Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng đồng Rupee của nước này đang đi theo hướng ngược lại.
Rupee là một trong những đồng tiền tệ nhất thế giới năm 2018 khi đã giảm giá hơn 13% so với đồng USD.
Tính đến ngày 17/9, đồng Rupee đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 72,9 Rupee/USD.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn đà giảm của đồng Rupee, Bộ trưởng Tài Chính Arun Jaitley cho biết Ấn Độ sẽ giảm nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết và sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mua vào trái phiếu Rupee do các công ty Ấn Độ phát hành.
Ấn Độ nằm trong số các thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay do những căng thẳng thương mại toàn cầu và lãi suất của Mỹ tăng lên làm đồng USD hấp dẫn hơn. Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp bất thường để đối phó với tình trạng đồng tiền của họ sụt giảm nghiêm trọng.
So với các nước khác, kinh tế Ấn Độ vẫn tốt lên khi tăng trưởng GDP đạt mức 8,2% trong quý II/2018.
Tuy nhiên, đồng Rupee lại giảm mạnh. Điều này sẽ đẩy lạm phát tăng cao khi hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Khi đồng Rupee yếu cộng thêm giá dầu thế giới tăng mạnh, nước này sẽ phải chịu thêm nhiều khó khăn nữa.
Các chuyên gia nhân tích cho rằng sự can thiệp của chính phủ trong việc hạn chế đồng Rupee mất giá là không cần thiết và sẽ không đạt được hiệu quả cao, vì nguyên nhân khiến đồng Rupee giảm giá là do tác động của các yếu tố bên ngoài.
Chia sẻ trên CNN, chuyên gia kinh tế Shilan Shah của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nói rằng các biện pháp Ấn Độ công bố cuối tuần qua chỉ cải thiện được “vẻ bên ngoài”. Ông hy vọng đồng Rupee sẽ có những chuyển mình tích cực hơn vào năm 2019.
Cựu Thống đốc Pronab Sen của Ngân hàng Dư trữ Ấn Độ (RBI) chia sẻ: “Nghe có vẻ như chính phủ đang lo lắng, nhưng điều này chủ yếu để khích lệ giới đầu cơ và trấn an các đầu tư”.
Chính phủ Ấn Độ không đơn độc trong việc cố gắng hỗ trợ đồng nội tệ. Theo một nguồn tin, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tiến hành mua vào đồng Rupee. Dự trữ ngoại hối của ngân hàng đã giảm xuống còn dưới 400 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 11/2017.
Hơn nữa, RBI đã tăng lãi suất 2 lần trong năm nay và khả năng cao sẽ tăng thêm lãi suất nếu đồng Rupee tiếp tục suy yếu và lạm phát tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Shah cho rằng dù đồng Rupee yếu tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu, nhưng tăng lãi suất lại chính là “cái phanh” kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
“Nếu lãi suất tăng mạnh tay…điều đó sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng”, ông Shah nhận định.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)