Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) nhận định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có kéo dài hơn nữa, Việt Nam cũng không nên quá lo lắng bởi tác động xấu sẽ ít, tác động tốt nhiều. Nếu các doanh nghiệp biết cách tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ gặt hái nhiều cơ hội từ cuộc chiến này.
Theo TheLeader, tại hội thảo Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam diễn ra mới đây, AmCham Vietnam tiết lộ giới kinh doanh Mỹ không cảm thấy bất ngờ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra vào năm nay, vì nó đã nhen nhóm từ năm 2011.
Theo Amcham, ít có khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ từ bỏ các chính sách thuế quan để trừng phạt Trung Quốc, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử Nghị viện giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, hiệp hội này cho rằng với Việt Nam, chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dù có leo thang, tác động tốt vẫn nhiều hơn tác động tiêu cực. Đặc biệt, nếu các doanh nghiệp biết cách tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam còn có thể gặt hái nhiều cơ hội từ cuộc chiến thuế quan này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Mark Gillin, cựu Chủ tịch AmCham Vietnam, nhận định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến các nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ – 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam – tăng trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội của mình.
Theo đó, cựu Chủ tịch AmCham Vietnam cho biết, trước năm 2018, khoảng 50% hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc liên quan đến gia công thương mại với các nguyên liệu đầu vào trung gian được sản xuất ở các nơi khác, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực ASEAN và được nhập khẩu vào Trung Quốc để lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng. Sau đó, những sản phẩm này được xuất sang Mỹ và các nước phương Tây khác.
Với biện pháp áp thuế cao của Mỹ lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, cơ hội sẽ đến với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, khi đón được làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là điều dễ dàng. Hiện tại, các SME chỉ chiếm khoảng 23% tổng xuất khẩu của Việt Nam, tỷ lệ trong mạng lưới sản xuất toàn cầu còn rất thấp.
Theo AmCham, muốn nâng cao khả năng kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các SME Việt Nam cần chú trọng các điều sau: trở thành nhà cung ứng đủ điều kiện đối với các công ty Mỹ và toàn cầu, đăng ký mã số D-U-N-S – một công cụ nhận diện toàn cầu, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), tham gia các triển lãm thương mại các ngành công nghiệp tại Mỹ, kiểm tra và chứng nhận chất lượng – an toàn – nhân công – môi trường, trang web công ty…
Bình luận về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhiều chuyên gia Việt Nam cho rằng cuộc chiến này sẽ mang đến cả thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ trên Vnexpress ngày 27/7, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc phát triển và giảng viên Trường Fulbright, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước 3 nguy cơ, gồm áp lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên sân nhà, áp lực chi phí sản xuất khi tỷ giá biến động và mất thị trường Trung Quốc với vai trò cung ứng nguyên phụ liệu cho nước này sản xuất thành phẩm để đưa sang Mỹ.
Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chiến tranh thương mại là lúc thị trường thế giới được sắp xếp lại. Khi đó, sẽ xuất hiện những cơ hội mới, những ngách của thị trường.
“Nó tùy thuộc vào nội lực của chúng ta. Phải có nỗ lực từ hai phía, chính phủ và doanh nghiệp. Trước hết là doanh nghiệp tư nhân, nếu kịp thích ứng và đưa ra giải pháp trong bối cảnh thị trường thế giới đang được sắp xếp lại”, ông Lộc nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng bất ổn hiện nay chính là lúc có nhiều cơ hội. Tình hình này buộc doanh nghiệp phải cải cách và làm nhanh hơn.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air, cũng tin rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân năng động. Đây là thời điểm có thể sắp xếp lại thị trường và thứ hạng.
Vỹ An