Đại Kỷ Nguyên

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được khôi phục chức danh tại Tập đoàn Trung Nguyên

Khôi phục chức danh bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên. (Ảnh: Việt Nam Net)

Tòa bác kháng cáo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, khôi phục tư cách Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Sáng 20/9, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử vụ án: “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi), bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi), theo VnExpress.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng về chiếc ghế Phó tổng giám đốc Trung Nguyên. (Ảnh: VietnamFinance)

Sau khi xem xét hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX phúc thẩm đánh giá “không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Vũ và tập đoàn Trung Nguyên” nên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa huỷ bỏ Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đồng thời khôi phục lại chức danh của bà Thảo tại Trung Nguyên.

Ngoài ra, tòa còn yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành và quản lý Công ty, với tư cách là một thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc thường trực. Quyết định này của TAND Cấp cao có hiệu lực ngay lập tức.

Cuộc chiến pháp lý tranh giành quyền điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của vợ chồng bà Thảo và ông Vũ diễn ra nhiều năm nay.

Theo báo Ngôi sao, ngày 8/5/2006, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc – có quyền quản lý Trung Nguyên theo ủy quyền của ông Vũ. Dưới sự điều hành của nữ doanh nhân, vốn điều lệ của công ty tăng từ 150 tỷ đồng lên 2.500 tỷ, doanh thu và lợi nhuận hằng năm đều tăng mạnh.

Đến tháng 7/2014, ông Vũ tự ý ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của bà Thảo mà không được HĐQT thông qua. Ông này chỉ đạo nhân viên đập bỏ phòng làm việc của vợ, khiến email của bà Thảo bị mất dữ liệu, ngăn cản không cho bà vào trụ sở công ty…

Đặng Lê Nguyên Vũ là doanh nhân và được xem như ông vua cà phê Việt. (Ảnh: Forbes)

Ngoài ra, ông Vũ không cho phép bà Thảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ cũng như thành viên HĐQT của công ty này.

Từ đó, bà Thảo yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của mình, buộc ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở việc bà tham gia điều hành, quản lý công ty…

Tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện chồng là ông Vũ nhằm yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của mình lên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Trong phiên xử tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã bác các yêu cầu của bà Thảo. Sau đó bà Thảo gửi đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TP HCM.

Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP HCM nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Ngày 22/9/2017, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của bà Thảo. Bà Thảo được phép quản lý và điều hành tập đoàn theo đúng quyền hạn của mình, còn ông Vũ không được quyền ngăn cấm bà điều hành và quản lý tại tập đoàn này.

Không hài lòng với bản án sơ thẩm, ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên kháng cáo. Ngày 7/2, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm vụ án này. Ngay trước phiên xử, Tập đoàn Trung Nguyên đã có đơn xin hoãn phiên tòa.

Song song với vụ kiện trên, vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên cũng trải qua nhiều năm tranh chấp, đặc biệt ở vấn đề tài sản và con cái. Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con và ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi con 5% số cổ phần của ông tại Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, ông Vũ chỉ chấp nhận cấp dưỡng mỗi người con 5% số cổ tức của mình cho đến khi các con đã thành niên và tốt nghiệp đại học.

Đến nay, vụ ly hôn nghìn tỷ và tranh chấp quyền lợi của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn chưa ngã ngũ.

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)

Exit mobile version