hình, vụ việc rất nghiêm trọng. Kiểm tra ngay trên mạng, hệ thống đại lý chúng tôi đã thấy rõ. Qua xác minh Nam Định là tỉnh mà doanh nghiệp này làm đầu mối để đưa đi tỉnh khác.
Tại thời điểm kiểm tra 6 đại lý của công ty này, có hai đại lý bỏ trốn, chỉ bắt được 4 đại lý có hàng, tổng kết, lực lượng quản lý thị trường bắt hơn 600 sản phẩm của Vinaca, nhìn những sản phẩm đấy không ai nghĩ rằng nó có thể được tiêu thụ bởi những toàn quảng cáo “lên trời”.
Rượu được quảng cáo đắt nhất hành tinh, thuốc trị ung thư gan, thực phẩm chức năng, dầu gội đầu và xà phòng đều được quảng cáo phi thực tế, không thể chấp nhận được.
Ai cho phép làm cái này? Chính quyền sở tại ở địa phương họ làm gì tại sao không biết? Chúng ta có cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, trung ương rất quyết tâm, nhưng địa phương tại sao để xảy ra vụ việc kéo dài như vậy.
Được biết, tháng 10/2017, công ty Vinaca là đầu mối thu mua than tre về điều chế thuốc chữa ung thư đã được nhận giải thưởng Top 10 thương hiệu, với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đánh giá vụ việc như thế nào?
– “Tôi choáng”! Nhìn kỹ Giấy chứng nhận đó là sản phẩm của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP), do bà Trần Mai Khanh, Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả ký chứng nhận.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng sắp tới phải xem xét tư cách bà Khanh có đủ thẩm quyền hoặc Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng có đủ tư cách để ký ra những chứng nhận kiểu này không?
Ai cho phép tổ chức ra những chứng nhận này, nếu không có cấp phép tổ chức, tôi đề nghị khởi tố hình sự các cá nhân tiếp tay cho hành động này, tránh trường hợp những công ty làm hàng gian, hàng giả lợi dụng các chứng nhận trá hình.
Dư luận hiện có nhiều thông tin, để tham gia vào các “show” giải thưởng, chứng nhận kiểu như trên họ đóng 5 – 10 triệu đồng sẽ có giải ngay. Mặc dù chúng ta chưa có bằng chứng song với cách cấp phép như trên, phải truy cứu trách nhiệm. Tôi thiết nghĩ, Chính phủ sắp tới phải chấn chỉnh các Hiệp hội như thế này.
Theo Dân Trí