Đại Kỷ Nguyên

Áp giá điện kinh doanh cho nhà trọ, người thuê kêu khổ

Giá điện nước luôn là vấn đề bận tâm của người thuê nhà. (Ảnh minh họa)

Việc áp giá điện kinh doanh cho các hộ gia đình cho thuê phòng trọ đang khiến nhiều người thuê trọ và sinh viên kêu khổ.

Một sinh viên có tên Nguyễn Thắng cho biết từ khi bắt đầu đi học đại học đến giờ bạn đều phải thuê trọ ở ngoài và chịu mức giá điện theo giá kinh doanh. Điều này khá vô lý vì như thế bạn phải chịu thiệt rất nhiều.

Cô Lan – một người buôn bán, cho hay gia đình cô ở quê rất nghèo nên buộc phải ra Hà Nội để kiếm sống. “Tôi buộc phải thuê nhà trọ để ở, nhưng điện nước chỗ tôi ở bị tính theo giá kinh doanh nên tháng nào cũng phải nộp một khoản tiền điện nước lớn. Trong khi đó, nếu ở quê thì những hộ nghèo như tôi còn được nhận hỗ trợ từ nhà nước”.

Chia sẻ trên báo điện tử Vietnamnet, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết: “Tôi và con trai cũng đi thuê nhà. Tiền điện chúng tôi phải chịu rất cao, mấy nghìn đồng/số điện. Trong khi người nghèo, người thu nhập thấp mới phải đi thuê nhà ở. Vì vậy, việc giá điện kinh doanh cao đã khiến cho người nghèo càng thêm khổ. Đó là điều tôi nghĩ ngành điện phải suy nghĩ đến”.

Thông tin về dự thảo Biểu giá điện của Bộ công thương mới đưa ra vẫn gồm 6 bậc như cũ đang khiến nhiều người dân kêu trời. Không ít người dân đã có chiêu “độc” để tránh né việc này.

Theo đó, để “né” giá điện theo mức lũy tiến như trong Biểu giá điện (đã áp dụng từ năm 2014), nhiều gia đình đã dùng cách tách hộ khẩu để có thể làm nhiều hợp đồng, dẫn đến cảnh 1 nhà có tới 3,4 công tơ điện.

Chị Mai Vân (Hồ Tây, Hà Nội) cho biết hiện gia đình chị ở chung với bố mẹ chồng, tiền điện hàng tháng khá tốn kém, có những thời điểm lên tới gần 2 triệu đồng. Đau đầu vì giá điện quá cao, chị đã chia sẻ với một người bạn làm trong ngành điện và được người này tư vấn việc tách đôi hộ khẩu để có được giá điện thấp hơn. Sau khi thực hiện theo, chi phí cho tiền điện của nhà chị giảm hẳn.

Tương tự, gia đình ông Xuân Long (Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết gia đình ông cũng tách hộ khẩu để tránh phải chịu chi phí tiền điện cao, hơn nữa điều đó cũng hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Tình trạng chia công tơ điện như trên không phải là hiếm tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể tách được công tơ điện thì không phải là việc dễ dàng, mà đôi khi phải có “quan hệ” mới có thể trôi chảy. Như vậy, việc chia biểu giá điện như trên vô hình chung lại là một cách tiếp tay cho các cán bộ ngành điện có cơ hội nhũng nhiễu.

Việc tách công tơ trên tuy không phạm pháp nhưng vô tình lại gây mất công bằng đối với các gia đình khác. Để tránh tình trạng trên, nhiều người đề nghị nên nới rộng biểu giá điện bậc 1 từ 0–50kwh lên từ 0–150kwh.

Thu Nguyễn (tổng hợp)

Exit mobile version